Cochrane Database Syst Rev. 2011 Apr 13;4:CD008960.
Phyllanthus species for chronic hepatitis B virus infection.
Xia Y, Luo H, Liu JP, Gluud C.
ĐẶT VẤN ĐỀ: Các loài Phyllanthus (cây Diệp hạ châu hoặc cây Chó đẻ) đã được đánh giá bằng các thử nghiệm lâm sàng ở bệnh nhân mắc viêm gan do virus B mãn (HBV), nhưng chưa có sự nhất trí về hiệu quả của dược thảo này.
MỤC TIÊU: Đánh giá lợi ích và tác hại của Diệp Hạ Châu trênbệnh nhân nhiễm HBV mãn.
CHIẾN LƯỢC TÌM KIẾM: Tìm kiếm các thử nghiệm đối chứng lâm sàng đăng ký trong thư viện Cochrane, MEDLINE, EMBASE, các thư mục chỉ dẫn trích dẫn mở rộng, các cơ sở dữ liệu y sinh Trung Quốc, mạng thông tin kiến thức Trung Quốc, cơ sở dữ liệu Khoa học Trung Quốc, TCM trên mạng, cơ sở dữ liệu Wanfang, các tài liệu tại các Hội nghị ở Trung Quốc. Tất cả các tìm kiếm được thực hiện cho đến tháng 10 năm 2010.
TIÊU CHUẨN CHỌN LỰA: Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên so sánh Phyllanthus với giả dược hoặc không can thiệp ở bệnh nhân nhiễm HBV mãn. Điều trị phối hợp cũng được đưa vào nếu nhóm so sánh có phối hợp tương đương. Các thử nghiệm đều được đưa vào bất chấp có làm “mù”, tình trạng xuất bản, hoặc ngôn ngữ.
THU THẬP DỮ LIỆU VÀ PHÂN TÍCH: Hai tác giả lựa chọn thử nghiệm và trích xuất dữ liệu một cách độc lập. Các phần mềm RevMan được sử dụng để phân tích thống kê cho các biến nhị phân với tỉ số nguy cơ (RR) và khoảng tin cậy 95% (KTC). Các sai lệch được đánh giá để kiểm soát các lỗi hệ thống. Phân tích thử nghiệm tuần tự đã được sử dụng để kiểm soát các sai sót ngẫu nhiên.
KẾT QUẢ: Gồm 16 thử nghiệm ngẫu nhiên với 1.326 bệnh nhân được đưa vào. Có một thử nghiệm với 42 người tham gia, so sánh dùng Phyllanthus với giả dược, kết cục cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về chuyển đổi huyết thanh HBeAg sau khi kết thúc điều trị (RR 0,9, KTC 95%: 0,73-1,25) hoặc theo dõi (RR 1,00, KTC 95%: 0,63-1,60). Không đánh giá các kết cục khác. Có 15 thử nghiệm Phyllanthus kết hợp với các thuốc kháng virus như alpha interferon, lamivudine, adefovir, thymosin, vidarabine, hoặc điều trị thường qui được so sánh với nhóm chỉ dùng thuốc kháng virus đơn độc. Phyllanthus có hiệu quả làm giảm nồng độ DNA huyết thanh của HBV (RR 0,69, KTC 95% : 0,52-0,91, P = 0,008, I (2) = 71%), giảm HbeAg huyết thanh (RR 0,70, KTC 95%: 0,60-0,81, P <0,00001, I ( 2) = 68%), và chuyển đổi HbeAg huyết thanh (RR 0,77, KTC 95%: 0,63-0,92, P = 0,005, I (2) = 78%), tuy nhiên có sự không đồng nhất đáng kể giữa các thử nghiệm. Phân tích thử nghiệm tuần tự không ủng hộ cho sự giảm nồng độ DNA của HBV. Không có thử nghiệm nào báo cáo về tỷ lệ tử vong, tỷ lệ thương tật, chất lượng cuộc sống, hoặc mô học gan ở BN nhiễm HBV. Chỉ có 2 thử nghiệm báo cáo về tác dụng phụ của thuốc và không có sự khác biệt đáng kể giữa 2 nhóm. Không thấy có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo.
KẾT LUẬN CỦA TÁC GIẢ: Không có bằng chứng thuyết phục về lợi ích của Diệp hạ châu so với giả dược ở bệnh nhân nhiễm HBV mãn tính. Phối hợp Diệp hạ châu với thuốc kháng virus có thể tốt hơn so với dùng các thuốc kháng virus đơn độc. Tuy nhiên, kết quả không giá trị nhiều vì tính không đồng nhất, có lỗi hệ thống, và các lỗi ngẫu nhiên của các thử nghiệm, vì vậy cần có các thử nghiệm lâm sàng với cỡ mẫu lớn và ít sai lệch để xác minh sự phát hiện này. Nên có các thử nghiệm gồm cả các thiết kế hiệu quả theo liều lượng của Diệp Hạ Châu.
Người dịch: BS Rạng, bvag.com.vn