CGM – Ứng dụng công nghệ 4.0 vào kiểm soát đường huyết!

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên thế giới. Bệnh gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù loà, suy thận và đoạn chi. Bệnh tiến triển âm thầm, nhiều người khi mới phát hiện đã xuất hiện các biến chứng.

Mục tiêu điều trị ĐTĐ là kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ 4.0 vào điều trị ĐTĐ đã đạt được nhiều thành tựu.

1/ CGM là gì?

CGM (Continuous Glucose Monitoring): hệ thống theo dõi đường huyết liên tục 24h. Thiết bị này đã được FDA(Food and Drug Administration) – Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận trong việc hỗ trợ theo dõi đường huyết cho người bệnh ĐTĐ. CGM giúp thu thập thông tin đường huyết một cách tự động mỗi 5 phút/lần.

CGM theo dõi đường không cần que thử máu (Nguồn ảnh: Internet)

2/ CGM hoạt động ra sao?

CGM gồm một cảm biến tí hon được đặt trên da và một màn hình nhỏ để hiển thi kết quả.

Cảm biến được gắn lên da một cách nhanh chóng và không đau ở vùng bụng hoặc cánh tay. Thiết bị đo lường mức đường huyết ở dịch ngoại bào, rồi gửi thông tin về máy hiển thị.

Màn hình nhỏ gọn, thu nhận và hiển thị thông tin đường huyết mỗi 5 phút. Nó còn chức năng cảnh báo cho người bệnh nếu đường huyết hạ quá thấp hay tăng quá cao.

CGM có thể ghi nhận đường huyết tối đa 288 lần/ngày, hoàn toàn ưu thế so với máy thử đường huyết cá nhân.

CGM hoạt động liên tục 14 ngày hoặc hơn (tuỳ từng loại máy), giúp người bệnh không còn phiền toái và đau đớn khi phải thử đường huyết nhiều lần. Trong thời gian đeo máy, người bệnh vẫn có thể sinh hoạt bình thường như đi làm, đi tắm, vận động… mà không bị ảnh hưởng.

3/ Vai trò của CGM?

CGM theo dõi đường huyết liên tục ngày – đêm, suốt cả tuần. CGM giúp:

  • Ghi nhận tình trạng hạ đường huyết nguy hiểm về đêm.
  • Ghi nhận tình trạng tăng đường huyết giữa các bữa ăn.
  • Ghi nhận đỉnh đường huyết lúc sáng sớm.
  • Ghi nhận ảnh hưởng của chế độ ăn, tập luyện đến mức đường huyết.
  • Ghi nhận biểu đồ đường huyết của từng người bệnh ĐTĐ.

Từ thông tin đó, giúp bác sĩ và người bệnh lựa chọn phác đồ điều trị, cùng chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp.

4/ Đối tượng nào cần dùng CGM?

Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế Việt Nam (2020):

  • Thường xuyên hạ đường huyết hoặc hạ đường huyết không triệu chứng.
  • HbA1c cao ≥ 7.0% và đường huyết dao động nhiều.
  • Muốn hạ HbA1c < 7.0% mà không gây hạ đường huyết.
  • Trước và trong khi mang thai, ĐTĐ thai kỳ.
  • Bất kể bệnh nhân nào có HbA1c ≥ 7.0% và có điều kiện sử dụng CGM.
  • Bệnh nhân đang nằm điều trị vì bệnh cấp tính cần theo dõi sát đường huyết.
  • Những bệnh nhân có mong muốn quản lý bệnh ĐTĐ tốt hơn.

( Bệnh nhân đầu tiên được dùng máy CGM tại Khoa Nội Tiết )

Khoa Nội Tiết – Bệnh viện ĐKTT An Giang, nơi tiếp nhận điều trị các bệnh lý nội tiết và ĐTĐ, CGM cũng đã được triển khai sử dụng cho người bệnh ĐTĐ từ tháng 5/2022. Đến nay đã có hơn 50 bệnh nhân được tiếp cận với công nghệ mới này, và đã đạt được hiệu quả cao trong kiểm soát đường huyết giúp phòng ngừa biến chứng.

Bs Ck1 Nguyễn Huỳnh Nguyên

Khoa Nội Tiết – BV ĐKTT An Giang

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)