Viêm mô tế bào bệnh nặng tử vong cao nhưngkhông được người bệnh chú trọng

BsCKII. Phạm Ngọc Kiếu Trưởng Khoa Hồi Sức tích cực

BVĐKTT An Giang

Trong thời gian gần đây có nhiều bệnh nhân vào Khoa Hồi sức trong tình trạng rất nặng như sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, suy đa cơ quan…cuối cùng là tử vong. Nguyên nhân từ những vết thương trên cơ thể, không được chăm sóc cẩn thận để biến chứng viêm tấy lan toả thường gọi là viêm mô tế bào.

Viêm mô tế bào là bệnh nhiễm trùng da và mô mềm dưới da do vi khuẩn. Viêm mô tế bào có biểu hiện đặc trưng là một vùng da bị viêm quầng (erysipelas) trở nên sưng, nóng, đỏ và đau, giới hạn không rõ, có tính chất lan tỏa.

Trong hầu hết các trường hợp, cẳng chân là vị trí thường gặp nhất. Nhiễm trùng cũng có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, bao gồm cả mặt. Viêm mô tế bào thường ảnh hưởng đến bề mặt nông của da, tuy nhiên nó cũng có thể gây viêm ở vùng mô sâu dưới da. Thậm chí, viêm mô tế bào cũng có thể lan tỏa đến hạch bạch huyết và vào máu.

Nếu không được điều trị, bệnh sẽ lây lan sang các vùng khác của cơ thể và gây nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, hãy đi khám ngay trong trường hợp bạn xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm mô tế bào.

Viêm mô tế bào xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào vùng da bị tổn thương hoặc da bình thường và bắt đầu lan tràn bên dưới da và vào mô mềm gây ra nhiễm trùng và viêm. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là các chủng vi khuẩn  Staphylococcus (Tụ cầu) và Streptococcus (Liên cầu). Các tổn thương trên da như vết cắt, vết côn trùng cắn, hay vết phẫu thuật là các vị trí dễ bị viêm. Một số yếu tố nguy cơ cũng làm tăng khả năng mắc chứng viêm mô tế bào như:

  • Hệ miễn dịch yếu.
  • Mắc một số bệnh về da gây rách và tổn thương da như eczema và nấm bàn chân.
  • Sử dụng một số thuốc tiêm tĩnh mạch.
  • Mắc bệnh tiểu đường.
  • Lạm dụng corticoide (dexamethasone) kéo dài gây hội chứng Cushing.
  • Đã có tiền sử mắc chứng viêm mô tế bào.

Các biến chứng có thể gặp của viêm mô tế bào

Đôi khi, viêm mô tế bào có thể lây lan toàn cơ thể, xâm nhập vào các hạch bạch huyết và máu. Trong một số ít trường hợp, nó có thể đi vào các mô sâu hơn. Các biến chứng có thể gặp bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng tử vong nếu không đièu trị kịp thời.
  • Nhiễm trùng tại xương.
  • Viêm mạch bạch huyết.
  • Hoại tử mô sau đó hoại tử chi phải cắt bỏ.

Phòng bệnh viêm mô tế bào

Khi da bạn có vết thương hở, hãy làm sạch vết thương và bôi thuốc sát trùng, băng vết thương lại bằng băng gạc vô trùng và thay băng hàng ngày cho tới khi vết thương liền sẹo. Hãy theo dõi vết thương nếu có xuất hiện các vết đỏ xung quanh, vết thương tiết dịch mủ hay gây đau. Đây là dấu hiệu cho thấy vết thương đã bị nhiễm trùng. Nên đến cơ sở y tế để kiểm tra, khi cần sẽ chuyển đến tuyến chuyên khoa, đối với các vết loét to khó lành BVĐKTT An Giang đã có phương pháp hút chân không liên tục trên vết thương kết hợp với thuốc kháng sinh, vết loét sẽ mau lành, tránh các biến chứng như nhiễm khuẩn huyết nặng có thể gây tử vong.

C:\Users\Administrator\Pictures\Viem mo TB 1.jpg

C:\Users\PC1\Downloads\IMG-6125.jpg

C:\Users\Administrator\Pictures\Viem mo TB 2.jpg

Viêm mô TB mặt Viêm mô TB cánh tay Viêm mô TB cẳng chân

Long Xuyên ngày 26 tháng 05 năm 2020

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)