Lần trước, tôi đã hướng dẫn bà con những kiến thức cơ bản về bệnh ĐTĐ như: thế nào là bệnh ĐTĐ, những ai có nguy cơ mắc bệnh và tại sao chúng ta mắc bệnh ĐTĐ. Hôm nay tôi sẽ đề cập đến một số kiến thức về bệnh ĐTĐ: làm thế nào để biết mình bị ĐTĐ? Có mấy loại bệnh ĐTĐ?
1. Làm thế nào để biết mình có bị ĐTĐ hay không?
Muốn biết chắc chắn mình có bị ĐTĐ hay không cô bác phải xét nghiệm máu. Ta có thể dựa vào các xét nghiệm sau (tiêu chí chẩn đoán ĐTĐ)
+ Xét nghiệm đường huyết lúc đói ≥7mmol/ L (≥ 126 mg/dL)
Lưu ý đường huyết lúc đói là đường huyết mà cô bác nhịn đói ít nhất 8 giờ để lấy máu xét nghiệm (thường XN lúc 5h sáng)
Hoặc: Đường huyết 2 giờ sau uống 75g glucose ≥ 11,1mmol/l (≥ 200mg/dL) (còn gọi là nghiệm pháp dung nạp glucose)
Hoặc: XN đường huyết bất kỳ,đường huyết ≥ 11,1 mmol/l (≥ 200 mg/dl) và bệnh nhân này có các triệu chứng kinh điển của bệnh ĐTĐ như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều.
Hoặc XN HbA1c ≥ 6.5% ( XN này phải làm tại phòng XN chuẩn).
Vậy, nếu cô bác có một trong bốn tiêu chuẩn trên, nếu không có triệu chứng kinh điển của bệnh ĐTĐ sẽ XN lại đường huyết đói vào ngày khác ( không quá 14 ngày) để xác định chẩn đoán.
Lưu ý xét nghiệm để chẩn đoán ĐTĐ phải rút máu tĩnh mạch làm xét nghiệm, không xét nghiệm máu đầu ngón tay.
2. Có mấy loại ĐTĐ? Hiện tại ĐTĐ được chia làm các loại sau:
+ ĐTĐ type 1: đây là loại ĐTĐ do tế bào β tụy bị phá hủy nên bệnh nhân bị thiếu hụt insulin hoàn toàn
+ Bệnh ĐTĐ type 2:
+ ĐTĐ thai kỳ: bệnh ĐTĐ được chẩn đoán vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thời kỳ mang thai, ĐTĐ này về sau có thể chuyển thành ĐTĐ thật sự hoặc không.
+ Các thể đặc hiệu khác do các nguyên nhân khác:
ĐTĐ đơn gen (ĐTĐ sơ sinh và ĐTĐ của người trẻ xuất hiện ở người trưởng thành), bệnh tụy ngoại tiết…
Thực tế thường gặp nhất là ĐTĐ type 1 và ĐTĐ type 2.
Làm sao để phân biệt ĐTĐ type 1 và ĐTĐ type 2, ta có thể dựa vào một số đặc điểm như sau:
Bệnh ĐTĐ type 1: thường gặp ở trẻ em hoặc người trẻ (< 30 tuổi), bệnh thường xuất hiện đột ngột với các triệu chứng của ĐTĐ như ăn nhiều , uống nhiều , tiểu nhiều , gầy nhiều hoặc xuất hiện biến chứng cấp của bệnh ĐTĐ ngay từ đầu như nhiễm ceton acid. Người bệnh ĐTĐ type 1 thường không có hiệu quả khi điều trị bằng thuốc viên hạ đường huyết mà phải điều trị bằng Insulin suốt đời.
Đối với bệnh ĐTĐ type 2: thường gặp ở người lớn tuổi hơn ( thường trên 30 tuổi), bệnh nhân thường không có triệu chứng của ĐTĐ, thường được phát hiện một cách tình cờ như đi khám sức khỏe hoặc đi khám bệnh vì một bệnh khác. Bệnh ĐTĐ type 2 có hiệu quả với các thuốc viên điều trị ĐTĐ. BN ĐTĐ type 2 chỉ sử dụng Insulin tùy theo trường hợp như suy thận mạn, suy gan, ĐTĐ lâu ngày đường huyết tăng cao không kiểm soát được bằng thuốc viên hạ đường huyết hoặc BN có những biến chứng cấp của bệnh ĐTĐ như hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu , do nhiễm ceton acid , hoăc khi bệnh nhân bị nhiễm trùng , bị stress hay cần phẩu thuật… lúc đó bác sĩ sẽ sử dụng Insulin để điều trị.
Lưu ý đối với BN ĐTĐ việc phân loại ĐTĐ type 1 và ĐTĐ type 2 chỉ có tính chất tương đối. Đôi khi ĐTĐ type 2 lại xuất hiện ở người trẻ tuổi hoặc ĐTĐ type 1 lại xuất hiện ở người lớn tuổi.
Việc quyết định điều trị ĐTĐ như thế nào, bằng thuốc gì phải được quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa, cô bác không được tự ý mua thuốc điều trị. Việc kiểm soát tốt đường huyết sẽ giúp bệnh nhân phòng ngừa được các biến chứng mạn tính do ĐTĐ gây ra như biến chứng mạch máu, thần kinh, mắt..Đây là các biến chứng đáng sợ thường gặp , gây tàn phế , giảm chất lượng cuốc sống cho các bệnh nhân ĐTĐ làm tăng gánh nặng chăm sóc cũng như tăng chi phí y tế lên gia đình và xã hội.
Chúc cô bác có sức khỏe tốt. Nếu lỡ mắc ĐTĐ nên đến bác sĩ chuyên khoa sớm để được theo dõi điều trị kịp thời, thường xuyên và lâu dài.
Ths.Bs. Phạm Ngọc Hoa
Trưởng khoa nội tiết Bệnh viện ĐKTT An Giang