Bệnh viêm gan siêu vi B có thể dự phòng được

Hàng năm, có gần 1 triệu người chết do những bệnh lý liên quan đến nhiễm Hepatitis B Virus (HBV) như xơ gan, ung thư gan. HBV là một yếu tố gây ung thư đứng hàng thứ 2 sau thuốc lá, HBV cũng là nguyên nhân gây ra 60-80% trường hợp ung thư gan nguyên phát và 50% trường hợp xơ gan. Vì vậy bệnh viêm gan siêu vi B cho đến nay vẫn còn là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tử vong.

1. Diễn tiến triển của bệnh viêm gan siêu vi B

Bệnh viêm gan siêu vi B hiện nay đang là một vấn đề lớn đối với sức khỏe toàn cầu. Viêm gan B mạn tính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan.. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 400 triệu người mắc bệnh viêm gan B mạn tính, trong đó 75% là người châu Á…. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm HBV cao nhất thế giới chiếm khoảng 15%-20% dân số, tức khoảng 10 -14 triệu người với biểu hiện viêm gan B cấp và mạn tính.

VGB

Hình 1: Sơ đồ dịch tễ học viêm gan

2. Các đường lây nhiễm của bệnh Viêm gan siêu vi B

Bệnh viêm gan siêu vi B có 2 đường lây nhiễm là:

  • Đường lây nhiễm theo chiều dọc (vertical contamination)
  • Đường lây nhiễm theo chiều ngang (horizontal contamination).

2.1 Đường lây nhiễm theo chiều dọc

Đường lây nhiễm từ mẹ sang con: Đây là kiểu lây nhiễm này là quan trọng nhất, thường gặp ở những nước vùng châu Á. Ở người phụ nữ mang thai sự lây nhiễm xảy ra trong thời kỳ chu sinh (từ tuần thứ 28 của thai kỳ đến ngày thứ 7 sau sinh).

  • Mức độ lây nhiễm tùy thuộc vào nồng độ HBV DNA.

+ Tỷ lệ lây nhiễm cho con là 0% nếu: HBV DNA của mẹ < 105 copies/ml

+ Tỷ lệ lây nhiễm cho con là 50% nếu: HBV DNA của mẹ từ 109 – 1010 copies/ml.

+ Tỷ lệ lây nhiễm cho con là 28-39% nếu HBV DNA của mẹ từ 109 copies/ml trở lên (mặc dù trẻ đã chích ngừa HBV ngay sau khi sanh)

  • Mức độ lây nhiễm còn tùy thuộc vào tình trạng HBeAg của mẹ vào 3 tháng cuối thai kỳ.

+ Mẹ có HBeAg (+), trẻ sơ sinh có 95% nguy cơ bị nhiễm nếu không được điều trị dự phòng miễn dịch.

+ Mẹ có HBeAg (-), tỷ lệ lây nhiễm cho con là 32% (thường gặp trong các trường hợp mẹ bị viêm gan B mạn có HBeAg (-).

2.2 Lây nhiễm theo chiều ngang

Lây nhiễm khi tiếp xúc với máu, các vật phẩm của máu là đường lây nhiễm quan trọng nhất, vì luôn có một lượng virus viêm gan B cao. Lây qua đường tình dục, qua sử dụng chung kim tiêm (chích thuốc, châm cứu, xăm, xỏ lỗ trên cơ thể như xỏ lỗ tai, lỗ mũi…) với người bị nhiễm virus viêm gan B là kiểu lây nhiễm thường gặp nhất.

Virus viêm gan B được tìm thấy trong dịch âm đạo, tinh dịch với nồng độ thấp so với trong huyết tương hơn 100 lần, Các dịch khác như dịch màng bụng, màng phổi, dịch não tủy… cũng có chứa virus viêm gan B. Sữa, nước bọt, mồ hôi, nước tiểu, phân, dịch mật cũng có chứa vi rút viêm gan B nhưng với nồng độ rất thấp, vì vậy khả năng lây nhiễm qua các dịch này cũng rất thấp. Dùng chung bàn chải đánh răng và dao cạo râu có dính máu hay dịch của người bị nhiễm cũng có thể bị lây nhiễm vi rút viêm gan B. Virus viêm gan B không lây truyền qua thức ăn, nước uống và tiếp xúc thông thường..

Ai dễ mắc viêm gan B?

Mặc dù bất kể ai cũng đều có nguy cơ bị nhiễm viêm gan B, nhưng có một số nhóm người nguy cơ cao, dễ bị nhiễm bệnh hơn. Công việc, lối sống và cả việc sinh ra trong một gia đình có người bị nhiễm viêm gan B đều có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Dưới đây là một số nhóm người có nguy cơ cao:

  • Người kết hôn hoặc sống cùng với người bị viêm gan B, bao gồm cả người lớn và TE.
  • Người sinh ra ở các nước với đặc điểm dịch tễ có bệnh viêm gan B lưu hành, hoặc có cha mẹ sinh ra ở các nước đó, chẳng hạn như Châu Á, một số vùng ở Châu Phi và Nam Mỹ, Đông Âu và Trung Đông.
  • Người sống trong hoặc đi đến các nước mà viêm gan B là phổ biến như Châu Á, một số vùng ở Châu Phi và Nam Mỹ, Đông Âu và Trung Đông.
  • Người trưởng thành và thanh thiếu niên có quan hệ tình dục.
  • Nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
  • Trẻ sơ sinh sinh ra từ mẹ bị nhiễm viêm gan B.
  • Nhân viên chăm sóc sức khỏe và những người có tiếp xúc với máu trong công việc.
  • Bệnh nhân mắc bệnh về thận có thực hiện các phương pháp điều trị chạy thận nhân tạo.
  • Những người đã được truyền máu trước năm 1992 hoặc những người đã nhận máu chưa được sàng lọc đáng tin cậy gần đây.
  • Những người có tiền sử tiêm chích ma túy.
  • Những người có xăm hình hoặc xỏ lỗ trên cơ thể.

Biến chứng viêm gan siêu vi B

Người mắc bệnh viêm gan siêu vi B dạng mạn tính có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:

  • Tình trạng viêm liên quan đến virus viêm gan B có thể gây sẹo gan lan rộng, gọi là xơ gan, có thể làm suy giảm khả năng hoạt động của gan.
  • Những người mắc viêm gan B mạn tính có nguy cơ cao hơn mắc ung thư gan.
  • Suy gan cấp tính là tình trạng mất chức năng gan. Khi gan bị suy yếu, việc cần thiết phải thực hiện ghép gan để duy trì sự sống.
  • Những người bị viêm gan B mạn tính và hệ thống miễn dịch yếu có thể bị tái phát virus viêm gan B ngay cả khi đã điều trị bằng các phương pháp cần thiết. Khi tái phát, bệnh có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng hoặc gây ra suy gan.
  • Những người bị viêm gan B mạn tính cũng có thể mắc các vấn đề sức khỏe khác như viêm thận hoặc viêm mạch máu.

3. Những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm gan siêu vi B

Viêm gan siêu vi B có hai thể:

Viêm gan siêu vi B cấp: là sự tồn tại của vi -rút trong cơ thể người bệnh trong vòng 6 tháng kể từ khi phơi nhiễm với virus:

  • 70% bệnh nhân có thể hoàn toàn không có triệu chứng hay không vàng da.
  • 30 % có vàng da, với các triệu chứng như: mệt mỏi, suy nhược, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn, chán ăn. Đau hạ sườn phải do gan lớn. Xuất hiện vàng da sau 3-7 ngày, với vàng da ngày càng tăng, nước tiểu sậm màu, phân có thể bạc màu.
  • 0.1% – 0.5% bệnh nhân bị viêm gan thể tối cấp với thay đổi tri giác, phù nãoRối loạn đông máuSuy đa cơ quan, ARDS, hội chứng gan thậnrối loạn nhịp tim, toan chuyển hóa, nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa, báng, phù toàn thân. Với 60% bệnh nhân tử vong
  • Giai đoạn phục hồi: Sau 4-8 tuần từ khi có triệu chứng đầu tiên. Vàng da giảm dần sau 2-4 tuần.

Viêm gan siêu vi B mạn: bệnh gây ra bởi nhiễm HBV kéo dài kéo dài trên 6 tháng.

  • Triệu chứng lâm sàng thường không có triệu chứng hay chỉ có những triệu chứng không đặc hiệu như mệt mỏi, đau khớp…
  • Giai đoạn xơ gan với các triệu chứng như: dấu hiệu sao mạch, vàng da, phù, bầm máu ngoài da… hay tăng áp tĩnh mạch cửa (tuần hoàn bàng hệ, lách to, báng bụng, giãn tĩnh mạch thực quản…),
  • Giai đoạn ung thư gan do HBV có thể không qua giai đoạn xơ gan.

4. Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm gan siêu vi B mạn

Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm gan siêu vi B mạn

Được chia làm 2 nhóm:

Viêm gan B mạn có HBeAg (+)

  • HBsAg > 6 tháng
  • HBV DNA > 105 copies/ml (HBV DNA : nồng độ virus trong huyết thanh).
  • ALT/AST tăng từng đợt hay kéo dài
  • Sinh thiết gan cho thấy viêm gan mãn với mức độ hoại tử từ trung bình đến nặng

Viêm gan B mạn có HBeAg (-)

  • HBsAg > 6 tháng
  • HBV DNA > 104 copies/ml
  • ALT/AST tăng từng đợt hay kéo dài
  • Sinh thiết gan cho thấy viêm gan mãn với mức độ hoại tử từ trung bình đến nặng.

Người lành mang HBsAg (inactive HBsAg carier state): nhiễm HBV kéo dài nhưng không gây hoại tử gan.

  • HBsAg > 6 tháng
  • HBeAg (-), Anti HBe (+)
  • HBV DNA < 104 copies/ml
  • ALT/AST bình thường.
  • Sinh thiết gan không có viêm gan đáng kể: mức độ hoại tử nhẹ hay không có

5. Điều trị viêm gan B

Nếu bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm gan B cấp tính, không nhất thiết phải điều trị, vì không có phương pháp nào có thể loại trừ hoàn toàn viêm gan B cấp tính. Thông thường, hầu hết người lớn bị nhiễm bệnh sẽ tự hồi phục. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước và theo dõi diễn biến của cơ thể. Nếu trạng thái nặng, bệnh nhân có thể cần sử dụng thuốc kháng virus hoặc được nằm viện để ngăn ngừa biến chứng.

Đối với viêm gan B mạn tính, quyết định áp dụng phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một số phương pháp điều trị phổ biến gồm có:

  • Sử dụng các loại thuốc kháng virus như entecavir (Baraclude), tenofovir (Viread), lamivudine (Epivir), adefovir (Hepsera) và telbivudine để chống lại virus và làm chậm quá trình gây tổn thương gan do virus gây ra.
  • Tiêm Interferon Alfa-2b: Đây là một chất nhân tạo được sản xuất để chống nhiễm trùng và có khả năng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể.
  • Trong trường hợp gan bị tổn thương nghiêm trọng, ghép gan có thể là một phương pháp điều trị cần thiết, gan bị tổn thương sẽ được loại bỏ và được thay thế bằng một lá gan khỏe mạnh từ nguồn gan từ người khác.

6. Chủng ngừa Viêm gan siêu vi B

Trẻ em tiêm mấy mũi vắc xin phòng viêm gan B?

Tất cả trẻ sơ sinh nên được tiêm chủng 1 mũi vắc xin ngừa viêm gan B ngay sau sinh, tốt nhất là 24 giờ sau khi sinh. Chỉ sử dụng vắc xin ngừa viêm gan đơn giá để tiêm liều sơ sinh và có thể tiêm chủng cùng vắc xin phòng lao BCG nhưng sẽ tiêm ở 2 vị trí khác nhau.

Riêng với trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan B, ngoài 1 mũi vắc xin ngừa viêm gan B như các trẻ khác, bé cần được tiêm 1 mũi kháng thể (huyết thanh kháng viêm gan B) HBIg (Hepatitis B Immune Globulin) ngay trong vòng 12 -24 giờ đầu sau sinh. Mục đích của việc tiêm chủng này: Globulin miễn dịch kháng viêm gan B để tạo miễn dịch thụ động và một mũi vắc xin viêm gan B tái tổ hợp để tạo miễn dịch chủ động cho trẻ.. Vị trí tiêm kháng thể HBIg phải khác vị trí tiêm vắc xin viêm gan B.

Khi trẻ được 15-18 tháng tuổi cần được xét nghiệm kiểm tra HBsAg và antiHBs lại để chắc chắc là trẻ đã được bảo vệ và không bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ.

Ngoài mũi sơ sinh và huyết thanh (nếu có), trẻ được khuyến cáo tiêm 4 mũi vắc xin phòng viêm gan B theo phác đồ:

  • Mũi 1: mũi tiêm đầu tiên
  • Mũi 2: sau mũi 1 một tháng
  • Mũi 3: sau mũi 2 một tháng
  • Tiêm nhắc lại mũi 4 sau 1 năm.

Vắc xin phòng viêm gan B cho trẻ em có thể là vắc xin đơn giá hoặc vắc xin kết hợp (5 trong 1 hoặc 6 trong 1).

Người lớn chích ngừa viêm gan B mấy mũi?

Với người lớn, trước khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B cần làm xét nghiệm máu để biết cơ thể mình đã nhiễm virus chưa và có kháng thể hay chưa. Tùy vào kết quả xét nghiệm, cán bộ y tế sẽ chỉ định bạn nên tiêm phòng hay không.

HBsAg Anti HBs Tình trạng
(-) (+) – Đã bị nhiễm nhưng đã khỏi bệnh và cơ thể đã tạo kháng thể bảo vệ nên không cần tiêm ngừa

– Đã tiêm ngừa vắc-xin viêm gan B trước đây

(-) (-) Cơ thể hoàn toàn chưa bị nhiễm, nên tiêm ngừa.
(+) (-) Cơ thể đang bị nhiễm virus viêm gan B, cũng không được bảo vệ nên không  được phép tiêm ngừa (vì vắc xin lúc này sẽ không có tác dụng), bệnh nhân cần làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu để bác sĩ quyết định điều trị hay theo dõi.

Nếu cơ thể chưa từng nhiễm virus viêm gan B (HBsAg âm tính) và chưa có kháng thể viêm gan B (AntiHBs âm tính) sẽ được khuyến cáo tiêm phòng 3 mũi theo phác đồ:

  • Mũi 1: lần đầu đến tiêm
  • Mũi 2: một tháng sau mũi 1
  • Mũi 3: sáu tháng sau mũi 1

Vắc xin phòng viêm gan B dùng cho người lớn có thể là vắc xin đơn giá hoặc vắc xin kết hợp (vắc xin phòng viêm gan A+B).

Tài liệu tham khảo

  1. WHO.
  2. Bộ Y Tế. Quyết định số 3310/QĐ- BYT, ngày 29/7/2019 về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan virus B.
  3. http://vncdc.gov.vn

BS Dương Quốc Hiền

Trưởng khoa Nhiễm- Bệnh viện ĐKTT An Giang

 

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)