Chăm sóc bàn chân đái tháo đường

Đái tháo đường hiện tại là đại dịch trên toàn thế giới, bệnh gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho bệnh nhân như: Suy thận mạn, biến chứng võng mạc gây mù lòa, biến chứng thần kinh, biến chứng mạch máu,… Biến chứng loét bàn chân do đái tháo đường  (ĐTĐ) là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh phải nhập viện và đoạn chi không do chấn thương.

Người bệnh ĐTĐ cần chú ý các con số sau:

  • Tỉ lệ xuất hiện loét chân trong suốt đời sống của bệnh nhân ĐTĐ lên đến 25%, nghĩa là trong suốt cuộc đời nếu có 4 bệnh nhân ĐTĐ, sẽ có 1 BN bị loét bàn chân.
  • Nguy cơ bị đoạn chi (cắt cụt chi) ở BN ĐTĐ tăng gấp 15 đến 40 lần ở người không mắc ĐTĐ.
  • Tử vong sau đoạn chi từ 13% – 40% sau 1 năm, 35% – 65% sau 3 năm và 39% – 80% sau 5 năm, nghĩa là sau 5 năm có cứ 100 người sẽ có đến 39 – 80 người sẽ chết vì bệnh này.

Do đó việc chăm sóc bàn chân rất quan trọng. Chăm sóc bàn chân đúng cách sẽ ngăn ngừa được các vấn đề này.

Vậy thế nào là chăm sóc bàn chân đúng cách?

  1. Hướng dẫn tự chăm sóc bàn chân:

Những điều cần lưu ý khi chăm sóc bàn chân:

  1. Bệnh nhân tự khám bàn chân mỗi ngày, khám bất cứ lúc nào có thể được, kiểm tra chân xem có chỗ nào bị chai, vết nức, trầy xước, nốt phồng hay có chỗ này sưng đỏ hay không.
  • Xem sự phát triển của móng chân. Nếu thấy bất kì bất thường nào nên đến gặp  bác sĩ ngay, lưu ý nếu đến được bác sĩ chuyên khoa nội tiết càng tốt.
  • Bệnh nhân cần lưu ý quan sát thật kỹ bàn chân hàng ngày và giữ cho chúng luôn sạch sẽ khô ráo.
  • Những bệnh nhân lớn tuổi hoặc có vấn đề về mắt nên nhờ con cháu, người thân kiểm tra bàn chân giúp mình.
  1. Rửa sạch bàn chân và giữ ấm bàn chân:
  • Dùng nước ấm và xà phòng trung tính
  • Vỗ nhẹ vào da
  • Lau khô đặc biệt vùng kẽ ngón.
  • Thoa chất làm ẩm da như vaseline hoặc một số loại khác.

Lưu ý những việc không nên làm là:

  • Chà mạnh vào da.
  • Ngâm chân trong nước ấm, nước muối, dung dịch tẩy rửa…
  • Thoa chất dưỡng ẩm vào vùng kẽ ngón.

Bệnh nhân ĐTĐ lâu ngày trên bàn chân sẽ xuất hiện các vết chai. Cô bác sẽ chăm sóc các vết chai này như thế nào?

  • Dùng đá bọt hay bàn mài, sau khi tắm xong để da đủ mềm ta sẽ mài cục chai, lưu ý mài theo một hướng không được mài lên mài xuống.
  • Điều cần lưu ý không được cắt gọt vết chai bằng vật sắc nhọn như dao, kéo, dao lam… không được cắt vào gốc móng.

Bệnh nhân ĐTĐ cắt móng chân như thế nào?

  • Mỗi tuần cắt một lần, dùng kéo cắt, cắt vòng cung, dũa tròn các móng và khóe móng. Không nên cắt ngang lấn sâu vào móng, hay móc khóe móng chân.

Trên đây là những cách hướng dẫn tự chăm sóc bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ. Nếu việc tự chăm sóc bàn chân đúng cách sẽ giảm được các biến chứng bàn chân, bên cạnh việc chăm sóc bàn chân việc tuân thủ điều trị thuốc sẽ giữ ổn định đường huyết rất quan trọng trong việc phòng ngừa các biến chứng do đái tháo đường gây ra.

Chúc các bệnh nhân ĐTĐ có cuộc sống tốt đẹp như những người không bị bệnh.

Lần sau chúng tôi sẽ đưa ra hướng dẫn về cách mang vớ, giày và một số phương thức khác trong việc chăm sóc bàn chân ĐTĐ.

Mời cô bác đón xem!

Ths. Bs Phạm Ngọc Hoa

Trưởng khoa Nội Tiết BVĐTT An Giang

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)