Cho đến tiền bán thể kỷ hai mươi ở nước ta, những “Bà Mụ” mẹ truyền con nối theo kinh nghiệm vẫn làm nhiệm vụ theo truyền thuyết của mười hai “tiên nương” (Thập Nhị Bà Bà) trông coi việc thai nghén của con người từ lúc sản phụ bắt đầu thụ thai cho đến khi lâm bồn và chăm sóc hài nhi sau sanh. Các tiên nương này được hưởng lễ nghi thờ cúng theo phong tục và có hình tượng tôn thờ ở một số đình miễu trên cả nước. Cho đến thập niên 1930 tại Hà Đông mới có trường đào tạo ngành hộ sinh cho toàn Đông Dương gọi là “École de Bà Mụ Indochinoise” và những người ra trường vẫn được gọi là “Bà Mụ”. Bằng cấp của họ được ghi là “Certificat de Bà Mụ Indochinoise”. Sau đó tại Hà Nội có “Trường Nữ Hộ Sinh Hà Nội” và đến năm 1947 tại Sài-Gòn có trường “Nữ Hộ Sinh Quốc Gia”.
Từ đầu những năm 1960 ở miền Nam, do thiếu những “Nữ Hộ Sinh Quốc Gia” được đào tạo ba năm, các bà mụ (có bằng Tiểu Học) vẫn được đào tạo tại các bệnh viện tỉnh, thời gian một năm, để làm nhiệm vụ chăm sóc thai nghén và đỡ đẻ cho các sản phụ tại các nhà hộ sinh xã ấp trong tỉnh sau khi ra trường với tấm bằng mang tên “Cô Đở Hương Thôn” và với túi đồ nghề hộ sinh được cấp miễn phí . Đa số làm tốt vai trò của mình theo quan điểm và trình độ chuyên môn lúc đó. Những bà mụ quanh vùng Long Xuyên như mụ Rỡ, mụ Xíu, mụ Nhuận, mụ Lệ, mụ Đống, mụ Mười, mụ Tám… đã từng là những bạn đồng hành đáng tin cậy cho những gia đình có đàn bà “vượt cạn” trong suốt quá trình chuyển dạ của sản phụ. Nhờ hành nghề tốt, đa số các bà mụ trên có cuộc sống tương đối khá; một số con cháu họ hiện nay đã thành danh, có sự nghiệp hay có chức vụ.
Chương trình học chủ yếu của các bà mụ là môn “Điều Hộ Hương Thôn” cả lý thuyết và thực hành, gồm khám và chữa một số bệnh thông thường, chũng ngừa; nhưng quan trọng là phần hộ sinh bao gồm khám thai, theo dõi chuyển dạ, đỡ đẻ những trường hợp ngôi thai kiểu thế thuận lợi không có nguy cơ và không bệnh lý kèm theo. Thực tế họ vẫn được học cách giải quyết những trường hợp sanh khó như sanh ngôi mông, đa thai, kể cả nội xoay thai và sử dụng forceps ! (nhưng không được khuyến khích thực hiện khi hành nghề). Đa số các bà mụ này mở nhà hộ sinh tư và do có học hành bài bản nên lần lần thay thế địa vị của các “Bà Mụ Vườn” mẹ truyền con nối từ xa xưa thường đến đỡ đẻ tận nhà sản phụ. Tuy không có số liệu thống kê chính thức tỉ lệ sản phụ đẻ được trên tổng số sản phụ đến với bà mụ là bao nhiêu nhưng các bà mụ còn sống hiện nay đều trả lời con số này trên chín mươi phần trăm. Thực tế hiện nay khi hỏi các gia đình đông con trước đây, ta có thể nhìn nhận tỉ lệ nói trên là đúng. Nhiều bà mẹ đẻ năm bảy con hay trên một chục con mà đâu có mổ xẻ gì! Đối với những trường hợp vượt quá khả năng không được phép giải quyết, thường thì các bà mụ cũng đánh giá sớm được những trường hợp sanh khó, thai kỳ có nguy cơ… nên chuyển sản phụ đi bệnh viện tỉnh kịp lúc .để được sanh giác hút, sanh forceps hay mổ lấy thai. Đôi khi do đánh giá sai tiến trình chuyển dạ, họ để sản phụ rặn khá lâu tại nhà hộ sinh của mình mãi không hiệu quả mới chuyển đi bệnh viện. Trong những trường hợp này thì nguy cơ cho mẹ và con rất cao, có thể đưa đến tử vong. Cũng có vài trường hợp do bà mụ lạm dụng thuốc tăng co đưa đến vỡ tử cung, cả sản phụ và con có thể tử vong trước khi kịp chuyển đến bênh viện. Mỗi tháng một lần các bà mụ phải về họp tại bệnh viện tỉnh để được nghe phê bình rút kinh nghiệm các trường hợp đỡ đẻ có tai biến.
Tại các bệnh viện tỉnh, vì thiếu hụt bác sĩ chuyên khoa Sản, những “Nữ Hộ Sinh Quốc Gia” (sau này là “Cán Sự Hộ Sinh” có bằng Tú Tài Phần Hai), chính là chủ lực phụ trách chăm sóc đỡ đẻ sản phụ cùng các “Tá Viên Hộ Sinh” dưới quyền (có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, được đào tạo một năm). Chính họ giải quyết hầu hết những trường hợp sanh khó tự đến bệnh viện hay do các bà mụ chuyển đến, kể cả chỉ định và thực hiện kéo forceps, kéo máy giác hút. Chỉ khi cần phải phầu thuật, các cán sự hộ sinh mới trình báo để bác sĩ mổ lấy thai.
Từ sau năm 1975 cho đến khoảng 1980, bác sĩ nói chung vẫn còn ít, bác sĩ sản khoa lại càng hiếm, các y sĩ được đào tạo trong kháng chiến có trình độ không đủ cao để giải quyết những trường hợp chuyên môn phức tạp. Tại các bệnh viện miền Nam, những cán sự hộ sinh trên (và các đồng nghiệp “Cán Sự Điều Dưỡng”, thời gian đào tạo cũng ba năm) được huy động để khám bệnh và điều trị thay bác sĩ tại hầu hết các khoa phòng. Đa số các cán sự này đều làm tốt nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định công tác chăm sóc sức khỏe người dân trong giai đoạn còn rất nhiều khó khăn đó. (Tôi dừng ở đây một chút để nhắc nhở mọi người ghi nhận công lao của các cán sự y tế đã thay bác sĩ đảm nhận công tác khám trị bệnh tại hầu hết các bệnh viện miền Nam qua giai đoạn khó khăn một thời). Riêng tại các khoa sản, những cán sự hộ sinh lại càng phải đảm nhận nhiều hơn vai trò của bác sĩ sản khoa, từ khâu nhận bệnh đến khâu quyết định cách sanh của sản phụ. Khi sanh khó, họ còn có quyền cho thuốc điều chỉnh cơn co, kháng sinh, giúp sanh bằng forceps, bằng máy giác hút… Chỉ đến khi thất bại họ mới mời các bác sĩ đến mổ lấy thai (bác sĩ Ngoại hay bác sĩ Sản tùy phiên trực). Tỉ lệ mổ lấy thai tại các bệnh viện trong giai đoạn này thường dưới mười phần trăm (ngày nay tại một số bệnh viện tư, tỉ lệ này lên đến chín mươi phần trăm!). Tai biến sản khoa cho cả mẹ và con chắc chắn là nhiều nhưng không có số liệu để so sánh với những tai biến vẫn còn xảy ra hiện nay.
Rồi giai đoạn khó khăn ngày ấy cũng đã qua đi. Những “Bác Sĩ Chuyên Khoa Sản” lần lượt được bổ nhiệm về các khoa sản. Theo quy trình phân công nhiệm vụ, các bác sĩ nhận lại công việc của mình, đảm trách xử lý tất cả trường hợp sản phụ nhập viện… trong khi các cán sự hộ sinh cũ lần lượt về hưu hay nghỉ việc. Tới lúc các bác sĩ sản khoa được vinh danh… nhưng dầu sao danh tiếng những nữ hộ sinh như các cô Tư Giàu, Bảy Sen, Ba Hồng, Ba Hường, cô Giỏi, Trần Hai, Kim Phượng, Mỹ Dung, Minh Tâm, Thu Thủy, Minh Phương,… của bệnh viện tỉnh An Giang ngày trước vẫn còn được nhiều người lớn tuổi hiện nay nhắc nhở.
Những thế hệ “Hộ Sinh Trung Học” sau này, đã tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông, thời gian đào tạo hai năm; theo quy trình phân công chính quy tại bệnh viện, chỉ được theo dõi và đỡ đẻ sản phụ theo y lệnh của bác sĩ, gần như chỉ là người giúp việc cho bác sĩ, nặng công việc hành chính ghi chép hồ sơ bệnh án, không được phép thực hiện các thao tác chuyên môn khó… nên không có được “uy tín” như các bậc đàn chị, không có được “uy tín” như các bà mụ chỉ có bằng Tiểu Học ngày xưa!
Let bygones be bygones! Giai đoạn người nữ hộ sinh có nhiều quyền hạn hơn khả năng của mình nhưng thật sự cũng làm được nhiều việc… đã qua rồi. Dầu sao tôi nhắc lại chuyện này cũng chỉ như một hoài niệm về giai đoạn lịch sữ khi mà ngành sản khoa trong tỉnh còn non yếu, sản phụ và thân nhân chỉ mong chờ ở các nữ hộ sinh. Tuy mức độ học tập và khả năng chuyên môn của họ có giới hạn nhưng chúng ta đã không nghe thấy một tai tiếng nào đáng kể so với bây giờ; dầu trong suốt vài chục năm trời đó , chắc chắn phải có những sai sót gây tổn hại cho mẹ và con trong số hàng trăm ngàn sản phụ lâm bồn dưới bàn tay đỡ đẻ của các bà mụ. Lý do không có những tai tiếng “rùm beng” như ngày nay có thể vì trong khung cảnh xã hội đơn giản và nhỏ hẹp ngày ấy, bà mụ và sản phụ đã đối xử với nhau bằng tình thân như người trong nhà (không cần đến những nguyên tắc cứng nhắc ngày nay gọi là tinh thần thái độ phục vụ) và cũng có thể về phía thân nhân sản phụ, lòng tôn trọng bà mụ theo truyền thống dân gian cộng với tình thân ái trong văn hóa làng xã và lòng bao dung thoáng đạt của nền văn minh miệt vườn … khiến họ bỏ qua không truy xét những trường hợp có tổn hại cho mẹ-con sản phụ… Có thể nói con người ngày ấy còn đối xử với nhau bằng “sự cảm thông”.
Ngày nay tai biến sản khoa đã ít hơn trước rất nhiều; nhưng mỗi khi có xảy ra, báo chí, truyền hình, mạng internet lại “rùm beng” đòi hỏi phải xử lý thích đáng. Kiểm điểm và xử lý nghiêm minh thì đúng rồi vì phải rút kinh nghiệm để học hỏi sửa chữa làm tốt hơn hầu giảm thiểu tai biến (tôi lưu ý là “giảm thiểu” chứ không thể “không có” tai biến). Dư luận thường chỉ kêu gào truy xét trách nhiệm cá nhân nhưng thật sự tai biến xảy ra tuy thường do lỗi cá nhân nhưng cũng thường có trách nhiệm của hệ thống, và đôi khi… lại là lỗi của hệ thống! Tổ chức kiểm điểm phải nhìn ra mọi ngóc ngách của vấn đề để mạnh dạn chấn chỉnh thì mới mong giảm thiểu tối đa các tai biến được.
Dầu sao tai biến trong sản khoa hay trong y khoa nói chung vẫn là nỗi đau của những người mất mát người thân nhưng lại cũng là nỗi đau khôn nguây của những thầy thuốc có lương tâm !
BS Sửu
Tháng 10/ 2013