Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Khoa Tim mạch lão học

Người cao tuổi được định nghĩa là người từ 60 tuổi trở lên, khi đó con người như bước vào một thế giới mới với những cảm nhận đa dạng, buồn vui trộn lẫn, có thể mạnh khỏe, hoặc suy yếu. Phạm vi nội dung của bài này xoay quanh vấn đề bảo tồn và cải thiện tình trạng sức khỏe cho người cao tuổi. Vấn đề đó tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai trong chúng ta cũng tường tận để thấu hiểu người cao tuổi, nhất là khi họ sắp hoặc đang trải qua tình trạng tiền suy yếu hay suy yếu, lại phải đối mặt với nhiều bệnh tật kèm theo.

Vai trò của nhân viên y tế:

Nhân viên y tế người cung cấp sự chăm sóc cho người cao tuổi nhận thức được tất cả những mục tiêu và trụ cột này và phối hợp với các phương pháp chăm sóc người cao tuổi. Tương tác với bệnh nhân và gia đình để trở thành đối tác chăm sóc dẫn đến việc chăm sóc lấy con người làm trung tâm có ý nghĩa hơn và các kế hoạch phòng ngừa và điều trị hiệu quả hơn với kết quả tốt hơn. Các bác sĩ cần phối hợp chăm sóc điều trị các bệnh khác nhau của bệnh nhân và phối hợp với các chuyên khoa khác, cũng như với bệnh nhân và gia đình của họ. Ngoài ra, các bác sĩ chuyên khoa lão khoa cần sự giúp đỡ của cộng đồng để tạo ra và thực hiện các phương pháp tốt nhất kết hợp các chiến lược phòng ngừa giữ cho bệnh nhân khỏe mạnh hơn. Cuối cùng, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và nhân viên, học giả và các nhà nghiên cứu phải làm việc với các nhà hoạch định chính sách để làm cho việc chăm sóc sức khỏe trở nên công bằng và hợp lý hơn.

Những điều cần lưu ý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi:

Tất cả những thay đổi về thể chất, trí tuệ và tâm lý ở người cao tuổi đều làm suy giảm chất lượng cuộc sống và thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhu cầu về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi luôn cần một nguồn lực và sự quan tâm lớn. Do đó, để việc chăm sóc sức khỏe tuổi già cho những người thân yêu được toàn diện và tối ưu, chúng ta cần lưu ý những điều sau.

  • Tham gia vào các hoạt động xã hội

Người lớn tuổi nếu không thường xuyên vận động thân thể và trí não sẽ khiến cho sức khỏe suy giảm nhanh chóng, tinh thần không còn minh mẫn, dễ bị lú lẫn và dễ mắc các bệnh mạn tính.

Để kích thích trí óc người lớn tuổi hoạt động, bên cạnh việc thường xuyên trò chuyện, cùng ngồi đọc báo, xem tivi hoặc thảo luận về vấn đề mà họ quan tâm, chúng ta nên động viên người cao tuổi tham gia vào các hoạt động xã hội. Đó có thể là câu lạc bộ tình nguyện, các thú vui chơi cờ, nuôi chim, cá, hoặc các hoạt động thể thao như yoga, thiền định, dưỡng sinh, đi bộ,…

Việc tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia vào các hoạt động xã hội, được tiếp xúc với nhiều người, được trò chuyện giải bày sẽ giúp tinh thần của họ thấy thoải mái, thư giãn, giúp loại bỏ những buồn phiền, lo lắng, giữ đầu óc minh mẫn, và rèn luyện thể chất.

  • Xây dựng chế độ ăn khoa học

Hệ tiêu hóa của người cao tuổi thường gặp nhiều vấn đề gây khó khăn cho việc hấp thụ chất dinh dưỡng, làm ăn không ngon, khẩu vị thay đổi đòi hỏi cần có một chế độ ăn uống phù hợp để cải thiện tình trạng này.Người lớn tuổi không nên ăn một bữa quá no.

Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn uống trong ngày cho phù hợp, chế độ dinh dưỡng trong các bữa ăn của người cao tuổi cũng cần được quan tâm đến. Sau đây là những lời khuyên về chế độ dinh dưỡng khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi:

– Luôn đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là chất đạm, chất đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, thành phần mỗi chất cần cân chỉnh cho phù hợp với người lớn tuổi.

– Chế độ ăn mỗi ngày cần có nhiều rau, củ, quả, trái cây tươi và giảm bớt thịt.

– Nên ăn ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung vi khoáng chất

– Không nên ăn nhiều nội tạng của động vật như tim, lòng, gan, dạ dày…

– Ăn nhiều hơn các loại cá, cua, tôm.

– Giảm bớt lượng chất béo trong mỗi bữa ăn.

– Không ăn nhiều đồ ngọt.

– Không ăn mặn và chua quá.

Việc đảm bảo chế độ ăn cho người cao tuổi có thể giúp tránh được các tình trạng bệnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, cải thiện sức khỏe, cung cấp năng lượng cho hoạt động, kéo dài tuổi thọ.

  • Khám sức khỏe định kỳNgười cao tuổi thường bị suy giảm sức đề kháng, có nhiều nguy cơ mắc bệnh lý như viêm phổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, bệnh tim mạch, não, gan, thận, cơ xương khớp,… Trong đó, đa số người cao tuổi sẽ dễ mắc các bệnh mạn tính hơn.Điều trị bệnh cho người lớn tuổi rất khó khăn và cần nhiều thời gian. Đồng thời, người cao tuổi có khả năng hồi phục rất kém. Phát hiện bệnh càng sớm thì hiệu quả của điều trị càng tốt. Chính vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết đối trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Khám sức khỏe định kỳ không chỉ mang đến sự an tâm mà còn nhằm phát hiện sớm các bệnh lý để có biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời.
  • Vấn đề giấc ngủ:

Đối với người cao tuổi, tình trạng mất ngủ sẽ diễn ra thường xuyên, xuất phát từ việc cơ thể lão hóa, đi tiểu đêm, hay tỉnh giấc. Vậy nên thành viên trong gia đình và bản thân người cao tuổi cần lưu ý các giải pháp giúp dễ ngủ hơn:

– Không nên kê gối cao khi nằm ngủ, ngủ trong không gian yên tĩnh, ít ánh sáng

– Để hạn chế thiếu máu não đột ngột, đang nằm, nếu muốn ngồi dậy thì không nên nhấc đầu một cách đột ngột mà phải xoay đầu và nghiêng người lại, chống tay dậy từ từ.

  • Vấn đề vệ sinh:

Bình thường, mỗi ngày người cao tuổi có thể đại tiện 3 lần sau các bữa ăn hoặc 2-3 ngày mới đi một lần.

– Đi lỏng nếu đi đại tiện nhiều lần trong ngày và phân lỏng (thường là do rối loạn chức năng đại tràng). Người đi phân lỏng phải kiêng cá, mỡ, sữa, trứng trong nhiều năm; cần khám kỹ vì có thể đó là dấu hiệu viêm đại tràng mạn tính do tự ý dùng thuốc kháng sinh.

– Táo bón nếu 4 ngày mới đi đại tiện một lần, phân khô từng lọn, có nhiều chất nhầy trắng bao bọc bên ngoài. Nếu 1-3 ngày đại tiện một lần, phân khô thì không thể gọi là táo bón. Phân khô là do ăn ít rau, uống ít nước nhưng chưa bù đủ nước cho lượng mồ hôi đã mất sau khi hoạt động thể lực.

 

– Cần tạo thói quen đi đại tiện hằng ngày, hoặc 1-2 ngày/lần. Nếu phân có máu tươi, cần khám bệnh sớm, yêu cầu thăm khám hậu môn để phát hiện ung thư phần thấp của trực tràng. Không rặn mạnh khi đại tiện để phòng xuất huyết ở một mạch máu đã bị tổn thương trước đó. Có thể tạo phản xạ dễ đi đại tiện bằng cách tập thể dục, xoa day thành bụng từ phải sang trái, uống trước một cốc nước, một ly sữa hoặc một ly cà phê.

Việc thay đổi tư thế ngồi lúc đi đại tiện (ngồi xổm, ngồi nghiêng sang bên trái, ngồi ngả ra đằng sau) cũng có thể làm cho cơ thít hậu môn dễ mở hơn. Đi đại tiện xong, không đứng dậy ngay một cách đột ngột mà nên cúi mình ra trước, từ từ ngồi dậy.

Người cao tuổi bình thường đi tiểu dễ dàng, không buốt, không dắt, không sót lại; tia nước tiểu thẳng, không bị ngắt quãng. Tình trạng hay tiểu tiện đêm có thể do mất ngủ, hoặc có một vài bệnh như viêm đường tiết niệu, bệnh tuyến tiền liệt…

Tóm lại : chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là vấn đề quan trọng trong xã hội hiện đại, cần sự phối hợp của mọi người từ gia đình đến xã hội, và các chuyên khoa khác nhau. Chúng ta nên quan tâm hơn đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của họ và xây dựng, phát triển xã hội ngày càng tiên tiến.

Tài liệu tham khảo:

    1. Những vấn đề cần biết khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. PGS.TS. Nguyễn Văn Trí.
    2. Academy of Medical Sciences (2018). Multimorbidity: A Priority for Global Health Research. Academy of Medical Sciences. Available from: https://acmedsci.ac.uk/policy/policy-projects/multimorbidity. [Last accessed on 2021 Dec 20].
    3. Boyd C, Smith CD, Masoudi FA, Blaum CS, Dodson JA, Green AR, et al.(2019). Decision Making for Older Adults With Multiple Chronic Conditions: Executive Summary for the American Geriatrics Society Guiding Principles on the Care of Older Adults With Multimorbidity. Journal of the American Geriatrics Society; 67(4):665-73.
    4. Fortin M, Lapointe L, Hudon C, et al (2004). Multimorbidity and quality of life in primary care: a systematic review. Health Qual Life Outcomes; 2:51.
    5. Elwyn G, Laitner S, Coulter A, Walker E, Watson P, Thomson R (2010). Implementing shared decision making in the NHS. BMJ (Clinical researched);341:c5146
    6. Boyd C, Smith CD, Masoudi FA, Blaum CS, Dodson JA, Green AR, et al (2019). Decision Making for Older Adults With Multiple Chronic Conditions: Executive Summary for the American Geriatrics Society Guiding Principles on the Care of Older Adults With Multimorbidity. Journal of the American Geriatrics Society; 67(4):665-73.
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)