Chúng ta đều biết bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) hiện được xem là đại dịch toàn cầu về bệnh không lây nhiễm. Trong các lần trước tôi đã hướng dẫn cho cô bác một số kiến thức về bệnh ĐTĐ như: thế nào là bệnh ĐTĐ, làm thế nào để biết mình có bị ĐTĐ không, có mấy loại ĐTĐ …
Hôm nay tôi sẽ nói về một số vấn đề khác của ĐTĐ như khi nào cần kiểm tra đường huyết, bệnh ĐTĐ có những biến chứng gì.
- Khi nào cần kiểm tra đường huyết?
- Cần kiểm tra đường huyết khi có các triệu chứng khát nước, uống nhiều, đi tiểu nhiều hoặc tăng cảm giác ngon miệng nhưng gầy sút cân bất thường trong thời gian ngắn. Các triệu chứng trên có thể xuất hiện rầm rộ, từ mức độ trung bình đến nặng.
- Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân (chủ yếu ĐTĐ type 2), chỉ phát hiện đường huyết cao khi đi khám vì các biến chứng của bệnh như đục thủy tinh thể, tê bì tay chân, suy thận, nhồi máu cơ tim … hoặc thậm chí hôn mê do biến chứng cấp của ĐTĐ. Một số bệnh nhân được phát hiện ĐTĐ khi đi khám sức khỏe hoặc vì một bệnh lý khác.
- Một số nghiên cứu/điều tra ở Việt Nam cho thấy: có 1/3 số bệnh ĐTĐ đã biết, có tới 2/3 bệnh nhân không biết mình bị ĐTĐ.
- Bệnh ĐTĐ có những biến chứng gì?
- Biến chứng cấp tính:
- Hôn mê nhiễm toan ceton.
- Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.
- Hôn mê hạ đường huyết.
- Các biến chứng mạn tính của ĐTĐ:
- Biến chứng mạn tính do tổn thương mạch máu nhỏ.
+ Tổn thương đáy mắt do xuất huyết, xuất tiết bong võng mạc dẫn đến mù lòa.
+ Tổn thương cầu thận gây hội chứng thận hư, suy thận.
+ Tổn thương thần kinh ngoại vi gây đau, tê bì, cảm giác như kiến bò, kim chích, nóng rát, giảm hoặc mất cảm giác đau.
- Các biến chứng mạn tính do tổn thương mạch máu lớn
+ Làm hẹp các mạch máu lớn gây bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại biên.
+ Bệnh lý bàn chân ĐTĐ: loét bàn chân có thể dẫn đến cắt cụt chi.
- Các bệnh lý nhiễm trùng khác: nhiễm trùng da, răng miệng, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, lao phổi, …
ĐTĐ gây ra rất nhiều biến chứng mạn tính nguy hiểm các cơ quan như mắt, thận, tim, mạch máu, … đây là các biến chứng có thể gây tử vong hoặc tàn phế cho bệnh nhân.
Do đó bệnh nhân cần làm các xét nghiệm định kỳ như: tổng phân tích nước tiểu, đo điện tâm đồ, khám mắt, … để chẩn đoán và điều trị sớm các biến chứng.
Cô bác cũng cần lưu ý có đến 50% bệnh nhân ĐTĐ type 2 đã có biến chứng mạn tính ngay thời điểm được phát hiện ĐTĐ.
Tóm lại, ĐTĐ là 1 bệnh lý rất nguy hiểm, bệnh có rất nhiều biến chứng cấp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
Các biến chứng mạn tính do ĐTĐ là biến chứng thường gặp, đây là những nguyên nhân thường gây mù lòa, suy thận mạn cần phải lọc thận hoặc ghép thận hoặc cắt cụt chi …
Lần sau, tôi sẽ nói về làm thế nào để phòng bệnh ĐTĐ, nếu đã lỡ mắc ĐTĐ thì điều trị ra sao?
Chúc các cô bác bị ĐTĐ luôn có những kiến thức tốt, hợp tác thật tốt với bác sĩ để được hướng dẫn chế độ ăn, luyện tập, sử dụng thuốc đúng, hợp lý, an toàn, phòng ngừa các biến chứng do ĐTĐ gây ra.
ThS.BS.Phạm Ngọc Hoa
Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang