Các cơn động kinh trông thật đáng sợ nhưng thường không phải là một trường hợp cần trợ giúp y tế khẩn cấp. Thông thường, sau khi cơn động kinh chấm dứt, người bệnh sẽ trở lại bình thường. Vì vậy, khi gặp một người đang lên cơn động kinh toàn thể, hãy bình tĩnh tiến hành các bước sau:
Di chuyển các đồ vật cứng, sắc nhọn ra xa người bệnh.
Ghi nhớ thời gian bắt đầu cơn co giật.
Đặt bệnh nhân nằm nghiêng một bên, nới lỏng quần áo.
Sau khi cơn co giật đã dừng lại, nhẹ nhàng đặt bệnh nhân vào vị trí thoải mái.
Những sai lầm dễ mắc phải khi sơ cứu động kinh: Có một số điều không nên làm khi gặp người lên cơn co giật vì có thể khiến bệnh nhân tổn thương nhiều hơn đó là:
Không cố gắng giữ chặt, kìm kẹp người bệnh.
Không cho bất cứ thứ gì vào miệng người bệnh trừ cây chèn lưỡi.
Không cố gắng di chuyển người bệnh trừ khi họ đang ở gần một vật gì đó có thể gây nguy hiểm.
Khi nào cần gọi cấp cứu
Thông thường, khi một người bị động kinh, không cần phải gọi xe cứu thương. Tuy nhiên, hãy gọi cấp cứu nếu:
Trong cơn động kinh, người đó đã tự làm mình bị thương nặng.
Người đó khó thở sau khi cơn co giật đã dừng lại.
Người đó lên một cơn động kinh ngay tiếp sau cơn trước.
Cơn động kinh kéo dài hơn 5 phút, hoặc cơn động kinh kéo dài hơn 2 phút so với cơn bình thường của người đó (nếu là người thân đã biết tiền sử bệnh).