Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới hiện có 429,9 triệu người bị ĐTĐ (ở độ tuổi từ 20-79) nghĩa là cứ 11 người sẽ có 1 người bị ĐTĐ, tới năm 2045 con số này sẽ là 629 triệu, tăng 48%.
Như vậy, cứ 10 người sẽ có 1 người bị ĐTĐ. Bên cạnh đó, cùng với việc tăng sử dụng thực phẩm không thích hợp, ít hoặc không hoạt động thể lực ở trẻ em, bệnh ĐTĐ type 2 đang có xu hướng tăng lên ở trẻ em, trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.
Thế nào là bệnh ĐTĐ?
ĐTĐ là bệnh rối loạn chuyển hóa được đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết, là hậu quả của thiếu hụt Insulin hoặc bất thường trong hoạt động Insulin hoặc cả hai. Tăng đường huyết mạn tính đi kèm với tổn thương lâu dài ở các cơ quan như mắt, thận, thần kinh và mạch máu.
Những ai có nguy cơ mắc ĐTĐ2?
- Tuổi trên 45
- Có người thân trực hệ mắc ĐTĐ
- Có tiền sử đẻ con to >3.5kg hoặc trong tiền sử đã được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ
- Tăng huyết áp
- Béo phì, BMI>23kg/m2
- Rối loạn mỡ máu
- Người được chẩn đoán tiền ĐTĐ
- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
- Không hoạt động thể lực
Đây là những người có nguy cơ bị ĐTĐ nên xét nghiệm để tầm soát ĐTĐ ít nhất 3 năm 1 lần, cân nhắc làm lại sớm hơn tùy thuộc vào kết quả đầu tiên.
Tại sao chúng ta mắc bệnh ĐTĐ?
Insulin là một hormone quan trọng của cơ thể do tuyến tụy tiết ra
Các tác dụng của Insulin:
- Insulin giúp cho đường trong máu đi vào trong tế bào và chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể hoạt động
- Tích trữ đường ở gan, cơ bắp và các mô mỡ tạo thành nguồn năng lượng dự trữ
- Kích thích sự tổng hợp chất đạm và chất bột từ đường
- Ngăn chặn sự tạo đường mới ở gan
Bên cạnh sự thiếu hụt Insulin tuyệt đối hoặc tương đối, Insulin còn giảm hoặc mất tác dụng tại các tổ chức ngoại vi (gan, cơ, mô mỡ) gọi là tình trạng kháng Insulin.
Ngày nay lối sống ít vận động, chế độ sinh hoạt thiếu khoa học, chế độ ăn không hợp lý, hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu,….cũng làm tăng nguy cơ mắc ĐTĐ.
Lần tới, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bà con cô bác làm thế nào để biết mình bị ĐTĐ, có mấy loại ĐTĐ, khi nào cần kiểm tra đường huyết.
Chúc bà con biết cách chăm sóc, ăn uống, sinh hoạt tập luyện để phòng ngừa bệnh ĐTĐ và nếu có bệnh điều trị cho đúng cách.
ThS.BS.Phạm Ngọc Hoa
Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang