Bệnh thận mạn là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau gây ảnh hưởng đến thận trong đó thường nhất là các bệnh viêm cầu thận, đái tháo đường và tăng huyết áp mạn tính.
Một số nguyên nhân khác cũng gây bệnh thận mạn tính như thận đa nang, dị tật bẩm sinh ở thận, sỏi thận, lupus ban đỏ hệ thống…
Đái tháo đường chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các bệnh gây suy thận mạn do đái tháo đường ngày càng gia tăng nhanh trong dân số. Sự xuất hiện bệnh thận đái tháo đường thay đổi tùy theo sắc tộc, quốc gia, tính chung khoảng 20-40% bệnh nhân đái tháo đường sẽ bị suy thận mạn, nghĩa là cứ 100 bệnh nhân đái tháo đường có từ 20 đến 40 người sẽ bị suy thận mạn tính.
Đái tháo đường cũng là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận giai đoạn cuối cần phải can thiệp thay thế thận như lọc thận hoặc ghép thận. Tại Việt Nam, bệnh thận do đái tháo đường cũng là nguyên nhân chính gây suy thận giai đoạn cuối và lọc thận.
Những bệnh nhân đái tháo đường type 1 chưa có biến chứng khi mới mắc bệnh, nếu không được điều trị đúng và đủ, sau 20 năm khoảng 30-40% bệnh nhân sẽ bị suy thận mạn. Đối với những người bị đái tháo đường type 2 nếu không được điều trị tích cực thì số người bị suy thận mạn khoảng 15-20% sau 15-20 năm.
Đặc điểm chính của bệnh thận mạn là suy giảm chức năng thận tiến triển. Muốn biết chức năng thận có suy giảm hay không bác sĩ sẽ cho bệnh nhân xét nghiệm ure và creatinine rồi tính độ lọc cầu thận (GFR).
Độ lọc cầu thận càng thấp chứng tỏ chức năng thận của bệnh nhân càng suy nặng.
Thường sau khi tính độ lọc cầu thận, bác sĩ cho bệnh nhân biết họ bị suy thận ở giai đoạn nào, theo đó suy thận mức độ (5) là nặng nhất, lúc đó bệnh nhân cần phải điều trị thay thế thận như lọc máu hoặc ghép thận chứ các phương pháp điều trị thông thường sẽ không còn hiệu quả nữa.
Tại sao suy thận giai đoạn cuối cần phải điều trị thay thế thận? Bởi vì ở giai đoạn này chức năng của thận đã bị hư hoàn toàn, các chất độc trong cơ thể không thãi được ra ngoài, bệnh nhân sẽ chết do sự tích tụ các chất độc đó trên tất cả các cơ quan trong cơ thể.
Cũng cần lưu ý đến cô bác là là bệnh thận mạn là bệnh tiến triển, không thể điều trị khỏi. Bệnh tiến triển nhanh hay chậm tùy theo bệnh lý nền (là bệnh lý gây ra suy thận) và các yếu tố nguy cơ khác.
Ví dụ như đối với bệnh nhân đái tháo đường bị bệnh thận mạn việc kiểm soát chặt chẽ đường huyết, huyết áp có ý nghĩa rất quan trọng.
Việc sử dụng thuốc đái tháo đường khi đã bị bệnh suy thận mạn phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, theo dõi chặt chẽ vì có những thuốc điều trị cho bệnh đái tháo đường nhưng không còn sử dụng được nữa. Khi bệnh nhân bị suy thận, nếu cô bác tự mua thuốc điều trị càng nguy hiểm hơn vì một số thuốc làm chức năng thận càng suy nhanh chóng thêm.
Cũng cần lưu ý với tất cả bệnh nhân một khi đã bị bệnh thận mạn thì sự suy giảm này là không hồi phục và không thể chữa khỏi. Mục đích của việc điều trị bảo tồn thận là giúp làm chậm lại sự tiến triển của bệnh thận.
Do đó việc phát hiện bệnh sớm và điều trị bảo tồn thận đầy đủ ngay từ giai đoạn ban đầu là những yếu tố quan trọng giúp làm chậm sự tiến triến bệnh thận mạn đến giai đoạn cuối. Xét nghiệm máu và nước tiểu thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh thận mạn.
Vì sao bệnh thận mạn nguy hiểm?
Một điều hết sức quan trọng cô bác cần phải biết là bệnh thận mạn giai đoạn sớm thường không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng báo hiệu nào, bệnh thường tiến triển âm thầm, lặng lẽ, thận mất gần hết chức năng lúc đó mới xuất hiện triệu chứng.
Trong bệnh đái tháo đường, các bệnh nhân phải tuân thủ theo sự chỉ định của bác sĩ, tốt nhất là bác sĩ chuyên khoa, để có chỉ định thuốc đúng, xét nghiệm định kỳ theo dõi, phát hiện sớm biến chứng bệnh thận mạn để điều trị. Thực tế lâm sàng thường gặp rất nhiều bệnh nhân đi khám bác sĩ lần đầu sau đó cứ theo toa đó uống hoài không hề được theo dõi, chưa từng được xét nghiệm máu nên nhiều người bị suy thận mạn đến giai đoạn gần cuối vẫn chưa được phát hiện.
Cô bác cũng nên nhớ một thuốc có thể phù hợp ở một giai đoạn điều trị, đến lúc nào đó nó đã bị chống chỉ định ví dụ như bệnh nhân bị suy gan, suy thận,…nghĩa là bệnh nhân không còn sử dụng được thuốc đó nữa.
Chúc cô bác luôn khỏe, nếu mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh cầu thận, tăng huyết áp,…nên có chế độ điều trị đúng, theo dõi phù hợp để kịp thời phát hiện sớm bệnh thận mạn.
Lần tới tôi sẽ tiếp tục với chủ để này về cách điều trị bệnh thận mạn, nhất là bệnh thận mạn do đái tháo đường.
Ths.BS. Phạm Ngọc Hoa – Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện ĐKTT An Giang