Bệnh dại (Rabies) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm vi rút dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, có khoảng 60.000 – 70.000 người bị chết do bệnh dại, phần lớn được báo cáo từ các nước thuộc vùng nhiệt đới, nơi có tới 3/4 dân số thế giới sinh sống.
Hình ảnh minh hoạ vểt chó cắn
Tại Châu Âu, bệnh dại chủ yếu xảy ra ở CHLB Đức, Áo, Thụy Sỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary. Bệnh dại đã lưu hành rộng rãi ở loài cáo, số trường hợp mắc dại ở miền Tây Châu Âu đã giảm rất mạnh từ năm 1992.
Thú hoang dã bị bệnh dại ở Mỹ, Canada thường xảy ra ở gấu trúc, chồn, cáo, chó sói đồng và dơi. Những năm gần đây, các nước này cũng phải sử dụng tới 1,2 triệu liều vắc xin tại các trung tâm phòng dại.
Ở Châu Phi và Châu Á, chó là nguồn gây bệnh chủ yếu, số người chết hàng năm vì bệnh dại rất cao: Ấn Độ hàng năm có khoảng 3 triệu người phải tiêm vắc xin dại trong đó 40% là trẻ em, Trung Quốc năm 2000 có 226, năm 2006 có 2500 và năm 2007 có 3.300 người chết vì bệnh dại. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Nepal, Sri- Lanca, Băng La Đét, Indonesia.
Ở các nước Đông Nam Á, hàng năm tỷ lệ chết vì bệnh dại chiếm 80% trên toàn thế giới. Từ năm 2004 đến nay bệnh dại tăng lên rõ rệt ở các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Ở Việt Nam, bệnh dại lưu hành và phát triển ở hầu hết các tỉnh/thành phố. Những năm 1990-1995, tỷ lệ tử vong là 0,43/100.000 dân, trung bình mỗi năm có 350-500 ca tử vong. Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 92/TTg về tăng cường phòng chống bệnh dại. Các biện pháp phòng chống bệnh dại đã được tăng cường và kết hợp nên số ca tử vong từ năm 1996 – 2007 đã giảm 75% so với năm 1995. Từ năm 2004 đến nay, bệnh dại có chiều hướng tăng lên, tập trung tại một số tỉnh: Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Tây, Gia Lai, Bến Tre, Bình Thuận. Năm 2007, cả nước có 131 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Năm 2023 cả nước ghi nhận 82 người chết do bệnh Dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022 (~17%). Bệnh xảy ra ở tất cả các tháng trong năm 2023, trong đó tập trung nhiều vào các tháng 3,4,8. Khu vực miền Bắc là khu vực có số người tử vong do bệnh dại cao nhất trong cả nước (38,6%); khu vực miền Trung là 13,4%, miền Nam và Tây Nguyên có số tử vong bằng nhau (24,4%). Chó vẫn là nguồn lây truyền chủ yếu chiếm 80% các trường hợp tử vong, 18% do mèo, 0,1% do dơi và 2% là do các động vật khác như chuột, khỉ.
Bệnh Dại phân bố ở 30/63 tỉnh/TP, tăng so với năm 2022 (28 tỉnh). Trong đó, khu vực miền Bắc có 14/28 tỉnh, khu vực miền Nam 8/20 tỉnh, khu vực Tây Nguyên 3/4 tỉnh, khu vực miền Trung xảy ra ở 5/11 tỉnh. Các tỉnh có số ca bệnh dại tử vong cao nhất trong năm 2023 là Gia Lai 14 ca, Nghệ An 7 ca, Bình Phước 7 ca (năm 2022 không có), Điện Biên 6 ca, Bến Tre 5 ca, Đắk Lắk và Bình Thuận 4 ca.
Ổ chứa vi rút dại trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng, nhất là ở chó hoang dã như chó sói đồng (Coyotes), chó sói (Wolves), chó rừng (Jackals) và chó nhà (Candae). Ngoài ra, ổ chứa vi rút dại còn ở mèo, chồn, cầy và những động vật có vú khác.
Ở Nam Mỹ, Trung Mỹ, Mexico có ổ chứa vi rút ở loài dơi hút máu và dơi ăn hoa quả. Ở Mỹ, Canada, Châu Âu còn thấy loài dơi ăn sâu bọ bị nhiễm vi rút dại.
Ở các nước đang phát triển, ổ chứa chủ yếu ở chó, ngoài ra còn thấy ở mèo, chuột…
Ở Việt Nam, chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu chiếm 96-97% sau đó là mèo: 3- 4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc…) chưa phát hiện được.
Bệnh dại gồm các giai đoạn bệnh như sau:
– Giai đoạn ủ bệnh: trung bình 20-60 ngày nhưng có thể kéo dài từ 4 ngày đến nhiều năm sau (y văn ghi nhận có trường hợp ủ bệnh đến 19 năm), thời kì ủ bệnh ngắn khi vết thương ở vùng đầu mặt hoặc lây bệnh qua ghép giác mạc.
– Giai đoạn khởi phát: thường 2-10 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi-rút xâm nhập.
– Giai đoạn toàn phát hoặc “giai đoạn viêm não”: thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp … Bệnh tiến triển theo hai thể: thể liệt kiểu hướng lên (hội chứng Landly) và thể hung dữ chiếm 80%. Giai đoạn này thường kéo dài 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp. Thể liệt thường sống lâu hơn thể hung dữ vài ngày.
Chẩn đoán sơ bộ bệnh dại: thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng, đặc biệt là sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng và các yếu tố dịch tễ có liên quan.
Chẩn đoán xác định bệnh dại: bằng xét nghiệm kháng thể miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (IFA) từ mô não hoặc phân lập vi-rút trên chuột hay trên hệ thống nuôi cấy tế bào. Có thể dựa vào kết quả xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang của các mảnh cắt da đã làm đông lạnh lấy từ dìa tóc ở gáy bệnh nhân hoặc chẩn đoán huyết thanh bằng phản ứng trung hoà trên chuột hay trên nuôi cấy tế bào. Ngày nay, với kỹ thuật mới chẩn đoán bệnh dại có thể được thực hiện bằng cách phân lập vi-rút hoặc phát hiện RNA vi-rút bằng xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) từ nước bọt, dich não tủy, nước tiểu, mô sinh thiết (não, da).
Điều trị: Hiện chưa có phương thức điều trị đặc hiệu cho bệnh dại. Điều trị chủ yếu là hỗ trợ (oxy liệu pháp, thở máy, truyền dịch, vận mạch) và chăm sóc giảm nhẹ (an thần, giảm đau, chống co giật …).
Dự phòng:
Trong điều kiện môi trường thuận lợi, virus gây bệnh dại có thể “ngủ đông” từ 3 đến 4 năm. Do đó, chúng ta cần phải chủ động ngăn ngừa từ trong trứng nước với những việc làm như sau:
– Chủ động tuyên truyền giáo dục sức khỏe: Cung cấp những thông tin cần thiết và cách phòng chống bệnh dại. Đặc biệt là việc phát hiện súc vật bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc.
– Báo cáo với cơ quan thú y nơi có động vật bị bệnh dại.
– Thực hiện đăng ký, cấp giấy phép cho chủ nuôi chó, mèo; tiêm vắc xin dại có hiệu lực cho đàn chó, mèo đạt trên 85% trong quần thể súc vật nuôi.
– Những người có nguy cơ bị nhiễm vi rút dại như nhân viên thú y, kiểm lâm, làm việc trong phòng thí nghiệm có vi rút dại… cần được gây miễn dịch bằng vắc xin dại tế bào có hiệu lực bảo vệ cao và tiêm nhắc lại theo chỉ định của y tế.
– Tránh cho trẻ nhỏ chơi với động vật, nhất là chó, mèo đi lạc.
– Dạy trẻ tránh xa các động vật hoang dã như mèo, dơi, gấu trúc, chồn hôi, khỉ, cáo…
– Nhà có vật nuôi như chó, mèo cần chủ động tiêm chủng cho chúng, không cho chúng chạy rong bên ngoài vì rất dễ lây lan mầm bệnh.
Những người bị chó, mèo cắn phải thực hiện nghiêm ngặt nội dung sau:
Xử lý vết thương: Rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn. Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày. Tiêm vắc xin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.
Bảo vệ bằng miễn dịch đặc hiệu: Dùng vắc xin dại tế bào hoặc dùng cả vắc xin và huyết thanh kháng dại (HTKD) để điều trị dự phòng tuỳ theo tình trạng súc vật, tình trạng vết cắn, tình hình bệnh dại ở súc vật trong vùng. Không được lạm dụng trong sử dụng vắc xin và HTKD.
Việc khám bệnh nhân bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc để có chỉ định điều trị dự phòng bằng vắc xin dại hoặc vắc xin + HTKD phải thực hiện càng sớm càng tốt.
Vắc xin dại: vắc xin dại tế bào là tốt nhất, đây là vắc xin an toàn và hiệu lực bảo vệ cao. Nước ta từ năm 1992 đã dùng vắc xin dại tế bào Verorab, có 2 phác đồ dưới đây được WHO đồng ý và khuyến cáo sử dụng:
Phác đồ tiêm bắp: 0,5ml x 5 liều cho một đợt điều trị dự phòng vào ngày 0, 3, 7, 14, 28.
Phác đồ tiêm trong da: liều đơn 0,1ml x 8 liều cho một đợt điều trị dự phòng vào ngày 0, 3, 7, mỗi ngày tiêm 2 liều đơn vào 2 vị trí khác nhau của vùng cơ Delta, tiêm tiếp vào ngày 28 và ngày 90 kể từ mũi tiêm thứ nhất, mỗi ngày 1 liều vào cơ Delta.
Bảng: Tóm tắt điều trị dự phòng người bị súc vật cắn
Tình trạng vết cắn | Tình trạng súc vật (kể cả súc vật đã được tiêm phòng) |
Điều trị | |
Tại thời điểm cắn | Trong 15 ngày | ||
Da lành | Không điều trị | ||
Da bị xước ở gần thần kinh trung ương | Bình thường | Tiêm vắc xin | |
Có triệu chứng dại | Tiêm HTKD và vắc xin dại |
||
Da bị xước nhẹ xa thần kinh trung ương | Bình thường | Theo dõi súc vật. | |
ốm, triệu chứng dại | Tiêm vắc xin ngay khi con vật có triệu chứng | ||
Vết xước nhẹ, xa thần kinh trung ương | Không theo dõi được con vật | Tiêm vắc xin ngay. | |
Có triệu chứng dại | Tiêm HTKD và vắc xin | ||
– Vết thương gần não – Vết thương sâu, nhiều – Vết thương vùng đầu chi, |
– Bình thường – Không theo dõi được con vật |
Tiêm HTKD và vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt |
Tài liệu tham khảo:
- Cục Y tế dự phòng. Bệnh Dại. https://vncdc.gov.vn/benh-dai-nd14503.html.
- Báo cáo 3/2024 của Cục Y tế dự phòng.
- Bệnh viện bệnh nhiệt đới. https:/bvbnd.vn.nhung-dieu-can-biet-ve-benh-dai.
BS.CKII. Dương Quốc Hiền
Trưởng khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang