Aspirin trong dự phòng tiên phát biến cố tim mạch: một nghiên cứu tổng quan hệ thống thực chứng.

 

Aspirin for the Primary Prevention of Cardiovascular Events: A Systematic Evidence Review.

Guirguis-Blake JMEvans CVSenger CAO’Connor EAWhitlock EP.

Ann Intern Med. 2016 Jun 21;164(12):804-13. doi: 10.7326/M15-2113. Epub 2016 Apr 12.

ĐẶT VẤN ĐỀ:

Bệnh lý tim mạch (TM) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Mỹ, chiếm hơn một phần ba tỉ lệ tử vong hàng năm.

MỤC ĐÍCH:

Nghiên cứu tổng quan hệ thống dựa trên bằng chứng về hiệu quả của Aspirin trong dự phòng tiên phát nhồi máu cơ tim (NMCT) / biến cố tim mạch, đột quỵ, tử vong tim mạch, và tử vong do mọi nguyên nhân với tiền sử chưa ghi nhận bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, nghiên cứu còn nhằm đánh giá một số bằng chứng về tác hại cộng gộp khi dùng kết hợp aspirin.

DỮ LIỆU NGHIÊN CỨU:

Chúng tôi tìm kiếm tài liệu từ nguồn MEDLINE, PubMed và the Cochrane Collaboration Registry of Controlled Trials t được xuất bản từ Tháng Giêng 2008 đến tháng sáu 2014. Chúng tôi bổ sung phụ bản những nghiên cứu này kèm danh mục tài liệu từ những nghiên cứu tổng quan trước đây, những nghiên cứu liên quan, ý kiến từ chuyên gia, trang Clinicaltrials.gov.

LỰA CHỌN NGHIÊN CỨU:

Hai điều tra viên độc lập nghiên cứu, đánh giá và nhận diện bản tóm tắt lvà toàn văn của nghiên cứu dựa trên một bộ tiêu chuẩn chất lượng và tiên chí ưu tiên.

PHÂN TÍCH DỮ LIỆU:

Một điều tra viên tóm tắt dữ liệu thành bảng chứng cứ và điều tra viên thứ hai kiểm tra lại bảng dữ liệu này. Chúng tôi tiến hành phân tích gộp Mantel-Haenszel để ước tính hiệu quả của aspirin trong phòng ngừa biến cố NMCT/bệnh mạch vành, đột quỵ, tử vong tim mạch và tử vong do tất cả nguyên nhân. Ngoài ra, chúng tôi còn tiến hành phân tích độ nhạy bằng Peto odds ratios. Nhằm ước tính các tác hại trong liệu pháp dự phòng, chúng tôi còn ghi nhận các bất lợi của aspirin như xuất huyết tiêu hóa (GI), xuất huyết não và thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU:

Chúng tôi chọn 10 nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên có chất lượng khá-tốt (RCTs) (N=103.787) để kiểm tra hiệu quả của aspirin trong dự phòng tiên phát bệnh lý tim mạch. Aspirin làm giảm 11% nguy cơ mắc biến cố tim mạch chính (NMCT, đột quỵ, tử vong do bệnh lý tim mạch) – (RR 0.89 [0.84-0.95]; CI 95%). Aspirin góp phần làm giảm 20% tỉ lệ tử vong ở BN có biến cố mạch vành (hoặc NMCT) – tỉ lệ này ảnh hưởng nhiều đến tỉ lệ nguy cơ mắc biến cố tim mạch chính đã nêu ở trên (RR 0.80 [0.72-0.88]; CI 95%). Hiệu quả của Aspirin trong giảm tỉ lệ tử vong trên BN mắc biến cố mạch vành (hoặc NMCT) đã được báo cáo trong nhiều thử nghiệm liều lượng khác nhau từ 100-650 mg hàng ngày, kể cả liều thấp là 100mg hay ít hơn 100mg. Các thử nghiệm dự phòng tiên phát với liều 100-650 mg cách ngày cho thấy Aspirin không giúp giảm tỉ lệ đột quỵ. Ngược lại, các thử nghiệm với liều 100 mg mỗi ngày hoặc ít hơn lại giúp giảm tỉ lệ đột quỵ rõ ràng hơn (RR 0.85 [0.76-0.96], CI 95%). Tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch không thay đổi đáp ứng với aspirin trong cả 10 nghiên cứu này. Tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân có thể không thay đổi hoặc giảm nhẹ với lợi ích đáng kể về thống kê không liên tục trong phân tích độ nhạy liều. Qua phân tích dưới nhóm, chúng tôi nhận ra rằng tuổi cao thường đi kèm với giảm tỉ số nguy cơ (RR) nhiều hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy aspirin không có lợi ích tim mạch trên BN đái tháo đường. Cũng như các nghiên cứu với phân tích dưới nhóm bệnh đái tháo đường càng không cho thấy hiệu quả gì của aspirin. Lợi ích của aspirin trên bệnh lý tim mạch thường được đặt ra trong vòng 5 năm đầu của liệu trình, có giới hạn về dữ liệu với thời gian dài hơn). Chúng tôi phân tích 9/10 nghiên cứu về các tác hại của aspirin như xuất huyết tiêu hoá nặng, đột quỵ xuất huyết não và các tác dụng phụ khác. Xuất huyết tiêu hoá được ghi nhận trong 9 nghiên cứu với RR từ 0.50-8.10. Phân tích gộp dữ liệu từ các tác giả ghi nhận aspirin làm tăng 50% trường hợp xuất huyết tiêu hoá và xuất huyết ngoại sọ khác so với nhóm chứng (RR, 1.54 [95% CI, 1.30 to 1.82]). 7 nghiên cứu cho thấy đột quỵ xuất huyết não vô cùng hiếm gặp (≤5% tỉ lệ mắc mới) ở cả nhóm dùng aspirin lẫn nhóm chứng – điều này khiến cho tỉ lệ này không đủ độ tin cậy để ước tính chính xác tác hại của spirin với biến cố xuất huyết não. Trong khi đó, 2 nghiên cứu còn lại cũng không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi ở nhóm aspirin so với nhóm chứng. Cả hai thử nghiệm đều có RR dưới 1.

KẾT LUẬN:

Trong dự phòng tiên phát, aspirin góp phần giảm không đáng kể biến cố tử vong do bệnh mạch vành hay biến cố tim mạch chính, tuy nhiên aspirin lại làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hoá. Các ước tính chính xác hơn về biến cố xuất huyết bao gồm cả xuất huyết tiêu hoá nặng và xuất huyết não nặng là cần thiết để tính lợi ích thực sự của liệu pháp dự phòng aspirin. Với nguy cơ tuyệt đối mắc biến cố tim mạch trong 10 năm, lợi ích tim mạch có thể nhiều hơn nguy cơ xuất huyết. Trong tương lai, các mô hình nghiên cứu khác nhằm xác định tỉ lệ này là cần thiết.

Người dịch: Bs Phạm Huỳnh Minh Trí – Khoa Tim mạch lão học (BVĐKTTAG)

 

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)