Hạch cổ

Hạch bạch huyết là một phần của hệ bạch huyết trong cơ thể người, đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ miễn dịch giúp tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào lạ xâm nhập, giữ cơ thể khỏe mạnh khỏi các tác nhân gây hại. Trên cơ thể một người trưởng thành có khoảng 450 hạch bạch huyết nằm ở nhiều vị trí khác nhau như cổ, nách, bẹn…

Về phương diện giải phẫu, hạch cổ được chia làm 6 nhóm: nhóm I (hạch dưới cằm, dưới hàm), nhóm II (hạch cảnh cao), nhóm III (hạch cảnh giữa), nhóm IV (hạch cảnh dưới), nhóm V (hạch gai) và nhóm VI (hạch ở vùng tam giác cổ trước) được thể hiện rõ ở hình bên dưới.

Vị trí 6 nhóm hạch vùng cổ

Về phương diện bệnh lý, hạch cổ được chia làm hai nhóm: hạch cổ lành tính và hạch cổ ác tính.

  1. Hạch cổ lành tính

– Viêm nhiễm vùng đầu mặt cổ

Hạch cổ lành tính, hay còn gọi là hạch viêm phản ứng do các tác nhân nhiễm trùng khác vùng đầu mặt cổ như viêm mũi xoang, viêm amiđan, viêm họng, viêm lợi, viêm các tuyến nước bọt, viêm da đầu, sâu răng, nhiệt miệng….Đặc biệt ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch của các bé đang phát triển, trẻ dễ bị viêm mũi, viêm họng, trẻ đang trong tuổi mọc răng…đây là nguyên nhân rất phổ biến gây xuất hiện hạch viêm phản ứng trên cổ các bé, khiến cho nhiều phụ huynh lo lắng.

Đối với các trường hợp này thông thường chỉ cần điều trị các tác nhân viêm nhiễm này thì hạch cổ cũng sẽ tự teo nhỏ và biến mất.

– Hạch lao

Lao hạch cũng là bệnh lý khá phổ biến, hay gặp nhất ở các vị trí như cổ, nách, bẹn. Hạch lao thường dính với nhau thành chùm, chuỗi, sờ nhẵn, không đau. Bệnh thường khu trú bên trong hạch và ít lây nhiễm từ người bệnh sang người lành, khác với lao phổi. Nguyên nhân gây bệnh là trực khuẩn lao, điều trị đa phần bằng nội khoa tương tự như lao phổi, dùng các thuốc chuyên khoa lao để ức chế và tiêu diệt tác nhân gây bệnh.

  1. Hạch cổ ác tính

Đây là trường hợp gây sợ hãi đối với bệnh nhân. Hạch cổ ác tính hay còn gọi là bệnh U lympho ác tính không Hodgkin, bệnh Hodgkin, là bệnh ung thư của hạch. Bên cạnh đó, hạch cổ ác tính vùng cổ thường do di căn từ các cơ quan bị ung thư khác như ung thư vòm, ung thư tuyến giáp, ung thư phổi, ung thư ống tiêu hóa, ung thư vú…Các hạch này có thể mọc đơn lẽ hoặc thành chùm, mật độ khi sờ thường sượng chắc, đa kích thước (có thể rất to như trứng cút, trứng vịt…), sờ có thể đau.

IMG_256

IMG_256

Ảnh minh họa

– Các yếu tố nguy cơ: khi nghi ngờ hạch thuộc nhóm ác tính, chúng ta cần chú ý đến các triệu chứng có thể liên quan ung thư như khàn tiếng, nghẹt mũi, ù tai, ho lâu ngày, ho ra máu; nuốt vướng, nuốt đau, đau tai, đau bụng…;tiền căn hút thuốc, uống rượu, nhai trầu, tiền căn ung thư đã điều trị xạ trị vùng đầu cổ, các bệnh lý ung thư đã và đang điều trị, sang thương da vùng lận cận…; các tình trạng trào ngược dịch vị, suy dinh dưỡng, hội chứng Plummer-Vinson…

– Khám các cơ quan liên quan với hạch cổ di căn:

+Hạch cổ cao và cổ giữa (nhóm I, II, III): chú ý khám vùng đầu cổ, da đầu, hạch vùng khác như nách, bẹn…soi tai mũi họng khảo sát hốc miệng, vòm hầu, khẩu hầu, hạ hầu, thanh quản.

+Hạch cổ thấp (nhóm IV) và hạch trên đòn: chú ý khám vú, phổi, hạ hầu, thanh quản, tiết niệu, sinh dục, ống tiêu hóa.

– Các xét nghiệm cơ bản cần thiết: siêu âm vùng đầu cổ và các cơ quan nghi ngờ (siêu âm bụng tổng quát, siêu âm vú hai bên, siêu âm phần mềm), nội soi tai – mũi – họng, xquang ngực, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ các hạch hoặc các khối u nghi ngờ để xét nghiệm giải phẫu bệnh.

Tóm lại, tình trạng nổi hạch cổ bao gồm cả nguyên nhân lành tính và ung thư, do đó khi xuất hiện hạch vùng cổ gây sưng đau, hoặc hạch tồn tại lâu ngày không biến mất, bạn cần đến các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa để được bác sỹ thăm khám và tư vấn cụ thể, bởi vì đó có thể là dấu hiệu bệnh ung thư ở giai đoạn trễ.

BSCKI. DƯƠNG VĂN NINH

KHOA UNG BƯỚU

 

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)