Bệnh viện ĐKTT An Giang cứu sống bệnh nhân với vết thương thấu ngực bụng thủng tim

Ngày 21/02/2024, Bệnh viện Đa khoa Trung Tâm An Giang đã phẫu thuật cấp cứu thành công một bệnh nhân bị đâm vào vùng ngực trước bằng dao xuyên thấu ngực bụng, , rách màng tim thủng tâm thất phải và thủng cơ hoành

Vào lúc 20giờ 25phút ngày 20/2/2024, khoa Cấp cứu Bệnh viện ĐKTT An Giang tiếp nhận bệnh nhân nam P.N.Q sinh năm 1988 ( Mỹ Phước, Thành phố Long Xuyên, An Giang), vào viện với tình trạng vết thương thành ngực trước bên (P) xương ức #3cm khoảng liên sườn IV-V, kích thích vật vã, da niêm nhợt, thở nhanh, mạch nhanh 120 lần/phút, huyết áp tụt 70/40mmHg. Các Bác sĩ khoa cấp cứu tiến hành hồi sức khẩn cấp đồng thời kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện. Kết quả siêu âm tim có ít dịch màng tim, ít dịch màng phổi trái, ít dịch tự do ổ bụng, không có dấu hiệu chèn ép tim cấp. Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa bệnh nhân quyết định hồi sức ngoại khoa tích cực và nhập khoa Hồi sức tích cực ngoại khoa (SICU), tình trạng bệnh tạm ổn và được chụp CTScan lồng ngực, bụng có cản quang ghi nhận: tràn máu màng ngoài tim chỗ dày nhất ở đáy tim kích thước #20mm, tràn dịch ổ bụng lượng vừa, theo dõi lao phổi, siêu âm tim tại giường: Chức năng co bóp cơ tim bình thường,ít dịch màng ngoài tim, chưa thấy dấu hiệu chèn ép tim cấp. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu.

Ekip phẫu thuật gồm các Bác sĩ khoa ngoại tổng hợp ( BsCk1 Hồ Nguyễn Hoàng, Bs Trương Hoàng Gia Linh) Khoa Ngoại thần kinh- Lồng ngực ( BsCk1 Lê Đức Hạnh, Bs Trần Văn Của) và Ekip gây mê ( BsCk2 Trương Triều Phong, CNGM Mạc Văn Quảng) khẩn trương nội soi ổ bụng thám sát ổ bụng, quan sát thấy nhiều máu loãng và máu đông khắp ổ bụng (lượng #2000ml) và vết thương cơ hoành phải #3cm vùng đáy tim (cơ hoành P), tiến hành hút máu loãng và máu đông, khâu cơ hoành phải,kiểm tra không có tổn thương các cơ quan trong ổ bụng. Ekip phẫu thuật Ngoại Thần kinh – Lồng ngực nhận thấy lượng máu trong ổ bụng lượng nhiều có khả năng từ vết thương ở tim gây ra nên đã xin ý kiến tham vấn BS. CKII Nguyễn Minh Hải (Phó giám đốc bệnh viện) quyết định mở ngực khẩn cấp vào khoang màng phổi phải, gỡ dính phổi tiếp cận trung thất trước, thấy khối tụ máu quanh màng tim, thành ngực vùng sau xương ức và trên cơ hoành, bóc tách lấy khối máu tụ quan sát thấy rách màng tim #02cm, mở rộng màng ngoài tim, bên trong khoang màng tim đầy máu đông (lượng #100gram) và nhiều dãy fibrin bao quanh tim. Tiến hành bóc hết máu đông và fibrin trong khoang màng tim, phát hiện vết thương đâm xuyên thành thất phải, kích thước #02cm, máu phun thành vòi theo nhịp đập của tim. Tiến hành khâu vết thương thủng thất phải, cầm máu màng tim và vết thương cơ hoành phải, đặt ống dẫn lưu màng phổi phải, đóng ngực theo từng lớp.

Sau mổ bệnh nhân được chuyển đến khoa SICU điều trị, bệnh nhân được truyền tổng cộng 06 đơn vị máu, rút ống nội khí quản 17 giờ sau mổ.

Hậu phẫu ngày 3 , bệnh tỉnh, sinh hiệu ổn, không khó thở, vết mổ khô, còn đau vết mổ, ống dẫn lưu màng phổi phải ra ít dịch hồng. Tim đều rõ, phổi trong, bụng mềm. Siêu âm: tim co bóp tốt, không có rối loạn vận động vùng, ít dịch màng ngoài tim. Xquang ngực: Tràn khí màng phổi (P) lượng ít. Bệnh nhân được chuyển về khoa Ngoại TKLN điều trị tiếp.

Hiện hậu phẫu ngày thứ 5: Bệnh tỉnh, sinh hiệu ổn, da niêm hồng, không khó thở, trung đại tiện được, vết mổ khô, còn đau vết mổ ít. Tim đều rõ, phổi trong, bụng mềm. ống dẫn lưu màng phổi và màng bụng không ra dịch thêm. Kết quả CTScan lồng ngực có cản quang: Phổi phải nở tốt, ít dịch khu trú màng phổi phải, không tràn dịch màng ngoài tim. Đã được chỉ định rút ống dẫn lưu màng phổi phải và ống dẫn lưu ổ bụng. Bệnh nhân dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Vết thương tim là một thể tổn thương rất nặng và ít gặp của vết thương ngực hở (khoảng dưới 5%). Đây là một trong nhưng trường hợp vết thương tim không điển hình. Thông thường những trường hợp vết thương tim vào viện với 2 tình trạng: Chèn ép tim cấp và mất máu cấp. Do trên bệnh nhân có lao phổi cũ nên màng phổi dày dính nhiều vào thành ngực kèm theo vết thương cơ hoành nên máu không chảy ra màng phổi phải mà chỉ chảy xuống ổ bụng thông qua vết thương cơ hoành phải do đó không gây ra tình trạng chèn ép tim cấp và tràn máu màng phổi bên phải. Bên cạnh đó trong màng tim có nhiều fibrin bao lấy thất phải nên vết thương thất phải chỉ chảy máu rỉ rả nên đây là một trường hợp hy hữu và khó chẩn đoán, rất dễ bỏ sót vết thương tim.

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)