Thông tin thuốc quý 1.2020

ĐIỂM TIN CẢNH GIÁC DƯỢC

COPD: Giới thiệu những điểm chính trong hướng dẫn cập nhật của NICE (tháng 12/2018)

Medsafe: Điểm tin đáng chú ý từ bản tin Prescriber tháng 12/2019

22/12/2019 12:00:00 SA

Modafinil: không sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và phụ nữ dự kiến mang thai

Thông tin chính

– Chống chỉ định modafinil ở phụ nữ có thai hoặc dự kiến mang thai

– Hiệu quả của thuốc tránh thai đường uống giảm khi sử dụng đồng thời với modafinil. Áp dụng biện pháp tránh thai khác hoặc dùng đồng thời các biện pháp tránh thai khác với thuốc tránh thai đường uống trong thời gian điều trị bằng modafinil và trong 2 tháng sau khi ngừng sử dụng thuốc này.

Ibuprofen và suy giảm chức năng thận: tăng cường bù nước

Ibuprofen có liên quan đến nguy cơ suy thận. Hai chất chuyển hóa chính của thuốc được bài tiết chủ yếu vào nước tiểu. Nguy cơ suy thận tăng ở bệnh nhân mất nước, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.

Trung tâm theo dõi phản ứng có hại của NewZealand (CARM) nhận được 5 báo cáo của bệnh nhân bị tổn thương thận cấp liên quan đến ibuprofen trong đó mất nước là 1 yếu tố nguy cơ dẫn đến tổn thương thận cấp.

Ibuprofen được sử dụng rộng rãi để giảm đau và/hoặc chống viêm ngắn hạn và sẵn có ở dạng không kê đơn cũng như có đơn. Khi kê đơn ibuprofen, cân nhắc liệu bệnh nhân có bị mất nước không. Điều này đặc biệt quan trọng trong mùa hè và người tham gia thể thao.

Sử dụng thuốc ức chế tái thu hồi serotonin ở trẻ em và trẻ vị thành niên

Thông tin chính

– Các thuốc ức chế tái thu hồi serotonin (serotonin reuptake inhibitors – SRIs) không được cấp phép để sử dụng cho trẻ em và trẻ vị thành niên để điều trị trầm cảm hoặc lo âu.

– Tự tử (suy nghĩ hoặc hành vi tự tử) liên quan đến việc sử dụng các SRI, đặc biệt và trẻ em và trẻ vị thành niên.

Nhắc lại: Tránh sử dụng thuốc ức chế CYP2D6 cùng tamoxifen

Tamoxifen là tiền thuốc được chuyển hóa bởi CYP2D6 thành chất chuyển hóa có hoạt tính, endoxifen. Nồng độ của endoxifen ở bệnh nhân thiếu CYP2D6 chỉ bằng khoảng 75% nồng độ chất này ở người bệnh có CYP2D6 bình thường. Sử dụng đồng thời tamoxifen và thuốc ức chế mạnh CYP2D6 làm giảm nồng độ endoxifen.

Tránh sử dụng thuốc ức chế CYP2D6 như paroxetine và fluoxetin cùng tamoxifen. Kê đơn thuốc điều trị thay thế ít có tác dụng ức chế hoặc không ức chế CYP2D6 ở bệnh nhân cần dùng thuốc chống trầm cảm nếu bệnh nhân đang dùng tamoxifen. Các thuốc này có thể bao gồm citalopram, escitalopram, sertraline, mirtazapine và venlafaxine.

CARM nhận được báo cáo tương tác giữa tamoxifen và fluoxetin. Việc dùng đồng thời 2 thuốc này làm giảm đáp ứng điều trị và làm bệnh tiến triển nặng hơn.

Phình và tách động mạch chủ – đứt gân Achille liên quan sử dụng các fluoroquinolon

Thông tin chính

– Phình và tách động mạch chủ có liên quan đến điều trị bằng các fluoroquinolon

– Bệnh nhân có nguy cơ phình và tách động mạch chủ bao gồm bệnh nhân có tiền sử gia đình phình động mạch chủ, trước đó có phình và/hoặc tách động mạch chủ, nguy cơ di truyền, xơ vừa động mạch, tăng huyết áp, tuổi cao.

– Tránh sử dụng các fluoroquinolon ở bệnh nhân có nguy cơ phình và tách động mạch chủ.

Một số thuốc làm tăng nồng độ creatinin huyết thanh mà không ảnh hưởng đến mức lọc cầu thận

Thông tin chính

– Một số thuốc làm thay đổi việc bài tiết creatinin có thể làm tăng nồng độ creatinin huyết thanh mà không làm thay đổi mức lọc cầu thận

– Trimethoprim có thể gây tăng nồng độ creatinin huyết thanh vì ức chế protein vận chuyến của tế bào trong ống lượn gần

– Cân nhắc tác dụng ức chế tiết creatinin hoạt động có thể đảo ngược có thể là nguyên nhân làm tăng nồng độ creatinin huyết thanh khi bệnh nhân dùng trimethoprim

Cam thảo – Các tác dụng phụ và tương tác

Thông tin chính

– Chiết xuất cam thảo có tác dụng tương tự hormon chuyển hóa muối nước (mineralocorticoid) và có thể gây hạ kali máu, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim và bệnh lý cơ.

– Bệnh nhân đang dùng fludrocortison hoặc thuốc gây giảm kali máu nên tránh ăn cam thảo hoặc dùng chế phẩm bổ sung chứa chất chiết xuất cam thảo.

Nguồn: https://www.medsafe.govt.nz …..

HSA: Cơ quan Khoa học sức khỏe Singapore cảnh báo nguy cơ biến cố tim mạch liên quan đến febuxostat

23/12/2019 12:00:00 SA

Febuxostat được đăng ký lưu hành tại Singapore từ 2016 và được chỉ định để điều trị tăng acid uric máu mạn tính với tình trạng đã lắng đọng urat. Như các nghiên cứu trước khi lưu hành thuốc trên thị trường đã gợi ý mối liên quan giữa sử dụng thuốc với biến cố tim mạch nghiêm trọng, cảnh báo không sử dụng febuxostat cho người mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc suy tim sung huyết đã được đưa vào tờ thông tin sản phẩm khi thuốc lần đầu tiên được phê duyệt.

Gần đây, một số nghiên cứu hậu mãi đã bổ sung thêm dữ liệu về nguy cơ tim mạch của febuxostat, cụ thể là bệnh nhân gút có bệnh tim mạch nặng trước đó sử dụng febuxostat có nguy cơ tử vong do tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn đáng kể so với bệnh nhân sử dụng allopurinol.

Sau khi rà soát dữ liệu trong đó có nghiên cứu trên, các cơ quan quản lý trên thế giới như FDA, EMA, TGA kết luận cần tăng cường cảnh báo nguy cơ trên tim mạch trong tờ thông tin sản phẩm febuxostat để cung cấp các phát hiện chính từ nghiên cứu kể trên. Ngoài ra, FDA cũng giới hạn sử dụng febuxosat như thuốc giảm urat cho bệnh nhân có đáp ứng không đầy đủ hoặc không dung nạp allopurinol.

Biến cố tim mạch nghiêm trọng liên quan đến febuxostat

Quan ngại về nguy cơ tim mạch của febuxostat xuất hiện trước khi thuốc được lưu hành, trong đó số lượng lớn biến cố tim mạch nghiêm trọng (bao gồm tử vong do tim mạch, nhồi máu cơ tim không tử vong và đột quỵ không tử vong), đã được ghi nhận ở nhóm bệnh nhân dùng febuxostat so với nhóm bệnh nhân dùng allopurinol (1,3 biến cố so với 0,3 viến cố mỗi 100 người bệnh/năm) trong nghiên cứu lâm sàng phase 3, APEX và FACT. Kết quả là tờ thông tin sản phẩm của febuxostat đã bao gồm cảnh báo biến cố tim mạch tiềm ẩn khi thuốc này được phê duyệt lần đầu tiên và Cơ quan quản lý Thực phầm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã yêu cầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng hậu mãi lớn để đánh giá bổ sung độ an toàn tim mạch của thuốc. Nghiên cứu này mới hoàn thành gần đây vào năm 2017 với tên viết tắt là CARES – Cardiovascular Safety of Febuxostat and Allopurinol in Patients with Gout and Cardiovascular Morbidities.

Nghiên cứu CARES

Nghiên cứu CARES là nghiên cứu biến cố trên tim mạch phase 4, đa trung tâm, ngẫu nhiên, mù đôi. Có 6.190 bệnh nhân gút được điều trị bằng febuxostat hoặc allopurinol được đưa vào nghiên cứu. Bệnh nhân có bệnh tim mạch nặng, bao gồm tiền sử nhồi máu cơ tim, nhập viện vì đau thắt ngực không ổn định hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại biên hoặc đái tháo đường có biến chứng mạch máu lớn hoặc mạch máu nhỏ. Sau khoảng 32 tháng theo dõi, nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ tử vong liên quan đến tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân ở nhóm bệnh nhân dùng febuxostat cao hơn nguy cơ ở nhóm bệnh nhân dùng allopurinol. Tiêu chí chính của nghiên cứu, kết hợp tử vong do tim mạch, nhồi máu cơ tim không tử vong, đột quỵ không tử vong hoặc đau thắt ngực không ổn định cùng với tái tạo mạch khẩn cấp, có tỷ lệ tương đương ở 2 nhóm bệnh nhân.

Khuyến cáo của HSA

Cán bộ y tế được khuyến cáo cân nhắc các thông tin trên khi kê đơn febuxostat, đặc biệt là bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh lý tim mạch. Không khuyến cáo điều trị bằng febuxosat ở bệnh nhân thiếu máu cục bộ cơ tim hay suy tim sung huyết.

Nguồn: https://www.hsa.gov.sg/announcements/ …..

Điểm tin: ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

Medsafe: Cơ quan quản lý Dược phẩm New Zealand cập nhật tác dụng bất lợi nghi ngờ liên quan đến lamotrigin khi thay đổi thuốc thành phẩm

25/12/2019 12:00:00 SA

Thông tin truyền thông này được cập nhật thông tin mới dựa trên mô tả triệu chứng người bệnh gặp phải khi họ thay đổi thuốc thành phẩm lamotrigin và để cập nhật thông tin số lượng các ca tử vong được báo cáo cho Trung tâm theo dõi phản ứng có hại New Zealand. Medsafe dự kiến không cập nhật thêm thông tin trừ khi có thay đổi đáng kể các báo cáo từ người bệnh.

Thông tin dành cho cán bộ y tế

Medsafe khuyến cáo bác sĩ điều trị tuân thủ theo khuyến cáo của Cơ quan quản lý Y tế Anh (MHRA) việc thay đổi thuốc thành phẩm lamotrigine phải được quản lý thận trọng cùng với theo dõi bệnh nhân chặt chẽ, có tính đến các yếu tố nguy cơ như tần suất co giật và tiền sử dùng thuốc. Hiện nay, bằng chứng lamotrigine có khoảng điều trị hẹp chưa thuyết phục. Tuy nhiên, các thông tin cho thấy bệnh nhân khó có thể thay đổi loại thuốc thành phẩm lamotrigine đang sử dụng. Pharmac đã mở rộng khả năng tiếp cận thuốc theo quy trình đặc biệt của tổ chức này cho bệnh nhân đang sử dụng lamotrigin.

Nguồn: https://www.medsafe.govt.nz/safety/ ……

Điểm tin: ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

WHO: Phản ứng tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời liên quan đến Midostaurin 02/01/2020 12:00:00 SA

Tóm tắt

Midostaurin là chất ức chế protein kinase được chỉ định đơn trị liệu bệnh tăng dưỡng bào hệ thống (aggressive systemic mastocytosis), tăng dưỡng bào hệ thống liên quan đến khối u tế bào máu (systemic mastocytosis with associated hematological neoplasm) và bệnh bạch cầu dưỡng bào (mast cell leukemia) ở người lớn. Cơ sở dữ liệu về cảnh giác dược của Pháp và WHO cho thấy midostaurin có thể gây tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Tất cả các trường hợp báo cáo đều được đánh giá mức độ nghiêm trọng và đa số tiếp tục dùng thuốc với khuyến cáo hạn chế tiếp xúc ánh sáng mặt trời. Hiện thông tin trên nhãn chưa đề cập đến nguy cơ tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, tuy nhiên trong một nghiên cứu quan sát của Pháp thực hiện trên 28 bệnh nhân điều trị bằng midostaurin chỉ ra 25% số bệnh nhân gặp phản ứng này sau khi dùng thuốc. Kết quả này tăng cường mối liên quan giữa thuốc và phản ứng có hại dựa trên các báo cáo ghi nhận tại Pháp và cơ sở dữ liệu Vigibase.

Bối cảnh

Midostaurin ức chế các receptor tyrosin kinase, kích thích sự chết theo chu trình của tế bào leukemia, ức chế receptor của yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc từ tiểu cầu (PDGFR) và receptor của yếu tố tăng trưởng nội mạc (VEGFR2).

Phản ứng có hại này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả 2 nam và nữ với các kiểu da khác nhau. Những người da trắng, ít bị rám nắng thường nhạy cảm với ánh sáng hơn những người da tối màu.

Tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời do thuốc là hậu quả kết hợp giữa tác động thuốc và phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời ở những bệnh nhân nhạy cảm và có thể làm tăng nguy cơ ung thư da. Biểu hiện là xuất hiện một hoặc nhiều nốt ban da và sạm da. Phản ứng này có thể hồi phục bằng cách ngừng thuốc hoặc thay thế thuốc khác. Các báo cáo phản ứng này thường gặp vấn đề về độ chính xác do việc khó phân biệt giữa rám nắng thông thường và tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời mức độ nhẹ. Một số thuốc khác cũng gây ra phản ứng này như thuốc lợi tiểu, kháng sinh và các thuốc NSAIDs.

Các báo cáo trong Cơ sở dữ liệu quốc gia Pháp về cảnh giác dược (BNPV) và VigiBase

Các phản ứng có hại về tăng nhạy cảm với ánh sáng lần đầu tiên được lưu ý tại trung tâm Cảnh giác dược Toulouse, sau một trường hợp được báo cáo năm 2019. Bệnh nhân được điều trị bằng midostaurin trong vòng 2 tháng, sau đó đi dạo dưới ánh nắng mặt trời mùa xuân đã gặp phản ứng nhạy cảm với ánh sáng mức độ nghiêm trọng, sau đó được ngừng thuốc tạm thời và bác sĩ đã đưa ra chống chỉ định trên bệnh nhân này.

Thời gian khởi phát phản ứng có thể kéo dài từ 10 ngày đến một năm. Sau khởi phát, một số bệnh nhân tiếp tục sử dụng thuốc, trong đó, 2 bệnh nhân tái sử dụng thuốc đã tái phát phản ứng này sau lần phơi nhiễm thứ 2 với ánh sáng mặt trời. Có 1 trường hợp ngừng thuốc. Có 3 trường hợp bệnh nhân được khuyến cáo hạn chế tiếp xúc tối đa với ánh sáng mặt trời. Một trường được báo cáo bởi bác sĩ da liễu đánh giá tình trạng nổi ban toàn thân của BN có thể liên quan đến midostaurin, mặc dù BN dùng đồng thời thuốc valsartan, một thuốc có khả năng gây tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.

Thông tin trong y văn và nhãn thuốc

Hiện nay, trên tờ Thông tin Đặc tính Sản phẩm được cấp phép ở Châu Âu và tờ Thông tin Sản phẩm của Mỹ đều không đề cập đến nguy cơ tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời của midostaurin. Tuy nhiên, nhãn thuốc của các thuốc ức chế protein kinase khác như imanitib, gefitinib đều có cảnh báo về nguy cơ này.

Trong một khảo sát từ năm 2012 đến năm 2015 về các bệnh nhân sử dụng midostaurin tạm thời, có 28 bệnh nhân sử dụng midostaurin ở liều 100mg/ngày, 25% số bệnh nhân xuất hiện phản ứng này sau khi dùng thuốc.

Bàn luận và kết luận

Phản ứng tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời làm nặng thêm các rối loạn tự miễn trên da, có thể dẫn đến ung thư da. Phản ứng này có thể phòng tránh được. Hiện nay, phản ứng này chưa được đề cập trên nhãn sản phẩm của midostaurin. Bệnh nhân cần được thông báo về các phản ứng có hại này để tránh phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời khi sử dụng thuốc.

 Nguồn: Vigilyze

Điểm tin: CTV. Võ Thị Thùy,

ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

FDA: Ngày 07/1/2020, công ty Appco Pharma LLC thông báo tự nguyện thu hồi viên nang Ranitidine Hydrochloride Capsules 150 mg and 300 mg do hàm lượng NDMA vượt ngưỡng cho phép

17/01/2020 12:00:00 SA

Appco Pharma LLC (Appco) đang tự nguyện thu hồi mức độ người sử dụng tất cả các lô thuốc còn hạn dùng của viên nang Ranitidine Hydrochloride Capsules. Thuốc này bị thu hồi do có chứa tạp chất NDMA ở hàm lượng vượt giới hạn cho phép do FDA quy định dựa trên kết quả kiểm nghiệm của FDA. Đến nay, Appco chưa nhận được báo cáo biến cố bất lợi liên quan đén sử dụng chế phẩm nay như một phần của đợt thu hồi.

Nguồn:  https://www.fda.gov/safety …….

Điểm tin: ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

Medsafe: Ngày 08/1/2020, Cơ quan quản lý Dược phẩm New Zealand cảnh báo tramadol và các tác dụng opioid ở trẻ bú mẹ

17/01/2020 12:00:00 SA

Từ 18/12/2019 đến 30/11/2020 Trung tâm theo dõi phản ứng có hại New Zealand (CARM) nhận được 1 báo cáo một trường hợp trẻ sơ sinh sút cân, rối loạn ăn uống và buồn ngủ trong khi bà mẹ đang sử dụng tramadol. Bệnh nhi được báo cáo đã hồi phục.

Chuyên luận tramadol đề cập đến việc không khuyến cáo bà mẹ đang dùng tramadol cho con bú. Medsafe sẽ tiếp tục theo dõi vấn đề này thông qua hệ thống cảnh giác dược. Lợi ích của tramadol vẫn vượt trội nguy cơ gây hại của thuốc do đó chưa cần thực hiện thêm các biện pháp quản lý vào thời điểm này.

Nguồn: https://www.medsafe.govt.nz/ ….

Điểm tin: ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

FDA: Ngày 08/1/2020, Mylan Initiates tự nguyện thu hồi toàn quốc 3 lô thuốc viên nang nizatidine do phát hiện có chứa tạp chất NDMA trong nguyên liệu hoạt chất do Solara Active Pharma Sciences Limited sản xuất

20/01/2020 12:00:00 SA

Mylan N.V. thông báo đang tự nguyện thu hồi toàn quốc mức độ người dùng 3 lô thuốc viên nang nizatidin (các chế phẩm hàm lượng 150mg và 300 mg). Công ty này chưa nhận được bất cứ báo cáo phản ứng có hại nào liên quan đến thuốc trong các lô trên. Sản phẩm được tự nguyện thu hồi do phát hiện tạp chất NDMA trong nguyên liệu hoạt chất nizatidin do Solara Active Pharma Sciences Limited sản xuất.

Nguồn: https://www.fda.gov/safety/ ……

Điểm tin: ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

Health Canada: Tương tác giữa thuốc nhuận tràng polyethylen glycol và chất làm đặc bản chất tinh bột.

09/01/2020 12:00:00 SA

Điểm tin đáng chú ý từ bản tin Health Product Inforwatch tháng 12/2019

 Thông tin chính:

– Health Canada nhận được một báo cáo về trường hợp có thể hít phải hỗn hợp Polyehtylen glycol (PEG) và chất lỏng được làm đặc bởi tinh bột.

– Việc thêm PEG vào một chất lỏng đã được làm đặc bằng chất làm đặc bản chất tinh bột dẫn đến làm giảm độ nhớt của chất lỏng

– Bệnh nhân mắc chứng khó nuốt khi dùng chất lỏng có độ nhớt giảm có nguy cơ hít phải.

Health Canada nhận được một báo cáo về trường hợp có thể hít phải hỗn hợp polyehtylen glycol 3350 (PEG) và chất lỏng được làm đặc ở một bệnh nhân nam 88 tuổi.

Bệnh nhân nhập viện để điều trị nhiều vấn đề về sức khỏe. Trong quá trình nhập viện, bệnh nhân được kê bột nhuận tràng PEG (phải được hòa tan trong 250 ml chất lỏng trước khi sử dụng) liều dùng 17g/ngày để điều trị táo bón mạn tính. Trong thời gian nằm viện, thỉnh thoảng bệnh nhân kêu khó nuốt. Do đó, bệnh nhân này được bắt đầu với chế độ ăn có chất làm đặc bản chất tinh bột. Bột nhuận tràng PEG được trộn cùng chất lỏng đã được làm đặc với chất làm đặc bản chất tinh bột và dùng cho bệnh nhân. Đến ngày thứ hai cho sử dụng, bệnh nhân xuất hiện tình trạng hít phải hỗn hợp. Bệnh nhân này tử vong sau vài giờ kể từ khi nghi ngờ hít phải hỗn hợp trên.

Chất làm đặc chất lỏng giúp bệnh nhân dễ nuốt hơn là một chất quan trọng trong điều trị chứng khó nuốt đối với nhiều người bệnh như người già và bệnh nhân động kinh. Táo bón cũng là tình trạng chung của hầu hết các bệnh nhân này.

Một số bệnh nhân dùng thêm chất làm đặc trong chế độ ăn để điều trị chứng khó nuốt và đồng thời sử dụng PEG để điều trị táo bón. Tương tác giữa PEG và chất làm đặc bản chất tinh bột làm giảm độ nhớt của chất lỏng (độ đặc), làm tăng nguy cơ nghẹt thở và hít phải chất lỏng đã được làm đặc bởi chất làm đặc bản chất tinh bột. Trường hợp được mô tả ở trên được xem xét và công bố bởi Viện Thực hành an toàn thuốc Canada (Institute for Safe Medication Practices Canada – ISMP). Tương tác PEG làm giảm độ nhớt của chất làm đặc bản chất tinh bột đã được báo cáo trong y văn. Các tác giả khuyến cáo cần cân nhắc về việc sử dụng thuốc nhuận tràng PEG với bệnh nhân cần điều trị bằng chất lỏng làm đặc bản chất tinh bột. Có thể thay thế chất làm đặc bản chất tinh bột bằng chất làm đặc bản chất gum-xanthan do tương hợp với PEG, mặc dù cần nghiên cứu thêm.

Health Canada đang hợp tác với các nhà sản xuất PEG để cập nhât các thông tin cảnh báo về tương tác thuốc này.

Nguồn: https://www.canada.ca/content/ …..

Điểm tin: CTV. Đồng Thị Thanh Huế,

Ths.DS. Nguyễn Thị Tuyến

EMA: Ngày 17/01/2020, PRAC khẳng định giới hạn thời gian sử dụng kem chứa estradiol hàm lượng cao trong 4 tuần

21/01/2020 12:00:00 SA

Ủy ban Đánh giá nguy cơ Cảnh giác dược Châu Âu (PRAC) đã khẳng địnhkhuyến cáo của họ về việc hạn chế thời gian sử dụng các loại kem chứa estradiol nồng độ cao 100 microgam/gram (0,01%) đơn trị liệu tối đa 4 tuần. Việc xác nhận này diễn ra sau khi đã kiểm tra lại khuyến cáo vào tháng 10 năm 2019, theo yêu cầu của một trong những công ty kinh doanh kem estradiol hàm lượng cao.

PRAC đã hồi cứu lại dữ liệu có sẵn về sự an toàn và hiệu quả của các loại kem chứa estradiol nồng độ cao khi thuốc được sử dụng để điều trị các triệu chứng teo âm đạo ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh. Dữ liệu cho thấy nồng độ estradiol trong máuở phụ nữ mãn kinh sử dụng loại chế phẩm nàycao hơn so với mức estradiol bình thường ở thời kì mãn kinh. PRAC kết luận rằng việc hấp thu estradiol vào máu là điều đáng quan tâm và có thể dẫn đến các tác dụng phụ tương tự như những người được điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone (HRT). Các tác dụng phụ của HRT dùng đường uống hoặc sử dụng qua da (như miếng dán) bao gồm huyết khối tĩnh mạch (hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch), đột quỵ, ung thư niêm mạc tử cung (ung thư nội mạc tử cung) và ung thư vú. Thêm vào đó, dữ liệu về an toàn trong việc sử dụng lâu dài các loại kem estradiol hàm lượng caocòn hạn chế. Vì những lý do này, PRAC khuyến cáo rằng chỉ nên sử dụng các loại kem này đơn trị liệu trong thời gian tối đa 4 tuần.

PRAC khuyến nghị rằng thông tin kê đơn cho các loại kem này sẽ được cập nhật các khuyến cáo mới. Cảnh báo chỉ dùng đơn trị liệu thuốc tối đa 4 tuần sẽ được in trên hộp và tuýp thuốc, đồng thời kích thước của tuýp thuốc sẽ được giới hạn ở mức 25gram để tránh sử dụng lâu hơn thời gian được khuyến cáo.

Hiện tại, các khuyến cáo của PRAC sẽ được gửi đến CMDh để đưa ra quyết định quản lý. CMDh là cơ quan đại diện cho các quốc gia thành viên EU cũng như Iceland, Liechtenstein và Na Uy.

Thông tin dành cho bệnh nhân

– Kem estradiol có nồng độ cao (100 microgam/gram) bôi bên trong âm đạo đơn trị liệu chỉ nên được sử dụng tối đa trong 4 tuần. Điều này là do hormone estradiol trong các loại kem này có thể được hấp thu vào máu và có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.

– Không sử dụng kem estradiol hàm lượng cao nếu bệnh nhân đang dùng một loại thuốc HRT (liệu pháp thay thế hormone) khác.

– Nếu có bất kỳ câu hỏi về việc điều trị, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thông tin cho các cán bộ y tế

– Không nên kê đơn kem estradiol có nồng độ cao (100 microgam/gram) điều trị dài hơn 4 tuần do các rủi ro liên quan đến phơi nhiễm estradiol toàn thân.

– Dữ liệu dược động học của các loại kem estradiol hàm lượng cao bôi bên trong âm đạo cho thấy sự phơi nhiễm toàn thân với estradiol, với nồngđộ estradiol cao hơn so với mức bình thường sau mãn kinh (cao hơn 5 lần giới hạn trên của nồng độ estradiol tham chiếu sau mãn kinh 10 -20pg/ml).

– Phơi nhiễm toàn thân với estradiol có thể liên quan đến các tác dụng phụ tương tự như sự phơi nhiễm qua đường uống và miếng dán hấp thu qua da như tăng sản nội mạc tử cung/ung thư biểu mô, ung thư vú và buồng trứng và các biến cố huyết khối.

– Không nên kê đơn kem estradiol hàm lượng cao cùng các loại thuốc HRT khác.

Thông tin bổ sung về các loại thuốc

Các loại kem có chứa estradiol được nhắc đến trong tổng quan này chứa 100 microgam estradiol trên mỗi gram kem.

Các thuốc này là một loại liệu pháp thay thế hormone tại chỗ, thuốc có chứa nội tiết tố nữ estradiol, được sử dụng để thay thế estradiol tự nhiên, khi estradiol tự nhiên suy giảm trong cơ thể sau thời kì mãn kinh. Những loại kem estradiol có hàm lượng cao này đã được cấp phép lưu hành tại EU trong một vàinăm để điều trị các triệu chứng teo âm đạo ở phụ nữ sau mãn kinh. Thuốcđược bán ở Áo, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Đức, Hungary, Latvia, Litva và Slovakia dưới các tên thương mại sau: Linoladiol, Linoladiol N, Linoladiol Estradiol, Estradiol Wolff và Montadiol.

Nguồn: https://www.ema.europa.eu/ ….

Điểm tin: CTV. Nguyễn Thị Huyền Trang,

ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

Giới hạn thời gian kê đơn tramadol: lật lại các căn cứ của quyết định này

06/02/2020 12:00:00 SA

Từ ngày 15 tháng 4 năm 2020, thời gian kê đơn tối đa của tramadol sẽ rút ngắn từ 12 tháng xuống 3 tháng. Quyết định này của ANSM xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm kết quả của một số khảo sát về việc lạm dụng chất này từ mạng lưới cảnh giác các thuốc gây nghiện của Pháp.

Từ ngày 15 tháng 4 năm 2020, thời gian kê đơn tối đa của tramadol sẽ rút ngắn từ 12 tháng xuống 3 tháng. Quyết định này của ANSM xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm kết quả từ một số khảo sát về việc lạm dụng chất này từ mạng lưới cảnh giác các thuốc gây nghiện của Pháp.

Quyết định này cũng dựa trên một báo cáo của ANSM công bố vào tháng 2 năm 2019, nhằm đánh giá tình hình tiêu thụ thuốc giảm đau opioid tại Pháp. Tài liệu này cho thấy, dù tình hình tại Pháp không thể so sánh với Hoa Kỳ, một số chỉ số đã đặt ra yêu cầu tăng cường giám sát từ phía cơ quan quản lý và các chuyên gia y tế.

Theo báo cáo này, sau khi thu hồi thuốc phối hợp dextropropoxyphene/paracetamol vào năm 2011, tramadol đã trở thành thuốc giảm đau opioid được sử dụng rộng rãi nhất ở Pháp (cả loại mạnh và yếu) với mức tăng hơn 68% trong giai đoạn 2006-2017. Tramadol cũng là chất đầu tiên liên quan đến các trường hợp tử vong do sử dụng thuốc giảm đau, trước cả morphin, và là thuốc giảm đau opioid đầu tiên được báo cáo về vấn đề sử dụng thuốc trong mạng lưới cảnh giác các thuốc gây nghiện.

Ngoài trường hợp của tramadol, những bài học khác từ báo cáo của ANSM là gì?

Thuốc giảm đau opioid, một nhân tố quan trong trong kiểm soát đau

Cải thiện kiểm soát đau là một ưu tiên của y tế công cộng tại Pháp, đặc biệt với việc thi hành một loạt các kế hoạch hành động về giảm đau kể từ năm 1998. Sự sẵn có và sử dụng rộng rãi thuốc opioid trong điều trị đau đã góp phần rất lớn vào việc cải thiện kiểm soát đau.

Tuy nhiên, những loại thuốc này, do có nguy cơ lạm dụng và lệ thuộc cao, khi sử dụng kéo dài có thể trở thành đối tượng của việc lạm dụng dẫn đến những tổn hại sức khỏe nghiêm trọng. Vấn đề này ảnh hưởng chủ yếu tới những bệnh nhân sử dụng thuốc opioid để giảm đau và những bệnh nhân ngày càng lệ thuộc vào điều trị, và đôi khi chuyển hướng khỏi chỉ định ban đầu.

Tại Pháp, một tình huống cần được đánh giá

Tại Pháp, dù tình hình không thể so sánh với Hoa Kỳ, một số chỉ số được đặt ra để yêu cầu tăng cường giám sát từ phía cơ quan quản lý và các chuyên gia y tế. Để đánh giá, vào năm 2017, ANSM đã tổ chức một ngày trao đổi về vấn đề sử dụng và lạm dụng thuốc giảm đau opioid dành cho các cơ quan y tế, các tổ chức học thuật và hiệp hội bệnh nhân.

Vào tháng 2 năm 2019, ANSM đã công bố một báo cáo bao gồm các dữ liệu chính được trình bày vào ngày này và dữ liệu bổ sung, cũng như các đề xuất để cải thiện việc sử dụng và giảm lạm dụng thuốc giảm đau opioid.

Opioids chiếm 22% lượng thuốc giảm đau được tiêu thụ ở Pháp

Theo báo cáo của ANSM, năm 2017, thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến nhất ở Pháp là thuốc không opioid (paracetamol, aspirin và NSAID: 78%), tiếp theo là thuốc giảm đau opioid yếu (ví dụ tramadol, codein, thuốc phiện: 20%), chúng được tiêu thụ nhiều hơn 10 lần so với thuốc giảm đau opioid mạnh (ví dụ morphin, oxycodone, fentanyl: 2%).

Năm 2017, thuốc giảm đau opioid được sử dụng rộng rãi nhất (cả loại mạnh và yếu) ở Pháp là tramadol, xếp thứ hai là codein kết hợp và bột thuốc phiện kết hợp với paracetamol. Tiếp đến là morphin, thuốc giảm đau opioid mạnh đầu tiên, theo sau là là oxycodone, hiện được sử dụng rộng rãi như morphin, tiếp theo là fentanyl xuyên da và xuyên màng tác dụng nhanh.

Opioid chủ yếu được kê đơn cho phụ nữ

Theo dữ liệu bảo hiểm y tế, gần 10 triệu người Pháp được kê đơn một thuốc giảm đau opioid mỗi năm. Đối tượng sử dụng thuốc giảm đau chủ yếu là phụ nữ, dùng opioid yếu hoặc mạnh (chiếm lần lượt 57,7% và 60,5% vào năm 2015). Người sử dụng opioid mạnh thường cao tuổi hơn người sử dụng opioid yếu (trung vị tuổi tương ứng là 64 và 52 tuổi).

Đối với sử dụng thuốc giảm đau opioid kéo dài, thuốc giảm đau opioid mạnh chiếm tỷ lệ cao hơn (14,3% vào năm 2015) so với opioid yếu (6,6%)

Lượng tiêu thụ opoid yếu nhìn chung ổn định, nhưng tăng cao với opioid mạnh

Theo báo cáo của ANSM, mức tiêu thụ opioid yếu vẫn tương đối ổn định trong giai đoạn 2006-2017. Việc thu hồi thuốc phối hợp dextropropoxyphene / paracetamol trong năm 2011 đi kèm với sự gia tăng tiêu thụ các opioid yếu khác và đặc biệt, tramadol với mức tiêu thụ tăng hơn 68% trong giai đoạn 2006-2017.

Từ năm 2006 đến 2017, việc kê đơn thuốc opioid mạnh đã tăng khoảng 150%. Oxycodone là thuốc giảm đau opioid có mức tăng mạnh nhất (tăng 738% trong giai đoạn 2006-2017) và mức tiêu thụ của nó hiện nay gần bằng morphine sulfate, thuốc giảm đau opioid mạnh được tiêu thụ nhiều nhất trong vòng 10 năm.

Thuốc kê đơn cơ bản của bác sĩ đa khoa

Năm 2015, việc bắt đầu điều trị giảm đau được thực hiện bởi bác sĩ đa khoa chiếm 59,1% trường hợp dùng thuốc giảm đau opioid yếu và 62,9% trường hợp dùng opioid mạnh và bác sĩ bệnh viện chiếm 20,1% opioid yếu và 21% opioid mạnh.

Trong năm 2017, các bác sĩ kê đơn thuốc opioid (bắt đầu và kết hợp mới) là các bác sĩ đa khoa (86,3% opioid yếu và 88,7% opioid mạnh), nha sĩ (2,8% và 0,3%), bác sĩ thấp khớp (2,2% và 1,7%) và bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình (1,9% và 1,3%).

Những lý do phổ biến nhất để kê đơn thuốc opioid yếu là đau cấp tính (71,1%), đau mãn tính (13,4%), đau lưng (8,1%) hoặc đau xương khớp (2 6%). Những người dùng opioids mạnh thường có đau cấp tính (50,1%), đau mãn tính (42,9%), đau lưng (21,6%) hoặc đau xương khớp (7%).

Ngộ độc thuốc opioid kê đơn là nguyên nhân của ít nhất 4 ca tử vong mỗi tuần

Theo báo cáo của ANSM, số ca nhập viện liên quan đến sử dụng thuốc giảm đau opioid kê đơn đã tăng 167% từ năm 2000 đến 2017, từ 15 lên 40 ca nhập viện trên một triệu dân. Số ca tử vong liên quan đến sử dụng opioid đã tăng 146% từ năm 2000 đến 2015, với ít nhất 4 trường hợp tử vong mỗi tuần (tăng từ 1,3 lên 3,2 ca tử vong trên một triệu dân).

Trong Ngân hàng Dược phẩm Quốc gia (BNPV), tỷ lệ báo cáo ngộ độc thuốc giảm đau opioid tăng từ 44 lên 87 trên 10.000 báo cáo từ năm 2005 đến 2016. Trong năm 2016, ba chất liên quan nhiều nhất đến các ca ngộ độc này là tramadol, morphin, sau đó là oxycodone.

Báo cáo về rối loạn sử dụng thuốc đã tăng hơn gấp đôi trong 10 năm

Tỷ lệ các trường hợp rối loạn sử dụng thuốc giảm đau opioid được báo cáo cho mạng lưới cảnh giác nghiện của Pháp đã tăng gấp đôi từ năm 2006 đến 2015. Vấn đề này chủ yếu ảnh hưởng đến những bệnh nhân ban đầu sử dụng thuốc giảm đau opioid để giảm đau, người bị lệ thuộc tiên phát vào điều trị và đôi khi sử dụng sai nó. Một lần nữa, đối tượng ảnh hưởng chủ yếu là phụ nữ.

Tramadol là thuốc giảm đau opioid đầu tiên được báo cáo trong về vấn đề sử dụng dụng thuốc trong mạng lưới này. Các vấn đề về sử dụng morphine và oxycodone khác với các loại opioid khác bởi vì, ngoài những bệnh nhân ban đầu được điều trị đau, xuất hiện một nhóm người sử dụng ma túy trẻ hơn, nhiều nam giới hơn trong các báo cáo trong mạng lưới này.

Tramadol, thuốc opioid đầu tiên chịu trách nhiệm cho việc lạm dụng thuốc

Một số khảo sát của mạng lưới cảnh giác các thuốc gây nghiện đã cho thấy tình trạng lạm dụng tramadol ngày càng tăng trong những năm gần đây. Thật vậy, opioid yếu này là:

Thuốc giảm đau phổ biến thứ hai được tìm thấy trên các đơn thuốc giả được ghi nhận tại các hiệu thuốc, sau codeine (từ khảo sát OSIAP – Đơn thuốc nghi ngờ – chỉ số khả năng lạm dụng)

Thuốc giảm đau đầu tiên liên quan đến tử vong do dùng thuốc giảm đau, trước morphin (khảo sát DTA – Tử vong ngộ độc thuốc giảm đau)

Thuốc giảm đau opioid đầu tiên được ghi nhận trong một cuộc khảo sát năm 2018 về vấn đề sử dụng thuốc trong quần thể sử dụng thuốc giảm đau và những người sử dụng ma túy.

Vấn đề sử dụng thuốc được quan sát với tramadol bao gồm nghiện với các triệu chứng cai thuốc ngay cả khi dùng liều khuyến cáo và trong thời gian ngắn, dẫn đến việc sử dụng kéo dài ở những bệnh nhân không còn đau.

Thông tin này đã dẫn đến quyết định của ANSM về giảm giới hạn thời gian kê đơn của tramadol, từ 12 tháng xuống 3 tháng kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2020.

Trong kết luận của báo cáo của họ, ANSM mong muốn nhấn mạnh lại rằng thuốc giảm đau opioid, dù yếu hay mạnh, có nguy cơ bị lệ thuộc, lạm dụng, dùng quá liều và suy hô hấp có thể dẫn đến tử vong.

Do đó, một đơn thuốc giảm đau opioid phải được kèm theo các thông tin có hệ thống cho bệnh nhân về việc điều trị và ngừng thuốc (xem tài liệu do OFMA xuất bản), và kèm theo việc theo dõi các rủi ro này ngay cả khi đơn thuốc ban đầu được thực hiện phù hợp với các điều kiện của chỉ định được cấp phép.

Nguồn: https://eurekasante.vidal.fr/…

Người dịch: Từ Phạm Hiền Trang,

Vũ Đức Hoàn

FDA: Cảnh báo về biến cố hô hấp nghiêm trọng khi sử dụng các thuốc chống động kinh gabapentin và pregabalin

22/01/2020 12:00:00 SA

Thông tin chung

Gabapentin và pregabalin được FDA cấp phép chỉ định cho động kinh, đau dây thần kinh do chấn thương tủy, bệnh zona, bệnh ĐTĐ và hội chứng chân không yên. Gabapentin có mặt trên thị trường với biệt dược Neurontin, Gralise, Horizant và neuropentin có mặt trên thị trường với biệt dược Lyrica, Lyrica CR.

Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo khó thở nghiêm trọng có thể xảy ra ở bệnh nhân sử dụng gabapentin và pregabalin có yếu tố nguy cơ hô hấp. Các yếu tố này bao gồm việc sử dụng thuốc giảm đau opioid và các thuốc khác có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương và một số tình trạng khác như COPD. Người già cũng là đối tượng có nguy cơ cao.

Đánh giá cho thấy việc kê đơn cũng như việc dùng sai và lạm dụng các thuốc này ngày càng tăng.

Động thái của FDA

FDA yêu cầu bổ sung các cảnh báo mới về suy giảm chức năng hô hấp vào tờ thông tin kê đơn của gabapentin, đồng thời yêu cầu nhà sản xuất tiến hành các thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá nguy cơ lạm dụng thuốc.

Khuyến cáo cho bệnh nhân

Bệnh nhân và người chăm sóc cần gọi cấp cứu nếu thấy triệu chứng như: nhầm lẫn hoặc mất phương hướng, chóng mặt hoặc đau đầu nhẹ, buồn ngủ quá mức hoặc hôn mê, thở chậm, nông hoặc khó thở, mất ý thức, da xanh, nhợt nhạt, đặc biệt ở môi, ngón tay, ngón chân. Cần báo cáo cho CBYT về tất cả các thuốc đang sử dụng gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và các chất khác như đồ uống có cồn.

Cần sử dụng đúng liều đã được kê đơn. Không sử dụng liều cao hơn vì nguy cơ biến cố nghiêm trọng hoặc tử vong.

Khuyến cáo cho cán bộ y tế

Cán bộ y tế cần kê đơn gabapentin ở mức liều tối thiểu có tác dụng, theo dõi các triệu chứng suy giảm chức năng hô hấp và tác dụng giảm đau khi kê đơn đồng thời gabapentin với một opioid hay một thuốc ức chế thần kinh trung ương khác như benzodiazepin. tiền sử bệnh hô hấp và tuổi cao là yếu tố làm tăng nguy cơ biến chứng hô hấp và người bệnh có yếu tố nguy cơ này cần được theo dõi chặt chẽ. Việc xử trí ức chế hô hấp có thể bao gồm quan sát cẩn thận, áp dụng biện pháp hỗ trợ, có thể giảm hoặc ngừng các thuốc ức chế thần kinh trung ương, trong đó có gabapentin. Gabapentin cần được giảm liều từ từ trước khi ngừng thuốc.

Kết hợp giữa việc dùng thuốc và liệu pháp không dùng thuốc là biện pháp phổ biến để tối ưu việc giảm đau.

Cần thông tin cho bệnh nhân về nguy cơ suy giảm chức năng hô hấp và ức chế thần kinh trung ương của các thuốc này.

Nguồn: https://www.fda.gov/drugs/drug-…

Điểm tin: CTV. Võ Thị Thùy,

ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

ĐIỀU TRỊ

COPD: Giới thiệu những điểm chính trong hướng dẫn cập nhật của NICE (tháng 12/2018)

Rối loạn vận động do thuốc

Võ Thị Thùy, Nguyễn Thị Thu Thủy, Lương Anh Tùng

Tóm tắt

Nhiều thuốc điều trị và chất gây nghiện sử dụng bất hợp pháp có thể gây rối loạn vận động. Trong đó, phổ biến nhất là các thuốc chống loạn thần và thuốc chống nôn. Rối loạn vận động có thể khởi phát cấp tính, bán cấp hoặc hay muộn, với mức độ từ nhẹ đến nặng, thậm chí đe dọa tính mạng. Việc nhận biết sớm rối loạn vận động do thuốc đóng vai trò quan trọng giúp tiến hành kịp thời các biện pháp xử trí, bao gồm ngừng thuốc nghi ngờ, chăm sóc hỗ trợ và sử dụng thuốc điều trị trong một số trường hợp.

Nội dung bài

GIỚI THIỆU

Cả thuốc điều trị và các chất gây nghiện sử dụng bất hợp pháp đều có thể gây ra các phản ứng có hại trên thần kinh, trong đó có rối loạn vận động. Nhóm thuốc phổ biến gây rối loạn vận động là các thuốc ức chế thụ thể dopamin, bao gồm thuốc chống loạn thần và thuốc chống nôn (bảng 1). Các rối loạn có thể ở mức độ nhẹ (như run) đến các hội chứng nặng, đe dọa tính mạng. Dựa trên thời gian khởi phát, có thể phân loại các rối loạn vận động thành 3 loại: Cấp tính, bán cấp và muộn.

CÁC RỐI LOẠN CẤP TÍNH

Rối loạn vận động cấp tính có thể xảy ra trong vài phút đến vài ngày sau khi dùng thuốc, bao gồm chứng nằm ngồi không yên, run, hội chứng an thần kinh ác tính, hội chứng serotonin, rối loạn tăng thân nhiệt kiểu Parkinson và rối loạn trương lực cơ cấp.

Nằm ngồi không yên

Chứng nằm ngồi không yên (akathisia) là rối loạn vận động khá phổ biến, nhưng thường bị xem nhẹ. Chứng này có thể xảy ra cấp tính, bán cấp hoặc muộn, với các biểu hiện bao gồm cảm giác bồn chồn, dễ bị kích thích, căng thẳng, nhưng không nhất thiết phải thể hiện thành các dấu hiệu thực thể. Nằm ngồi không yên khác với hội chứng chân không nghỉ (restless leg syndrome) thường có mức độ nghiêm trọng hơn và các biểu hiện thường nặng hơn về đêm. Các thuốc đã được ghi nhận liên quan đến chứng nằm ngồi không yên bao gồm thuốc ức chế thụ thể dopamin, thuốc ức chế tái thu hồi chọn lọc serotonin (SSRI), thuốc chống động kinh và cocain. Phản ứng có hại này có thể xảy ra sau khi bắt đầu sử dụng thuốc ức chế thụ thể dopamin, tăng liều hoặc chuyển sang dùng thuốc thay thế.

Chứng nằm ngồi không yên thường cải thiện sau khi ngừng thuốc nghi ngờ. Các nhóm thuốc đã được sử dụng để xử trí phản ứng này bao gồm thuốc kháng cholinergic, thuốc chẹn beta, các benzodiazepin, mantadin, mirtazapin và clonidin. Tuy nhiên, tuy nhiên hiệu quả xử trí còn dao động và ít được hỗ trợ bởi các bằng chứng tin cậy.

Run

Run (tremor) do thuốc có thể là run tư thế, vận động hoặc cả hai. Phản ứng này thường đối xứng và xảy ra cấp tính sau khi dùng thuốc hoặc tăng liều. Một trường hợp ngoại lệ là run thứ phát do valproat, có thể xảy ra trong giai đoạn điều trị ổn định hoặc xuất hiện muộn (hiếm gặp). Nhiều thuốc có thể gây run thứ cấp, bao gồm SSRI, lithi, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc chống động kinh (đặc biệt là valproat), thuốc giãn phế quản, amiodaron và thuốc ức chế miễn dịch. Cần chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân gây run khác như bệnh Parkinson, run vô căn hoặc cường giáp.

Các biện pháp xử trí run bao gồm hiệu chỉnh liều dùng hoặc ngừng thuốc nghi ngờ (nếu có thể), hoặc chuyển sang dùng thuốc thay thế. Nếu cần tiếp tục sử dụng thuốc nghi ngờ gây run, cần tư vấn kỹ cho bệnh nhân về lợi ích và nguy cơ khi dùng thuốc; đồng thời, có thể cân nhắc dùng các thuốc điều trị run vô căn (như propanolol).

Hội chứng serotonin

Hội chứng serotonin (serotonine syndrome) thứ cấp xuất hiện khi sử dụng các thuốc làm tăng hoạt tính serotonin (bảng 1). Tương tự các hội chứng an thần kinh ác tính khác, hội chứng seretonin có thể xảy ra với mức độ nhẹ hoặc thậm chí đe dọa tính mạng. Các biểu hiện lâm sàng của hội chứng này bao gồm:

– Thay đổi trạng thái tâm thần;

– Các dấu hiệu quá kích thích thần kinh trung ương:

+ Rối loạn vận động, bao gồm rung giật cơ, run, nằm ngồi không yên;

+ Tăng phản xạ bất thường, rung giật, liệt cứng (spasticity) hoặc cứng đờ (rigidity), co giật.

– Rối loạn thần kinh thực vật, bao gồm giãn đồng tử, sốt, nhịp tim nhanh.

Thay đổi trạng thái tâm thần, rối loạn thần kinh thực vật, và liệt cứng hoặc cứng đờ kèm theo tăng creatin kinase là các dấu hiệu chồng lấp với hội chứng an thần kinh ác tính. Với hội chứng serotonin, quá trình khởi phát thường xảy ra rất nhanh, trong vòng vài giờ thay vì vài ngày, và các dấu hiệu quá kích thích thần kinh trung ương thường nổi bật hơn.

Xử trí:

Biện pháp xử trí ưu tiên bao gồm ngừng thuốc nghi ngờ và chăm sóc hỗ trợ. Trong trường hợp hội chứng serotonin xảy ra ở mức độ ít nghiêm trọng, có thể dùng cyproheptadin, nếu có đáp ứng lâm sàng thì tiếp tục sử dụng đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Với trường hợp nặng, có thể sử dụng các thuốc như benzodiazepin, thuốc đối kháng thụ thể 5-hydroxytryptamin 2 (như clorpromazin hoặc olanzapin).

Rối loạn tăng cao thân nhiệt kiểu Parkinson

Rối loạn tăng cao thân nhiệt kiểu Parkinson (Parkinsonism-hyperpyrexia disorder), còn gọi là cơn bất động, là một biến chứng hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong của bệnh Parkinson. Các triệu chứng bao gồm diễn biến nặng lên của hội chứng Parkinson (có thể kèm theo bệnh não), tăng cao thân nhiệt, rối loạn thần kinh thực vật và tăng creatin kinase. Rối loạn này thường gặp nhất ở bệnh nhân ngừng hoặc giảm liều thuốc điều trị Parkinson. Nhiễm khuẩn hoặc các rối loạn chuyển hóa khác có thể thúc đẩy khởi phát tình trạng này. Các biểu hiện lâm sàng của rối loạn này có thể chồng lấp với hội chứng an thần kinh ác tính. Cần chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân khác như nhiễm khuẩn, các bất thường chuyển hóa, hoặc đột quỵ. Thời gian hồi phục có thể kéo dài từ vài giờ đến vài tuần sau khi xử trí.

Xử trí:

Biện pháp xử trí chính bao gồm sử dụng lại thuốc điều trị Parkinson. Do chứng khó nuốt thường xuất hiện trên bệnh nhân mắc hội chứng Parkinson nghiêm trọng, thuốc thường phải sử dụng qua sonde dạ dày. Có thể cân nhắc tiêm ngắt quãng hoặc truyền liên tục apomorphin trong trường hợp phản ứng ở mức độ trung bình hoặc nặng.

Loạn trương lực cơ cấp tính

Loạn trương lực cơ cấp tính (acute dystonic reactions) chủ yếu xảy ra ở bệnh nhân trẻ tuổi và xuất hiện sớm sau khi dùng thuốc ức chế thụ thể dopamin, trong đó có thuốc chống nôn (như metoclopramid, procloperazin) và thuốc chống loạn thần. Đặc trưng của rối loạn này là co cứng cơ đầu cổ cấp tính, ngoài ra có thể xuất hiện cơn vận nhãn, tình trạng co cứng thân dẫn đến tư thế ưỡn cong, rối loạn trương lực cơ chân tay. Loạn trương lực cơ thanh quản cấp tính có thể dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp, đe dọa tính mạng và cần cấp cứu ngay lập tức.

Xử trí:

Ngừng thuốc nghi ngờ, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp thuốc kháng cholinergic (benzatropin hoặc trihexyphenidyl hydroclorid). Do thuốc dùng đường tiêm tĩnh mạch có thời gian bán thải ngắn, cần dùng thêm một đợt điều trị ngắn thuốc kháng cholinergic đường uống sau đó. Các benzodiazepin cũng có thể được sử dụng. Không tái sử dụng thuốc nghi ngờ vì nguy cơ tái phát phản ứng loạn trương lực cơ. Cần tư vấn để bệnh nhân biết về nguy cơ này.

Hội chứng an thần kinh ác tính

Hội chứng an thần kinh ác tính (neuroleptic malignant syndrome) là phản ứng có hại có khả năng đe dọa tính mạng, gây ra do thuốc chống loạn thần điển hình và không điển hình cũng như các thuốc kháng thụ thể dopamin khác, bao gồm tetrabenazin, lithi và thuốc chống nôn như metoclopramid. Gần đây, tiêu chuẩn chẩn đoán dựa trên đồng thuận Delphi đã được đưa ra, bao gồm:

Dùng thuốc đối kháng thụ thể dopamin hoặc ngừng dùng thuốc chủ vận thụ thể dopamin trong vòng 72 giờ trước đó;

Sốt (ít nhất 2 đợt sốt trên 38oC);

Cứng đờ;

Thay đổi trạng thái tâm thần;

Tăng creatin kinase;

Rối loạn thần kinh thực vật (bao gồm tăng chuyển hóa: Nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh);

Loại trừ nguyên nhân khác.

Ngoài tăng creatin kinase, xét nghiệm cũng cho thấy tăng bạch cầu, rối loạn điện giải, suy thận, xét nghiệm chức năng gan bất thường và rối loạn đông máu. Hội chứng cũng có thể xảy ra ở mức độ nhẹ hơn và không có các biểu hiện lâm sàng trên.

Cần có các bác sĩ chuyên khoa đánh giá để chẩn đoán phân biệt (như hội chứng serotonin) và chẩn đoán xác định. Ví dụ, hội chứng serotonin thường khởi phát cấp tính hơn hội chứng an thần kinh ác tính. Trong hội chứng an thần kinh ác tính, bệnh nhân thường bị cứng đờ; còn rung giật cơ, tăng phản xạ bất thường kèm giật rung, và giãn đồng tử thường gặp hơn ở hội chứng serotonin.

Xử trí:

Bệnh nhân cần nhập viện điều trị ngay nếu nghi ngờ gặp hội chứng an thần kinh ác tính. Biện pháp xử trí bao gồm gồm ngừng ngay thuốc nghi ngờ, chăm sóc hỗ trợ (có thể chăm sóc tích cực trong trường hợp nặng), dùng thuốc tác dụng trên hệ dopaminergic như bromocriptin. Có thể tiêm dưới da apomorphin. Có thể sử dụng benzodiazepin để giảm tình trạng tiêu cơ vân và cải thiện tình trạng cứng đờ.

Hội chứng thường đạt trạng thái ổn định sau đó cải thiện trong vòng 2-3 tuần sau khi khởi phát. Do đó, cần tiếp tục sử dụng bromocriptin trong vài tuần để chắc chắn hội chứng đã hồi phục. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa tâm thần khi xem xét tái sử dụng thuốc chống loạn thần cho bệnh nhân.

CÁC RỐI LOẠN BÁN CẤP TÍNH

Rối loạn bán cấp tính do thuốc có thể xảy ra trong vài ngày đến vài tuần sau khi sử dụng thuốc. Một số hội chứng được liệt kê ở bảng 1 có thể xảy ra bán cấp tính. Các rối loạn này thường có đáp ứng khi ngừng thuốc nghi ngờ.

Hội chứng Parkinson

Hội chứng Parkinson do thuốc (parkinsonism) đặc trưng bởi vận động chậm, cứng đờ và rối loạn tư thế. Thuốc là nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây ra hội chứng Parkinson sau bệnh Parkinson tự phát. Một số thuốc liên quan được liệt kê trong bảng 1.

Khác với bệnh Parkinson tự phát, hội chứng Parkinson do thuốc thường có biểu hiện cứng đờ mất vận động có tính chất đối xứng, khởi phát sau khi sử dụng thuốc vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Hội chứng này đáp ứng kém với thuốc điều trị Parkinson điển hình (như levodopa, thuốc chủ vận thụ thể dopamin và thuốc kháng cholinergic). Việc ngừng thuốc nghi ngờ thường giúp các triệu chứng hồi phục hoàn toàn.

Một số độc chất cũng có thể gây ra hội chứng Parkinson, bao gồm 1-methyl-4-phenyl-1,2,3,6-tetrahydropyridin (MPTP), thuốc trừ sâu phospho hữu cơ, mangan, methanol, cyanid, carbon monoxid, carbon disulfit. Khác với thuốc, các độc tố thường phá hủy cấu trúc hạch nền không hồi phục, có thể quan sát được trên kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI).

Rối loạn vận động do levodopa

Levodopa là nguyên nhân phổ biến gây rối loạn vận động (levodopa-induced dyskinesia) ở bệnh nhân Parkinson. Cơ chế của rối loạn này nhiều khả năng do tương quan giữa giảm số lượng thụ thể dopamin và đáp ứng của cơ thể đối với levodopa, hơn là chỉ do quá liều levodopa. Các yếu tố nguy cơ của rối loạn vận động bao gồm khởi phát bệnh Parkinson khi còn trẻ, dùng levodopa liều cao, cân nặng thấp, tình trạng bệnh nặng. Khai thác chi tiết tiền sử giúp xác định thời điểm khởi phát và khoảng thời gian xảy ra rối loạn vận động, từ đó làm căn cứ để hiệu chỉnh liều levodopa.

Tùy thuộc thời gian xảy ra rối loạn vận động, thường có thể giảm liều dùng levodopa mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị. Với rối loạn vận động nhẹ, không gây khó chịu cho bệnh nhân và không ảnh hưởng đến các chức năng của cơ thể, có thể không cần hiệu chỉnh liều levodopa. Có thể sử dụng amantadin để kiểm soát rối loạn vận động do levodopa. Với bệnh nhân ở giai đoạn sau của bệnh, cần chuyển bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa để xem xét việc điều trị bằng các thiết bị hỗ trợ.

RỐI LOẠN VẬN ĐỘNG MUỘN

Rối loạn vận động muộn (tardive disorders) do thuốc xảy ra trong thời gian sử dụng thuốc, hoặc sau khi ngừng thuốc vài tuần, và kéo dài ít nhất 1 tháng. Thời gian dùng thuốc tối thiểu là 3 tháng, hoặc 1 tháng với bệnh nhân trên 60 tuổi. Các thuốc thường gây rối loạn này bao gồm thuốc chống loạn thần, thuốc chống nôn (metoclopramid và procloperazin), một số thuốc chẹn kênh calci có đặc tính chẹn thụ thể dopamin (cinnarizin và flunarizin).

Rối loạn vận động muộn bao gồm loạn vận động (điển hình là rối loạn vận động miệng – lưỡi), rối loạn định hình (kiểu vận động lặp đi lặp lại không có mục đích), nằm ngồi không yên, loạn trương lực cơ (cục bộ, phân đoạn hay toàn thể), rung giật cơ, run và máy cơ. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể mắc hội chứng Parkinson muộn. Ở trẻ em, rối loạn vận động có thể xuất hiện khi ngừng thuốc đột ngột sau khi sử dụng thuốc chống loạn thần một thời gian dài. Tái sử dụng thuốc có thể giúp giảm rối loạn này. Liều dùng sau đó có thể được giảm từ từ.

Xử trí:

Hiện chưa có bằng chứng đáng tin cậy về việc xử trí rối loạn vận động muộn do thuốc. Biện pháp xử trí thường bao gồm ngừng thuốc nghi ngờ và thử kết hợp các thuốc khác nhau. Clonazepam tỏ ra có hiệu quả cho chứng rung giật cơ. Trong một số trường hợp, cần tái sử dụng thuốc nghi ngờ hoặc chuyển sang dùng một thuốc chống loạn thần không điển hình. Ưu tiên dùng clozapin ở bệnh nhân rối loạn tâm thần mạn tính. Gần đây, một lựa chọn điều trị khác đã được đề xuất là thuốc ức chế kênh vận chuyển monoamin trong tế bào 2 (VMAT2) như deutetrabenazin và valbenazin. Các thuốc đường uống khác cũng đã được kiểm chứng lâm sàng bao gồm tetrabenazin, amantadin, propranolol.

Các chất chống oxy hóa, bao gồm vitamin E, vitamin B6 và Ginkgo biloba cũng đang được nghiên cứu. Các ghi nhận về hiệu quả của vitamin E còn mâu thuẫn. Vitamin B6 và Ginkgo biloba có thể có hiệu quả trong điều trị rối loạn vận động muộn. Cần thận trong khi dùng Ginkgo biloba do thuốc có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, đặc biệt ở bệnh nhân đang dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc thuốc chống đông. Thuốc kháng cholinergic cũng được đề xuất sử dụng để ngăn ngừa hoặc hạn chế mức độ nghiêm trọng của rối loạn vận động do thuốc, nhưng chưa có bằng chứng về hiệu quả của cách dùng này.

Tiêm độc tố botulinum có thể có hiệu quả trong điều trị loạn trương lực cơ muộn thể cục bộ. Kỹ thuật kích thích não sâu, nhắm vào nhân bèo nhạt, có thể có hiệu quả trong các trường hợp nghiêm trọng.

CÁC CHẤT GÂY NGHIỆN SỬ DỤNG BẤT HỢP PHÁP

Rối loạn vận động thứ cấp do thuốc bất hợp pháp thường cấp tính và tự giới hạn, nhưng đôi khi có thể đe dọa tính mạng (bảng 2). Cocain ức chế tái hấp thu dopamin, do đó kích thích tăng dẫn truyền dopaminergic. Amphetamin gây kích thích catecholaminergic, nhưng nếu dùng lâu dài sẽ dẫn đến cạn kiệt dopamin và có khả năng phá hủy chất đen. 3,4-methylendioxymethamphetamin (MDMA) có thể gây ra hội chứng Parkinson và một hội chứng tương tự hội chứng serotonin.

Rối loạn vận động do thuốc thường xảy ra sau khi sử dụng thuốc, nhưng cũng có thể xảy ra khi ngừng thuốc. Thông thường, các triệu chứng của rối loạn vận động thường giảm đi khi ngừng thuốc, nhưng cũng có thể kéo dài đến vài tháng. Chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cho rối loạn vận động do sử dụng thuốc bất hợp pháp.

KẾT LUẬN

Rối loạn vận động là một phản ứng có hại phổ biến, đôi khi đe dọa tính mạng và có thể do nhiều thuốc gây ra. Thuốc thường gặp nhất gây rối loạn này là thuốc ức chế thụ thể dopamin. Bệnh nhân thường dùng đồng thời nhiều thuốc có thể gây rối loạn vận động, gây khó khăn cho việc xác định thuốc thực sự gây ra phản ứng này. Việc chẩn đoán đòi hỏi cần có kiến thức về các rối loạn vận động điển hình, các hội chứng có thể xuất hiện và thời gian xuất hiện khi dùng những nhóm thuốc khác nhau. Điều này đóng vai trò quan trọng vì phần lớn các biện pháp xử trí rối loạn vận động do thuốc là ngừng thuốc nghi ngờ, có thể kết hợp với các biện pháp điều trị hỗ trợ hoặc điều trị bằng thuốc.

COPD: Giới thiệu những điểm chính trong hướng dẫn cập nhật của NICE

 Nguyễn Diệp Anh, Cao Thị Thu Huyền tổng hợp

Tóm tắt

Bản cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở bệnh nhân người lớn (Chronic obstructive pulmonary disease in over 16s: diagnosis and management) được công bố tháng 12/2018 của Viện Y tế và Chăm sóc sức khoẻ Quốc gia Anh (NICE) đã đề cập đến nhiều khía cạnh lâm sàng quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bên cạnh đó, bản cập nhật này cũng thừa nhận rằng một số bằng chứng vẫn còn thiếu hoặc chưa rõ ràng, từ đó đưa ra khuyến cáo tiếp tục tiến hành thêm các nghiên cứu liên quan.

Nội dung bài

Tháng 12/2018, Viện Y tế và Chăm sóc sức khoẻ Quốc gia Anh (NICE) đã công bố bản cập nhật được chờ đợi từ lâu của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đối với bệnh nhân người lớn được đưa ra từ năm 2010. Đã có một khoảng cách lớn về thời gian giữa bản cập nhật này và phiên bản năm 2010, cũng như so với các hướng dẫn khác như hướng dẫn của tổ chức Sáng kiến Toàn cầu cho Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (GOLD) được ban hành và cập nhật thường xuyên hơn. Các hướng dẫn này tỏ ra rất hữu ích trong việc cá thể hóa điều trị cho bệnh nhân. Bài viết này sẽ trình bày tóm tắt những thay đổi quan trọng trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COPD ở bệnh nhân người lớn mới được cập nhật của NICE.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COPD ở bệnh nhân người lớn được công bố tháng 12/2018 của NICE đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của việc chẩn đoán chắc chắn dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xác nhận thông qua đo chức năng thông khí phổi được thực hiện bởi cán bộ y tế được đào tạo bài bản (thường xuyên được rèn luyện kỹ năng và đủ điều kiện để phiên giải kết quả). Quá trình này bao gồm thu thập thông tin về tiền sử đợt cấp, loại trừ các tình trạng như hen/ung thư và cân nhắc các chẩn đoán thay thế như bệnh lý di truyền liên quan đến thiếu hụt alpha-1 antitrypsin. Việc chẩn đoán cũng nên được xem xét đối với những người có triệu chứng COPD mà có kết quả đo chức năng thông khí phổi bình thường. Không nên sử dụng corticosteroid đường uống để kiểm tra khả năng đảo ngược hoặc dự đoán đáp ứng của corticosteroid dạng hít (ICS) trên bệnh nhân.

Các chuyên gia đầu ngành và nghiên cứu mới gợi ý đến các thể bệnh khác nhau (bệnh nhân bị đợt cấp thường xuyên hoặc có triệu chứng dai dẳng). Tuy nhiên, vị trí của phác đồ gồm 3 thuốc hít (sử dụng phối hợp chất chủ vận beta tác dụng kéo dài (LABA), chất đối kháng muscarinic tác dụng kéo dài (LAMA) và ICS), quản lý thể chồng lấp hen – COPD, vai trò của bạch cầu ái toan (eosinophil) và vai trò của kháng sinh nhóm macrolid trong điều trị cũng là những vấn đề quan trọng cần được xem xét, nhưng cần có thêm dữ liệu dài hạn hơn để đưa ra khuyến cáo trên lâm sàng trong tương lai. Những điểm cập nhật của hướng dẫn này:

Đánh giá cận lâm sàng, bao gồm các phát hiện ngẫu nhiên khi chụp CT – rà soát lại về chăm sóc ban đầu, hướng dẫn bệnh nhân quay lại tái khám nếu xuất hiện các triệu chứng hô hấp, yêu cầu ngừng hút thuốc lá và trao đổi về nguy cơ ung thư phổi.

Tiên lượng: tránh sử dụng các chỉ số kết hợp như BODE để đánh giá tiên lượng.

Liệu pháp hít: trao đổi về nguy cơ viêm phổi và sử dụng ICS cho bệnh nhân. Giảm thiểu số lượng và các loại thuốc hít được sử dụng và đảm bảo bệnh nhân được hướng dẫn sử dụng đầy đủ.

Thuốc kháng phosphodiesterase 4 đường uống được đề cập trong hướng dẫn mới này phù hợp với đánh giá công nghệ y tế năm 2017 liên quan của NICE.

Kháng sinh dự phòng: khuyến cáo (chưa được phê duyệt chỉ định) về việc sử dụng azithromycin.

Liệu pháp oxy: xem xét sự phù hợp của bệnh nhân và nguy cơ khi chỉ định (bao gồm trong đợt cấp hoặc cấp cứu) và cân nhắc sử dụng trong trường hợp tăng áp lực phổi (lưu ý, đây không phải biện pháp điều trị khó thở và không có hiệu quả với tình trạng thiếu oxy máu về đêm đơn độc do COPD).

Kiểm soát tăng áp lực phổi và bệnh lý tim do phổi (cor pulmonale): khuyến cáo về các biện pháp tối ưu hóa.

Phẫu thuật và các thủ thuật giảm dung tích phổi (LVR): cập nhật hướng dẫn về tăng thông khí.

Kế hoạch tự quản lý và quản lý đợt cấp: tăng cường sự phối hợp giữa người bệnh và cán bộ y tế.

Những cập nhật này bổ sung cho các khuyến cáo hiện có về:

Chẩn đoán COPD dựa trên triệu chứng, đo chức năng thông khí phổi và các xét nghiệm khác.

Quản lý COPD thể ổn định sử dụng liệu pháp khí dung, đường uống và phục hồi chức năng phổi.

Quản lý COPD thể ổn định theo nhiều phương diện khác nhau, bao gồm vật lý trị liệu, liệu pháp nghề nghiệp, dinh dưỡng và chăm sóc giảm nhẹ.

Quản lý đợt cấp COPD trong chăm sóc ban đầu và tại bệnh viện.

NICE đã xây dựng một sơ đồ tóm tắt kèm theo hướng dẫn trên về các biện pháp xử trí không dùng thuốc và các phác đồ thuốc giãn phế quản (hình 1). Bản Hướng dẫn năm 2010 đã hướng bệnh nhân đến việc sử dụng phác đồ phối hợp 3 thuốc (LABA, LAMA và ICS), đồng thời nhấn mạnh vai trò của FEV1 (thể tích khí thở ra gắng sức trong 1 giây đầu tiên) để định hướng sử dụng thuốc hít. Liệu trình điều trị sớm được bắt đầu với một thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn, sau đó là một thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (các bằng chứng cho thấy đối với lựa chọn đầu tay, LAMA vượt trội hơn LABA do tỷ lệ xuất hiện đợt cấp và tác dụng không mong muốn mà bệnh nhân gặp phải ít hơn, đặc biệt ở bệnh nhân COPD mức độ vừa đến nặng), lên thang điều trị bằng sử dụng phối hợp 2 thuốc tác dụng kéo dài và sau đó bổ sung thêm một ICS (gợi ý dựa trên ý kiến chuyên gia). Hiện nay, thực tế điều trị cho thấy ICS không có hiệu quả trên một số bệnh nhân. Hướng dẫn mới tháng 12/2018 vẫn khuyến cáo nên bắt đầu liệu pháp hít với một thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn, nhưng tiếp đó là phác đồ 2 thuốc tác dụng kéo dài.

Hướng dẫn mới không dựa vào FEV1 để điều chỉnh liệu pháp điều trị. Một thay đổi mấu chốt là mặc dù vẫn bắt đầu bằng một thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn, nhưng bước tiếp theo là sử dụng bộ đôi thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (LABA + LAMA) thay vì dùng đơn độc một thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài. Ở bệnh nhân có biểu hiện của hen, phác đồ gồm 2 thuốc sẽ được bắt đầu bằng ICS kết hợp với LABA thay vì LABA/LAMA [trong đó, các đặc điểm (hoặc đặc điểm của hen) gợi ý đáp ứng với steroid trong trường hợp này bao gồm chẩn đoán xác định hen phế quản hoặc bệnh lý dị ứng trước đó, tăng số lượng bạch cầu ái toan trong máu, thay đổi đáng kể FEV1 theo thời gian (ít nhất 400 ml) hoặc dao động đáng kể giá trị trong ngày của lưu lượng đỉnh thở ra (PEF) (ít nhất 20%)].

Bệnh nhân sử dụng thuốc tác dụng kéo dài nằm ngoài phạm vi các khuyến cáo trong Hướng dẫn tháng 12/2018 có thể tiếp tục phác đồ điều trị hiện tại và đổi thuốc sau khi được đánh giá và thống nhất ý kiến với một bác sĩ khác.

XỬ TRÍ KHÔNG DÙNG THUỐC

Bên cạnh bất kỳ can thiệp nào về thuốc và trước khi lên thang điều trị, nên tối ưu hóa các biện pháp sau:

  • Phục hồi chức năng phổi, đặc biệt khuyến khích hoạt động thể chất để giảm thiểu tình trạng mất/yếu cơ (yếu tố làm tăng nguy cơ tử vong).
  • Chế độ ăn uống – dinh dưỡng tối ưu và sử dụng thực phẩm bổ sung nếu cần.
  • Liệu pháp về xã hội/nghề nghiệp để duy trì sự độc lập và khả năng hoạt động của người bệnh trong cuộc sống hàng ngày.
  • Hỗ trợ tâm lý khi người bệnh gặp lo âu và trầm cảm +/- điều trị bằng thuốc nếu cần.
  • Các kỹ thuật kiểm soát hơi thở để hỗ trợ tiết kiệm năng lượng, đồng thời giảm bớt sự hoảng sợ/lo lắng cho người bệnh.
  • Sử dụng quạt cầm tay có thể giúp người bệnh giảm khó thở.

XỬ TRÍ CÓ DÙNG THUỐC

  • Bắt đầu bằng các liệu pháp thuốc hít phù hợp với giai đoạn bệnh (lưu ý, những bệnh nhân có biểu hiện của hen nên sử dụng một ICS phối hợp với một LABA).
  • Ngừng hút thuốc lá có thể mang lại lợi ích trong hầu hết các bệnh lý và nên được coi là một “biện pháp điều trị”. Các nghiên cứu ở Anh và một số nước khác đã chứng minh rằng hỗ trợ thay đổi hành vi phối hợp với sử dụng thuốc (liệu pháp thay thế nicotin, bupropion hoặc vareniclin) đem lại hiệu quả cao trong việc giúp bệnh nhân bỏ thuốc.
  • Tiêm vắc xin cúm hàng năm và vắc xin phế cầu 5 năm/lần để giảm thiểu tỷ lệ mắc nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Có thể cân nhắc thử sử dụng thuốc tiêu chất nhầy (theo kinh nghiệm trong 4-6 tuần) cho bệnh nhân ho có đờm mạn tính, nhưng nên ngừng sử dụng nếu thuốc không có hiệu quả và thận trọng với bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày.
  • Theophylin đường uống có thể đem lại lợi ích cho bệnh nhân vẫn còn khó thở mặc dù đã sử dụng thuốc hít, hoặc cho những người không thể sử dụng thuốc hít (chú ý nguy cơ tương tác và yêu cầu theo dõi huyết tương).
  • Roflumilast (thuốc đối kháng phosphodiesterase IV) có thể được sử dụng để bổ trợ cho bệnh nhân COPD nặng liên quan đến viêm phế quản mạn tính và thường xuyên gặp đợt cấp.
  • Đánh giá liệu pháp oxy dài ngày/cấp cứu ở bệnh nhân không hút thuốc bị thiếu oxy mạn tính mức độ nặng (đánh giá nguy cơ trên bệnh nhân và các yếu tố khác khi kê đơn). Oxy nên được cung cấp >15 giờ/ngày; liệu pháp oxy dài ngày không có hiệu quả với tình trạng thiếu oxy máu về đêm đơn độc do COPD.
  • Kháng sinh dự phòng (azithromycin) có thể làm giảm đợt cấp ở những bệnh nhân không hút thuốc, đã tối ưu hóa các can thiệp khác mà vẫn có nhiều hơn 1 trong số các đặc điểm sau: thường xuyên gặp đợt cấp (>4 đợt cấp/năm) kèm theo tiết đờm, đợt cấp kéo dài có tiết đờm hoặc đợt cấp dẫn đến nhập viện. Chú ý, liệu pháp này chưa được phê duyệt và cần phải theo dõi trước và trong suốt quá trình điều trị (bảng 1).
  • Lorazepam liều thấp (0,5 mg) điều trị lo âu và morphin sulphat dạng lỏng (2,5 mg) đối với khó thở chỉ đem lại lợi ích ở giai đoạn cuối của bệnh do người bệnh có thể gặp các cơn hoảng loạn.

Bảng 1: Lưu ý khi sử dụng azithromycin dự phòng đợt cấp COPD

 

LƯU Ý KHÁC

  • Tuân thủ điều trị: hiểu được các rào cản đối với tuân thủ điều trị của bệnh nhân, tối ưu hoá việc sử dụng thuốc gắn với nhận thức của bệnh nhân, các vấn đề thực tế để sống chung với bệnh và tác động của việc tuân thủ điều trị tới hành vi dùng thuốc của bệnh nhân.
  • Các thuốc dạng hít phù hợp nhất với bệnh nhân, thích hợp cho đường hô hấp, cách phối hợp các động tác và kỹ năng, … – kỹ thuật dùng thuốc được kiểm tra và điều chỉnh bởi nhân viên y tế đã được đào tạo, đảm bảo thuốc được giữ lại tối đa trong phổi (hỗ trợ thêm bằng sử dụng buồng đệm với bình xịt định liều (MDI)). Sử dụng phối hợp các thuốc dạng hít để giảm thiểu việc sử dụng đồng thời quá nhiều thuốc.
  • Trao quyền và giáo dục bệnh nhân và tư vấn cho nhân viên y tế (bao gồm cùng nhau lập kế hoạch tự điều trị, chiến lược quản lý đợt cấp và lên thang điều trị) về các thông tin hỗ trợ, giải pháp kỹ thuật số và nguồn thông tin đáng tin cậy (như của Tổ chức Phổi Anh quốc (British Lung Foundation)).
  • Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí (trong nhà và ngoài trời) tới bệnh nhân.
  • Tác động lên môi trường: chất thải/tái chế, dấu vết carbon và sự phá huỷ tầng ozon gây ra bởi chất đẩy hydrofluoroalkan trong các MDI.
  • Hút thuốc thụ động: các thành viên khác trong gia đình hút thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân và có thể cần được can thiệp để ngừng hút thuốc lá.
  • Tình trạng đa bệnh lý và sức khỏe kém có thể khiến bệnh nhân cần sử dụng nhiều thuốc và ảnh hưởng đến khả năng tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
  • Thảo luận sớm với bệnh nhân về hỗ trợ chăm sóc giảm nhẹ.

KẾT LUẬN

Bản cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COPD ở bệnh nhân người lớn được công bố tháng 12/2018 của NICE nhắc lại tầm quan trọng của các biện pháp không dùng thuốc để hỗ trợ phương pháp điều trị tổng thể trước khi lên thang điều trị. Hướng dẫn thừa nhận sự cần thiết của các chuyên gia y tế có trình độ phù hợp để chẩn đoán, theo dõi và đánh giá bệnh nhân COPD trong suốt quá trình điều trị. Điều này giúp trao quyền cho các cán bộ đa ngành (như các nhà vật lý trị liệu và dược sĩ) để mở rộng vai trò hiện tại, cho phép bệnh nhân tiếp cận tốt hơn với việc đánh giá, hỗ trợ và tư vấn đầy đủ liên quan đến quá trình điều trị.

Hướng dẫn mới quan tâm nhiều hơn đối với việc sử dụng ICS. Hiện nay, chế phẩm gồm 3 thuốc hít cố định liều đã có mặt trên thị trường và vai trò của liệu pháp 3 thuốc hít ngày càng rõ ràng hơn. Hướng dẫn này khuyến khích việc kê đơn theo cách có trách nhiệm và hiệu quả hơn về kinh tế, bao gồm cả việc cải thiện tuân thủ điều trị và hạn chế chất thải ra môi trường, từ đó có thể trở thành cơ sở cho việc nâng cao chất lượng điều trị.

Hiệu quả của việc sử dụng kháng sinh macrolid dài ngày vẫn chưa rõ ràng, cả về độ an toàn và hiệu quả lâm sàng, trong khi chưa có nghiên cứu nào kéo dài trên 1 năm công bố về vấn đề này. Bên cạnh đó, còn có quan ngại về việc gia tăng tình trạng kháng kháng sinh. Can thiệp này được kỳ vọng sẽ có ít tác động lên chi phí điều trị nói chung, nhưng có thể làm giảm số đợt cấp và chi phí liên quan đến việc sử dụng nguồn lực y tế. Bệnh nhân sẽ cần được theo dõi chặt chẽ, kết hợp với tăng cường tư vấn và báo cáo các tác dụng không mong muốn xảy ra cho trung tâm theo dõi phản ứng có hại của thuốc.

Hướng dẫn mới đã giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến lâm sàng hiện nay trong chẩn đoán và quản lý bệnh nhân mắc COPD. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bằng chứng vẫn còn thiếu hoặc chưa rõ ràng trong một số lĩnh vực và cần tiến hành thêm các nghiên cứu để làm rõ các vấn đề liên quan.

Mặc dù COPD chưa có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng nếu áp dụng theo hướng dẫn trên kết hợp với đảm bảo chất lượng điều trị, có thể giúp ngăn ngừa khả năng tử vong sớm ở người bệnh. Bệnh nhân COPD cũng có thể có kinh nghiệm tự chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn và có thể cùng cán bộ y tế đưa ra các quyết định điều trị giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và chăm sóc giảm nhẹ.

Tài liệu tham khảo

1. BMJ 2019;366:l4486; 2. COPD: Overview of updated NICE guidance, https://hospitalpharmacyeurope.com, tháng 7/2019.

HIỆU QUẢ CỦA GLUCOSAMIN TRONG ĐIỀU TRỊ ĐAU XƯƠNG KHỚP

Nguyễn Phương Thúy, Nguyễn Hoàng Anh

Nội dung bài

1. Nguồn gốc

Glucosamin là một amino – mono – saccharid có nguồn gốc nội sinh, là một thành phần giúp tổng hợp glycosaminoglycan cấu tạo nên mô sụn trong cơ thể. Glucosamin được tổng hợp bởi cơ thể nhưng khả năng đó giảm đi theo tuổi tác. Glucosamin trên thị truờng có nguồn gốc từ vỏ tôm cua, động vật biển và có 3 dạng glucosamin dùng trong điều trị là glucosamin sulfat, glucosamin hydrochorid và N-Acetylglucosamin, trong đó dạng muối sulfat được cho là có hiệu quả nhất. Dược điển Mỹ 32 có chuyên luận glucosamin sulfat natri clorid [1].

Chondroitin sulfat là hợp chất hữu cơ thuộc nhóm mucopolysaccharid hay còn gọi là nhóm proteoglycan, được cấu tạo bởi chuỗi dài gồm nhiều đơn vị kết hợp đuờng và protein. Trong cơ thể, chondroitin sunfat là thành phần tìm thấy ở sụn khớp, xương, da, giác mạc mắt và thành các động mạch. Để dùng làm thuốc, chondroitin sulfat được lấy từ sụn súc vật là lợn, bò, sụn cá mập (shark cartilage).

2. Tính hiệu quả trong điều trị viêm xương khớp của glucosamin

Glucosamin và các muối của nó được dùng khá rộng rãi nhu là các sản phẩm được cấp phép hoặc chất hỗ trợ sức khoẻ (health supplements) trong các bệnh viêm xương khớp. Trên thị truờng có nhiều chế phẩm kết hợp glucosamin với các thành phần khác như

chondroitin, các vitamin, khoáng chất và các dược liệu.

Việc glucosamin và các chế phẩm kết hợp của nó được sử dụng khá rộng rãi là do truớc đây đã có những nghiên cứu cho rằng sử dụng glucosamin an toàn và có hiệu quả làm giảm đau và cải thiện chức năng trong bệnh viêm khớp xương mãn tính. Tuy vậy, qua các phân tích gộp (phân tích meta) về các nghiên cứu có đối chứng placebo (giả dược) ngẫu nhiên đã kết luận: sở dĩ có nhận định về tác dụng của glucosamin như trên là do có thiếu sót về phương pháp thiết kế nghiên cứu và đôi khi là sự thiên vị trong công bố kết quả đã dẫn đến sự thổi phồng về những lợi ích tiềm năng của glucosamin [3], [4].

Từ truớc đến nay có nhiều nghiên cứu đưa ra những kết luận trái chiều nhau về tính hiệu quả trong điều trị viêm xương khớp của glucosamin. Năm 2007, các nhà khoa học của Đại học Y khoa Boston (Mỹ) đã tiến hành một nghiên cứu để tìm lý do khiến cho kết quả của các nghiên cứu về glucosamin lại khác biệt nhau như vậy [5]. Và họ nhận ra rằng phần lớn các nghiên cứu đưa ra kết quả tích cực về glucosamin được tài trợ bởi các nhà sản xuất các chế phẩm glucosamin, trong khi đa số các nghiên cứu được các nhà khoa học trung lập tiến hành thì đều không tìm thấy hiệu quả chữa bệnh của hoạt chất này.

Một loạt các nghiên cứu mới đây, trong đó có nghiên cứu GAIT (The Glucosamine/chondroitin Arthritis Intervention Trial (GAIT)) (2006) [6] thực hiện trên 1583 bệnh nhân có tuổi trung bình 59 với 64% là phụ nữ, được cho là nghiên cứu có thiết kế tốt, đã đưa ra kết luận là glucosamin và chondroitin sulfat dùng một mình hay kết hợp không có hiệu quả giảm đau trong bệnh viêm khớp gối tốt hơn đáng kể so với giả dược. Kết quả nghiên cứu của Sawitzke và cộng sự (2008) đánh giá hiệu quả của glucosamin và chondroitin sulfat trên tình trạng mất dần bề rộng khoang khớp (JSW) trên 572 bệnh nhân bị viêm khớp gối đã đi đến kết luận: không có sự khác nhau có ý nghia thống kê về sự giảm JSW trung bình đã ghi nhận được ở bất kỳ nhóm điều trị nào so với nhóm giả dược sau 24 tháng dùng thuốc [7]. Một nghiên cứu khác của Rozendaal và cộng sự (2008) thực hiện trên 222 bệnh nhân viêm khớp háng đã không nhận thấy ích lợi của việc dùng glucosamin trong 2 năm so với giả dược [8]. Các phân tích gộp (phân tích meta) và tổng quan hệ thống gần đây về các nghiên cứu có đối chứng khi dùng chondroitin sulfat đối với viêm khớp gối hoặc khớp háng đã kết luận là chondroitin chỉ đem lại lợi ích rất nhỏ hoặc không đem lại lợi ích gì so với nhóm dùng đối chứng giả dược [9], [10].

Từ đó có thể thấy các nghiên cứu được thiết kế tương đối bài bản nhất đã đưa ra kết quả không thừa nhận tác dụng của glucosamin và chondroitin sulfat (dùng một mình hay kết hợp cả hai) trên các bệnh nhân viêm xương khớp.

Do các kết quả nghiên cứu về hiệu quả của glucosamin trong điều trị các bệnh viêm xương khớp chưa có đủ bằng chứng thuyết phục nên các chế phẩm glucosamin lưu hành tại Mỹ và Australia chỉ với tư cách là “thực phẩm chức năng” (dietary supplementation). Ngay cả khi chỉ là thực phẩm chức năng với nhiều nới lỏng trong quản lý mức độ hiệu quả và chất lượng của chế phẩm, năm 2004, công ty dược phẩm Rotta (Rottapharm) đề nghị FDA cho phép chính thức công bố thông tin “Bổ sung chế độ ăn hàng ngày với glucosamin sulfat kết tinh làm giảm nguy cơ thoái hoá trong viêm khớp, cũng như đau trong viêm khớp và suy giảm chức năng – Daily dietary supplementation  with crystalline glucosamine sulfate reduces the risk of osteoarthritis, joint structure deterioration and related joint pain and limitation of function” đã không được Hội đồng các chuyên gia của FDA chấp nhận do chưa có đủ bằng chứng khoa học ủng hộ cho công bố đó. FDA đề nghị công ty thay đổi ngôn ngữ công bố là “Bổ sung chế độ ăn với glucosamin sulfat kết tinh làm giảm nguy cơ viêm xương khớp – Dietary supplementation of crystalline glucosamine sulfate reduces the risk of osteoarthritis” [12]. Ngoài ra, trong dược thư Anh (British National Formulary 59) chỉ có duy nhất một áp dụng điều trị được đề cập là “giảm triệu chứng của viêm khớp gối mức độ nhẹ và trung bình”

Qua đó ta có thể thấy glucosamin không thể thay thế được các thuốc điều trị bệnh viêm xương khớp. Hơn nữa, việc sử dụng glucosamin không phải lúc nào cũng đem lại kết quả khả quan và tác dụng điều trị của glucosamin trong bệnh lý viêm xương khớp vẫn còn đang là một vấn đề được tiếp tục tranh cãi.

3. Một số chú ý khi sử dụng glucosamin

a. Tính đa dạng của chế phẩm của glucosamin: glucosamin trên thị truờng có 3 dạng chính: glucosamin sulfat, glucosamin hydrochorid và N-acetylglucosamin. Trong đó chỉ có dạng muối sulfat được sử dụng nhiều nhất trong các nghiên cứu và được cho là mang lại tác dụng tích cực. Điều này chưa chắc đã đúng với 2 dạng còn lại của glucosamin nên cán bộ y tế và người tiêu dùng phải chú ý đến thông tin này trên nhãn của sản phẩm.

b. Hàm lượng: trên thị truờng có nhiều loại glucosamin với hàm lượng rất khác nhau. Trong hầu hết các nghiên cứu, người ta sử dụng tổng liều 1200 – 1500 mg glucosamin thuờng chia 3 lần/ngày. Ngoài ra, nếu kết hợp với chondroitin thì liều được khuyên dùng là 1200mg chia 3 lần/ngày. Nếu sau từ 2 đến 3 tháng không thấy cải thiện tình trạng bệnh thì bệnh nhân nên ngừng thuốc và hỏi ý kiến bác si (dược thư Anh – BNF 59).

c. Nguồn gốc: những chế phẩm glucosamin đang lưu hành trên thị truờng có nhiều nguồn gốc khác nhau, do đó chất lượng của chúng cũng khác nhau. Ở Mỹ, glucosamin chỉ được coi là thực phẩm chức năng nên ít bị kiểm duyệt chặt chẽ về mặt chất lượng. Ngoài ra, ít có các nghiên cứu về tác dụng và hiệu quả cũng như chất lượng của sản phẩm được tiến hành với các chế phẩm glucosamin có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Malayxia – vốn đang có mặt rộng rãi trên thị truờng Việt Nam.

4. Kết luận

Những tác dụng điều trị của glucosamin trên bệnh nhân viêm xương khớp chưa có được những bằng chứng thực sự rõ ràng và vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Khi sử dụng glucosamin cần phải chú ý đến các thông tin về dạng bào chế của glucosamin, về hàm lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Việc dùng glucosamin đủ liều và đủ thời gian cũng rất quan trọng để có thể đem lại những biến chuyển tốt. Khi sử dụng các chế phẩm có chứa glucosamin, người kê đơn cũng như bệnh nhân nên cân nhắc tất cả các yếu tố, nhất là giữa lợi ích kinh tế và hiệu quả chữa bệnh chưa rõ ràng của glucosamin hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1. Martindale (2009): The Complete Drug Reference, Electronic version.

2. Dietary Supplements (via Medicines Complete)

3. McAlindon TE, al (2000).and chondroitin for treatment of osteoarthritis: a systematic quality assessment and meta-analysis: –75.

4. Richy F, al (2003).and symptomatic efficacy of glucosamine and chondroitin in knee osteoarthritis: a comprehensive meta-analysis. Intern Med: –22.

5. Vlad SC, al (2007). for pain in osteoarthritis: Why do trial results differ? Arthritis Rheum; 56(7): 2267-2277

6. Clegg DO, al (2006)., chondroitin sulfate, and the two in combination for painful knee osteoarthritis. Engl J Med: –808.

7. AD, et al (2008). effect of glucosamine and/or chondroitin sulfate on the progression of knee osteoarthritis: a report from the glucosamine/chondroitin arthritis intervention trial. Rheum; 58(10):3183-91.

8. Rozendaal RM, al (2008). of glucosamine sulfate on hip osteoarthritis: a randomized trial. Intern Med: 268–77.

9. Reichenbach S, al (2007). – analysis: chondroitin for osteoarthritis of the knee or hip.Intern Med;:–90.

10. Towheed TE, al (2005). therapy for treating osteoarthritis. Available in The Cochrane Database of Systematic Reviews; Issue 2. Chichester: John Wiley; (accessed 14/11/09).

11. Kayne SB, Wadeson K, MacAdam A (2000). Glucosamine – an effective treatment for osteoarthritis? A meta-analysis. Pharm J: 759–763.

12. Food and Drug Administration, Advisory Committee and Dietary Supplements Subcommittee (2004), Letter Regarding the Relationship Between the Consumption of Glucosamine and/or Chondroitin Sulfate and a Reduced Risk of: Osteoarthritis; Osteoarthritis-related Joint Pain, Joint Tenderness, and Joint Swelling; Joint Degeneration; and Cartilage Deterioration (Docket No. 2004P-0059).

13. British National Formulary 59 (2009), glucosamine monograph (accessed via MedicinesComplete).

VIÊM DA DỊ ỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊVIÊM DA DỊ ỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

(Atopic dermatitis and treatment)

 Đặng Hanh Phức dịch

Tóm tắt

Viêm da dị ứng là biểu hiện của dị ứng ở da, có yếu tố di truyền và đáp ứng quá mức đối với các kháng nguyên trong môi trường. Trong bệnh này có sự tham gia của phản ứng miễn dịch qua trung gian tế bào và có sự sản xuất IgE rất cao. Các biểu hiện khác của cơ địa atopi (atopie) là hen, viêm mũi và viêm kết mạc dị ứng, dị ứng thức ăn. Bệnh thường hay có sự chuyển từ dạng này sang dạng kia trong cuộc đời. Các dị ứng nguyên chịu trách nhiệm là những protein lớn, bình thường không xâm nhập được vào biểu bì, trừ trường hợp ở người dị ứng có những bất thường ở hàng rào của da. Thật vậy, người ta nhận thấy có sự giảm sản xuất các ceramid (là những thành phần cấu thành xi măng giữa các tế bào). Các tế bào sừng trở nên kém vững chắc, sự mất nước tăng, các mô mất tính kín khít. Hàng rào hydrolipid trở nên thấm với các dị ứng nguyên. Từ giai đoạn mẫn cảm đến biểu hiện của dị ứng có sự tham gia của các tế bào Langerhans, có sự trình diện đến các tế bào lympho ‘T’ đặc hiệu, sự hoạt hóa và nhân lên của những tế bào này, sự sản xuất các IgE đặc hiệu với dị nguyên nhờ các lympho B ….

Nội dung bài

Các dấu hiệu lâm sàng bao gồm: ngứa, đôi khi rất nặng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và giấc ngủ của người bệnh. Khô da là một biểu hiện thường xuyên, ngay cả ở thời kỳ thuyên giảm của bệnh. Ở trẻ còn bú, những biểu hiện đầu tiên của viêm da dị ứng thường xuất hiện ở ba tháng tuổi. Ở trẻ trên 2 tuổi các đợt cấp và rỉ nước hiếm dần, các vết tổn thương dầy lên do gãi. Nhiễm sắc tố và có thể nứt nẻ. Các tổn thương thường khu trú ở các nếp gấp (cổ, khuỷu tay, gối, nếp gấp dưới mông, dưới tai, hoặc những vùng như mi mắt,

quanh miệng, bàn tay…). Ở thiếu niên và người lớn tổn thương thường phân tán hơn, khô, chủ yếu ở mặt, bàn tay, mi mắt, cổ.

– Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng và các test về dị ứng, như test châm), test lẩy da, định lượng IgE huyết thanh…vv.

CÁCH ĐIỀU TRỊ:

Điều trị thường ngày:

– Có những biện pháp dự phòng để hạn chế tiếp xúc với những tác nhân gây kích thích da, thí dụ súc vật nuôi trong nhà, bọ, bụi nhà, thức ăn gây dị ứng v.v…

– Việc điều trị da khô rất quan trọng. Cần sử dụng những thuốc làm dịu có tác dụng hydrat hoá và tái lập lớp hydro lipid của da. Nên chọn loại kem trung tính, không có chất thơm hoặc chất bảo quản. Loại kem này phải chứa các chất có khả năng thâu tóm và giữ nước ở vùng lớp sừng. Mannitol và glycerin trong cấu trúc có những nhóm hydroxyl háo nước, acid lactic có khả năng thâu tóm nước. Urê có tác dụng tương tự nhưng đôi khi gây kích ứng và khó dung nạp đối với trẻ em. Các đại phân tử như collagen và acid hyaluronic tạo một lớp phim trên bề mặt làm hạn chế mất nước. Các ceramid, cholesterol, phospholipid và acid béo thiết yếu tái lập lớp sừng. Cần chú ý là các chế phẩm có dầu hạnh nhân, dầu lạc, vừng, hạt dẻ có thể gây dị ứng. Trong thực hành, thường bôi chất làm dịu một đến hai lần mỗi ngày, tuỳ theo nhu cầu trên da còn để hơi ẩm. Chúng được bôi trên các vùng da khô và trên các vùng bị dị ứng đang đỡ, tiếp nối với cách điều trị bằng các corticoid bôi da hoặc tacrolimus. Phải tránh bôi chất làm dịu ở những thời kỳ bột phát của bệnh (nguy cơ tăng ngứa thậm trí bỏng).

Điều trị những đợt kịch phát

Trong những đợt kịch phát, ngứa rất nhiều ở những vết thương tổn. Cần thiết phải điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch tại chỗ.

Các corticoid bôi da (dermocorticoid): Đó là một trong những yếu tố chủ chốt để chống viêm da, rất cần thiết khi bệnh nhân đang ở đợt kịch phát.

Các dermo corticoid có tại chỗ tác dụng chống viêm do làm co mạch, ức chế các chức năng của bạch cầu và làm biến đổi các phản ứng miễn dịch. Chúng cũng có tác dụng chống tăng sinh làm hạn chế sự tổng hợp collagen và về lâu dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ kiểu như teo da.

Phân loại: theo cách phân loại của Pháp, chia làm 4 nhóm tuỳ theo mức độ mạnh của các dermocorticoid = rất mạnh (I), mạnh (II), vừa (III) và yếu (IV) cách phân loại quốc tế thì theo thứ tự ngược lại.

Trong thực hành, ở người lớn, cho dùng một dermocorticoid nhóm II (theo phân loại của Pháp) cho những thương tổn ở toàn thân. Dermocorticoid nhóm III ưa dùng cho các thương tổn ở mặt và/hoặc những thương tổn diện rộng. Các nhóm dermocorticoid II và III cũng có thể dùng cho trẻ em. Dermocorticoid nhóm I chỉ dùng thời gian ngắn trên các mảng ít rộng và nhạy cảm với corticoid để cho tác dụng tức thời và nhanh. Các chế phẩm này chống chỉ định dùng cho trẻ còn bú và trẻ em. Các dermocorticoid tác dụng yếu ít có ý nghĩa trong viêm da dị ứng.

– Phải thận trọng khi dùng dermocorticoid ở mí mắt: (nguy cơ đục thuỷ tinh thể hoặc glaucome).

– Thường bôi ngày một lần cho tới khi đỡ, khoảng 10 ngày. Nên bôi vào buổi tối để giữ thuốc tại chỗ được lâu hơn. Bôi hai lần mỗi ngày không có lợi ích gì thêm (trừ thường hợp một số thể eczema lichen hoá) nhưng lại làm tăng nguy cơ tác dụng phụ. Khi ngừng điều trị các sơ đồ giảm dần liều (cách một hay hai ngày bôi một lần) ít ý nghĩa, trừ trong trường hợp hiếm gặp phải điều trị hai ngày một lần kéo dài.

Việc dùng các dermocorticoid cho đáp ứng lâm sàng tốt trong 65_85% trường hợp so với placebo là 15% – 48%. Các dermocorticoid cho hiệu quả ở thanh thiếu niên và người lớn kém hơn so với trẻ em.

Nếu những đợt kịch phát viêm vẫn tồn tại dai dẳng mặc dù đã bôi dermocorticoid, thì phải tìm xem có phải là do cách điều trị chưa phù hợp (dùng loại dermocorticoid quá nhẹ) hoặc dùng thuốc phòng đều đặn, hay do một cơ chế phụ thuộc dermocorticoid hoặc có khả năng bội nhiễm vi khuẩn.

Giới hạn sử dụng: Sự ngấm thuốc qua da tăng cao trong trường hợp da bị thương tổn. Với da lành thì chỉ quan trọng khi diện bôi vượt qua 70% diện tích cơ thể. Ở người lớn, liều không nên vượt quá 50g mỗi tuần cho dermocorticoid nhóm II. Để tránh nguy cơ hấp thu thuốc vào trong cơ thể quá nhiều. Nếu bôi ở mặt không nên vượt quá 20g. Để hạn chế các tác dụng phụ tại chỗ, liều tối đa cho thân thể là 500g cho 6 tháng.

Tác dụng phụ:  tác dụng phụ có thể gặp là teo da, giãn mạch, rạn da, rậm lông, giảm sắc tố, bội nhiễm. Tác dụng toàn thân (sợ chủ yếu là với trẻ em) có thể dẫn đến hội chứng dạng Cushing dẫn đến chậm lớn, thậm chí suy thượng thận trong trường hợp ngừng đột ngột sau khi dùng lượng lớn loại dermocorticoid mạnh.

Tacrolimus: tacrolimus (Protopic) là một dẫn xuất macrolid được lựa chọn tuyến hai cho trẻ em hoặc người lớn trong những dạng nặng khi dùng dermocorticoid đúng quy cách mà vẫn không đáp ứng đủ. Tacrolimus rất ít hấp thu toàn thân. Thuốc ức chế sự tổng hợp và giải phóng các cytokin gây viêm, không có tác dụng gây teo (điểm này khác với các dermocorticoid kem), thuốc có thể bôi lên các tổn thương ở thân và ở mặt (kể cả ở mi mắt). Không được bôi lên các niêm mạc, trên da nhiễm khuẩn, hoặc dưới băng kín. Tuy nhiên sau khi có thông báo về một số hiếm trường hợp u lympho bào, ung thư da và một số bệnh ác tính ở bệnh nhân điều trị bằng những chất ức chế calcineurin bôi, trong đó có Protopic đã có sự đánh giá lại về an toàn của việc sử dụng của Protopic. Cơ quan quản lý thuốc của Châu Âu đã kết luận tỷ số lợi ích/ nguy hại của Protopic là thuận lợi, nhưng yêu cầu phải có sự đánh giá dài hạn về nguy cơ bệnh ác tính ở những bệnh nhân được điều trị. Trong khi chờ đợi kết quả trên, cần tuân thủ một số khuyến cáo: dùng ngắn hạn hoặc dùng thuốc dài hạn nhưng ngắt quãng, không dùng liên tục dài hạn. Thuốc chống chỉ định cho trẻ em dưới hai tháng tuổi và người suy giảm miễn dịch. Từ 2 đến 16 năm tuổi, chỉ nên dùng liều 0,03%. Chỉ bôi lên các tổn thương, hai lần/ngày dưới dạng lớp mỏng cho tới khi hết eczema rồi ngừng. Trong vòng 2 tuần nếu không thấy hiệu quả thì nên ngừng ngay. Không bôi lên các tổn thương cơ có tiềm năng ác tính hoặc lên tổn thương tiền ung thư.

Các tác dụng phụ chủ yếu là bỏng hoặc ngứa (hơn 10% số ca) nhất là ở những ngày điều trị đầu tiên, và gặp nhiều ở người lớn hơn ở trẻ em. Khi có bội nhiễm phải ngừng ngay. Mọi dấu hiệu lâm sàng có nhiễm khuẩn ở những vùng cần điều trị, cần phải được điều trị trước rồi mới bôi tacrolimus. Hiện tượng không dung nạp alcool thường khá phổ biến (1% số ca) khi dùng thuốc với biểu hiện là đỏ mặt và/hoặc kích ứng ở da. Giữa việc bôi thuốc làm dịu và thuốc Protopic phải cách nhau 2 giờ. Hạn chế ra ánh nắng mặt trời trong thời gian điều trị. Do nguy cơ thất bại của tiêm chủng trong thời gian điều trị Protopic, nên việc tiêm chủng phải thực hiện trước khi bắt đầu điều trị Protopic hoặc 14 ngày sau lần bôi cuối cùng của Protopic (trường hợp các vaccin sống giảm hoạt lực thì khoảng cách này phải là 28 ngày). Việc kê đơn và nhắc lại đối với Protopic chỉ dành cho các thầy thuốc chuyên khoa da và nhi khoa. Cần có sự theo rõi đặc biệt trong quá trình điều trị.

Điều trị toàn thân:

Ciclosporin: Dùng đường uống với liều 2,5 – 5 mg/kg/ngày, ciclosporin (Neoral, Sandimmun) là một cách điều trị ngoại lệ đối với viêm da dị ứng nặng ở người lớn, sau khi các cách điều trị khác đã thất bại. Tỷ lệ lợi/hại phải cân nhắc từng ca một, tuỳ theo sự dung nạp với thuốc này. Ciclosporin dùng trong điều trị ngắn hạn, khoảng 8 tuần. Tỷ lệ tái phát trong vòng 15 ngày là 1/2. Tỷ lệ thuyên giảm trong vòng 1 năm là 1/6. Việc kê đơn ban đầu phải làm ở bệnh viện, có giá trị 6 tháng. Việc cấp lại thuốc có thể được thực hiện bởi bất kỳ thầy thuốc nào.

Thuốc kháng histamin: Ngứa của viêm da dị ứng không phải chỉ đơn thuần do histamin. Các thuốc kháng histamin dùng cho chỉ định này có hiệu quả thất thường. Tuy nhiên chúng cũng giúp ích khi rất muốn gãi. Không nên dùng các kháng histamin nhóm phenothiazin trong thời kỳ ra nắng nhiều do nguy cơ nhạy cảm ánh sáng. Đôi khi cần tác dụng an thần (hydroxyzin) để bớt gãi ban đêm, nhất là ở trẻ em.

Thuốc chống nhiễm khuẩn: Cần chống bội nhiễm vi khuẩn (nhất là tụ cầu vàng) trong trường hợp chốc, lở (impetigo) hoặc viên nang do tụ cầu vàng. Có thể dùng các thuốc sát khuẩn khi tắm ấm sau đó tráng kỹ. Cũng có thể dùng tại chỗ các dung dịch nước hoặc có bọt. Nếu phối hợp các thuốc sát khuẩn và thuốc làm dịu, và nếu dùng xen kẽ các thuốc sát khuẩn để tránh chọn lọc vi khuẩn. Kháng sinh liệu pháp tại chỗ (acid fusidic) cũng có ích trong trường hợp nhiễm khuẩn khu trú nông. Trong một số ca, cần thiết phải dùng đến liệu pháp kháng sinh bằng đường uống (penicilin kháng penicilinase, hoặc cephalosporin). Về nhiễm virus, cần phải có biện pháp dự phòng: Tránh mọi tiếp xúc với người đang có đợt herpes môi. Cần phải ngừng corticoid trong trường hợp nhiễm virus herpes simplex.

Quang liệu pháp (phototherapie) dành cho những thể nhẹ, có thể có nhiều dạng. Phối hợp UVA -UVB thường hiệu quả nhất. Tiến hành liệu pháp vào các buổi chiều từ 3 đến 5 lần mỗi tuần.

Chăm sóc về mặt tâm lý: với trẻ em, cuộc sống gia đình hài hoà, ít stress giúp nhiều cho việc lành một số thể dị ứng. Nhà ít có bọ, bụi nhà, mát mẻ, khô ráo. Đôi khi cũng nên nghỉ gần biển. Ở người lớn, stress thường được thông báo là yếu tố khởi phát các đợt kịch phát. Không nên dùng nhiều các thuốc loại benzodiazepin, có thể gây lệ thuộc thuốc và dễ gây ngứa khi cai.

Tắm suối nước nóng: đôi khi hình thức này được các bệnh nhân ưa chuộng. Nhưng cần biết chắc nơi nào được phép dành cho điều trị viêm da dị ứng.

Triển vọng điều trị: Một chất ức chế calcineurin thứ hai là pimecrolimus (Elidel) dùng bôi đã có bán. Ở một số nước, việc nghiên cứu hướng về sản xuất các dẫn xuất dermocorticoid mới có tác dụng chống viêm ngang với các chất cũ, nhưng ít tác dụng phụ hơn. Nhóm thuốc mới này gồm fluticason, prednicarbat, aceponat của methylprednisolon, và furoat mometason. Lợi ích của chúng còn cần được chứng minh thêm.

Một hướng nghiên cứu khác dựa trên việc phát hiện gần đây các tế bào lympho T gd, những tế bào này có khả năng cải thiện các rối loạn miễn dịch và các aminobiphosphorat có khả năng kích thích chúng.

Các thuốc bôi da dùng cho viêm da dị ứng:

– Chất ức chế calcineurin

Tacrolimus Protopic Pommat 0,03% dùng cho người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên Bôi 2 lần/ngày tới khi khỏi các tổn thương (tối đa 3 tuần ở trẻ em)

– Các dermocirticoid dùng đơn độc

I – Tác dụng rất mạnh Betamethason valerat

Clobetasol

Diprolen 0,05%

Dermoval 0,05%

Kem, pommat (15g)

Kem (10g)

II – Tác dụng mạnh Betamethason valerat

Betamethason dipropionat

Desonid

Difluprednat

Diflucortolon

Fluticason

Hydrocortison butyrat

Hydrocortison aceponat

Betneval (0,1%)

Betesil 2,25mg

Diproson (0,05%)

Locatop 0,1%

Epitopic (0,05%)

Nerison, nerison gras 0,1%

Flixovat

Locoid 0,1%

Efficort (0,127%)

Kem và pomat

Thuốc sức 30g

Cao dán

Kem, pommat, thuốc rửa

Kem

Kem, gel

Kem, pommat

Kem 0,05% (30g)

Kem, pommat, nhũ dịch, thuốc rửa (30g)

Kem ưa nước và ưa lipid (30g)

Bôi ngắn ngày, xen kẽ ngắt quãng với các thuốc làm dịu: bôi 1-2 lần /ngày trong 10 ngày rồi ngừng.
III – Tác dụng vừa Betamethason valerat

Desonnid

Defluprednat

Flucortolon

Celestoderm relais 0,05%

Locapred (0,1%)

Epitopic (0,02%)

Ultralan (0,25%)

Kem (25g)

Kem (15g)

Kem (40g)

Pommat (10-30g)

– Dermocorticoid phối hợp

Acid salicylic Betamethason

Diflocortolon

Diprosalic Pommat, thuốc rửa (30g)
Nhóm II

+ Thuốc sát khuẩn

Diflocortolon và clorquinaldol Merison G (NR) Kem (30g)
Nhóm III

+ Acid salicylic

Triamcinolon và acid salicylic

Flumetason và acid salicylic

Localone (NR)

Locasalene

Thuốc sức (125ml) Điều trị ngắn ngày, ngắt quãng với những thời kỳ dùng thuốc làm dịu: bôi 1-2 lần /ngày rồi ngừng
Nhóm III

+ Thuốc sát khuẩn

Flumetason và clioquinol Locacorten… (NR) Kem (15g)

Tài liệu tham khảo

Le Monilteur des Pharmacies số 2730, 17_5_2008

QUẢN LÝ DƯỢC PHẨM

THÔNG TƯ 01/2020/TT-BYT NGÀY 16/01/2020 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 30/2018/TT-BYT NGÀY 30/10/2018 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ BAN HÀNH DANH MỤC VÀ TỶ LỆ, ĐIỀU KIỆN THANH TOÁN ĐỐI VỚI THUỐC HÓA DƯỢC, SINH PHẨM, THUỐC PHÓNG XẠ VÀ CHẤT ĐÁNH DẤU THUỘC PHẠM VI ĐƯỢC HƯỞNG CỦA NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM Y TẾ

STT Tên hoạt chất Đường dùng, dạng dùng Hạng bệnh viện Thông tư 01/2020/TT-BYT
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8)
1. Sửa đổi tên thuốc (Cột số 2):
330 Prothionamid Uống + + + Quỹ BHYT thanh toán điều trị lao kháng thuốc; thuốc được cấp phát tại trạm y tế xã theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao của Bộ Y tế.
425 Pinene + camphene + cineol + fenchone + borneol + anethol Uống + + + Quỹ BHYT thanh toán điều trị sau tán sỏi; hoặc điều trị sỏi niệu quản <7mm.
449 Etamsylat Tiêm, uống + + +
518 Felodipin + metoprolol tartrat Uống + + +
799 Thiamazol Uống + + +
2. Sửa đổi đường dùng (Cột số 3):
390 Imatinib Uống + Quỹ BHYT thanh toán điều trị bệnh bạch cầu tủy mạn (CML); u mô đệm dạ dày ruột (GIST). Thanh toán 50%.
391 Nilotinib Uống + Quỹ BHYT thanh toán khi điều trị bệnh bạch cầu tùy mạn (CML) không dung nạp hoặc kháng lại với thuốc Imatinib; thanh toán 50%.
889 Dung dịch lọc máu dùng trong thận nhân tạo (bicarbonat hoặc acetat) dung dịch thẩm phân + + +
STT Tên hoạt chất Đường dùng, dạng dùng Hạng bệnh viện Thông tư 30/2018/TT-BYT Thông tư 01/2020/TT-BYT
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9)
3. Sửa đổi, bổ sung (Cột số 8):
390 Imatinib Uống + Quỹ BHYT thanh toán điều trị bệnh bạch cầu tủy mạn (CML); u mô đệm dạ dày ruột (GIST). Thanh toán 50%. Quỹ BHYT thanh toán điều trị bệnh bạch cầu tủy mạn (CML) hoặc u mô đệm dạ dày ruột (GIST); thanh toán 80%.
391 Nilotinib Uống + Quỹ BHYT thanh toán khi điều trị bệnh bạch cầu tùy mạn (CML) không dung nạp hoặc kháng lại với thuốc Imatinib; thanh toán 50%. Quỹ BHYT thanh toán khi điều trị bệnh bạch cầu tủy mạn (CML) không dung nạp hoặc kháng lại với thuốc Imatinib; thanh toán 80%.
670 Lansoprazol Uống + + + Quỹ BHYT thanh toán theo chỉ định trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc đã được cấp phép và chỉ định dự phòng loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa tại dạ dày, tá tràng do stress ở bệnh nhân hồi sức tích cực. Quỹ BHYT thanh toán theo chỉ định trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc đã được cấp phép hoặc hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế hoặc chỉ định dự phòng loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa tại dạ dày, tá tràng do stress ở bệnh nhân hồi sức tích cực.
675 Omeprazol Tiêm + + +
Uống + + + +
676 Esomeprazol Tiêm + + +
Uống + + + +
677 Pantoprazol Tiêm, uống + + +
678 Rabeprazol Uống + + +
Tiêm + +
474 Tinh bột este hóa (hydroxyethyl starch) Tiêm truyền + + + Quỹ BHYT thanh toán điều trị giảm thể tích tuần hoàn do mất máu cấp khi việc sử dụng dịch truyền đơn thuần không mang lại hiệu quả đầy đủ. Quỹ BHYT thanh toán điều trị giảm thể tích tuần hoàn do mất máu cấp khi sử dụng dịch truyền đơn thuần không cải thiện lâm sàng; điều trị điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế.
566 Atorvastatin Uống + + + Đối với trạm y tế xã, quỹ BHYT thanh toán theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị rối loạn lipid máu của Bộ Y tế.
571 Fenofibrat Uống + + +
577 Simvastatin Uống + + +
729 L-Ornithin – L- aspartat Tiêm + + + Quỹ BHYT thanh toán điều trị suy gan từ độ 2 trở lên, tiền hôn mê gan, hôn mê gan. Quỹ BHYT thanh toán điều trị bệnh não do gan từ giai đoạn 2 trở lên theo hệ thống phân loại West Haven.
787 Liraglutide Tiêm + Quỹ BHYT thanh toán 30% cho bệnh nhân đái tháo đường típ 2 đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau:

– Trên 40 tuổi, BMI > 23, mắc đái tháo đường típ 2, có bệnh lý tim mạch hoặc THA;

– Không kiểm soát đường huyết (HbA1C>9) trong thời gian dài;

– Suy thận vừa (CrCl: 30-59 ml/phút) hoặc suy thận nặng (CrCl <30 ml/phút) không dùng được thuốc SGLP2.

Quỹ BHYT thanh toán 30% cho người bệnh đái tháo đường típ 2 đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau:

– Trên 40 tuổi, BMI > 23, mắc đái tháo đường típ 2, có bệnh lý tim mạch hoặc tăng huyết áp;
– Không kiểm soát đường huyết (HbA1C>9) sau thời gian 3 tháng;

– Suy thận nồng độ CrCl < 59 ml/phút.

803 Immune globulin Tiêm + + Quỹ BHYT thanh toán điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn không đáp ứng với corticoid, hội chứng Guillain Barre, bệnh Kawasaki; điều trị nhiễm trùng nặng có giảm IgG; điều trị thay thế cho bệnh nhân thiếu hụt IgG; điều trị bệnh tay-chân-miệng, phơi nhiễm sởi theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế. Quỹ BHYT thanh toán điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn không đáp ứng với corticoid, hội chứng Guillain Barre, bệnh Kawasaki; điều trị nhiễm trùng nặng có giảm IgG; điều trị thay thế cho bệnh nhân thiếu hụt IgG; điều trị bệnh tay-chân-miệng; điều trị phơi nhiễm sởi, điều trị sởi khi có tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc tình trạng suy hô hấp tiến triển nhanh hoặc viêm não theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sởi của BYT.
856 Ranibizumab Tiêm trong dịch kính + Quỹ BHYT thanh toán điều trị tại khoa mắt bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện chuyên khoa mắt hạng I, II. Quỹ BHYT thanh toán điều trị tại khoa mắt của các bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện chuyên khoa mắt hạng I, II; bệnh viện Hữu Nghị, Thống Nhất và C Đà Nẵng đối với đối tượng theo Hướng dẫn số 52-HD/BTCTW ngày 02 tháng 12 năm 2005 của Ban Tổ chức Trung ương đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại bệnh viện.
938 Galantamin Uống + + + Quỹ BHYT thanh toán điều trị chứng sa sút trí tuệ từ nhẹ đến trung bình trong bệnh Alzheimer. Quỹ BHYT thanh toán điều trị chứng sa sút trí tuệ từ nhẹ đến trung bình trong bệnh Alzheimer.
Tiêm + + + Quỹ BHYT thanh toán điều trị:

– Bệnh lý thần kinh ngoại vi liên quan đến rối loạn vận động trong trường hợp người bệnh nội trú và không sử dụng được dạng uống.
– Liệt vận động sau khi mắc bệnh tủy sống;
– Mất khả năng vận động sau đột quỵ, liệt não ở trẻ em:

– Liệt ruột và bàng quang sau phẫu thuật;
– Giải độc Atropin và chất tương tự Atropin.

Quỹ BHYT thanh toán điều trị:
– Bệnh lý thần kinh ngoại vi liên quan đến rối loạn vận động trong trường hợp người bệnh nội trú;

– Liệt vận động sau khi mắc bệnh tủy sống;

– Mất khả năng vận động sau đột quỵ, liệt não ở trẻ em;

– Liệt ruột và bàng quang sau phẫu thuật;

– Giải độc Atropin và chất tương tự Atropin.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2020.

DAV: Cục Quản lý Dược khuyến cáo về việc không mua các thuốc điều trị ung thư được chào bán và quảng cáo qua mạng để điều trị

Trong thời gian qua, trên các trang web Nhà thuốc Võ Lan Phương tại địa chỉ https://volanphuong.com/ và Nhà thuốc Lan Phương tại địa chỉ https://nhathuoclanphuong.net/ có giới thiệu và chào bán nhiều loại thuốc, trong đó có thuốc điều trị ung thư như: Thuốc Osicent 80mg (Osimertinib) ghi nhà sản xuất Incepta Pharmaceuticals Ltd., Bangladesh; Thuốc Osimert 80mg (Osimertinib) ghi nhà sản xuất Everst – Bangladesh; Thuốc Tagrix 80mg (Osimertinib) ghi nhà sản xuất Beacon Pharmaceuticals Ltd., Bangladesh. Các thuốc này chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành là thuốc, chưa được cấp giấy xác nhận nội dung thông tin thuốc/quảng cáo thuốc. Cục Quản lý Dược đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục Quản lý Dược khuyến cáo người sử dụng không mua các thuốc điều trị ung thư nêu trên được chào bán và quảng cáo qua mạng để điều trị.

Nguồn:https://dav.gov.vn/khuyen-cao …

Điểm tin: ThS.DS. Nguyễn Thị Tuyến

Cục Quản lý Dược: Ngừng tiếp nhận và xét duyệt đối với đơn hàng nhập khẩu thuốc thành phẩm chứa hoạt chất paracetamol dạng giải phóng biến đổi

Để đảm bảo mục tiêu sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả, ngày 24/01/2019, Cục Quản lý dược đã có công văn số 888/QLD-ĐK về việc đăng ký, nhập khẩu đơn hàng thuốc chứa hoạt chất paracetamol dạng giải phóng biến đổi

Ngày 1/9/2017, Ủy ban Đánh giá nguy cơ Cảnh giác dược (PRAC) thuộc Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã đưa ra khuyến cáo về việc ngừng lưu hành thuốc chứa paracetamol dạng giải phóng biến đổi đang lưu hành trên thị trường. Khuyến cáo này được đưa ra dựa trên việc xem xét lợi ích của việc sử dụng các thuốc chứa paracetamol tác dụng kéo dài không vượt trội hơn so với bất lợi trong trường hợp xảy ra quá liều các thuốc này, do các quy trình thường quy để xử trí ngộ độc paracetamol dạng giải phóng ngay không phù hợp đối với dạng giải phóng biến đổi. Đồng thời, trong nhiều trường hợp, không rõ tình trạng quá liều xảy ra do thuốc giải phóng biến đổi hay thuốc giải phóng ngay. Điều này gây khó khăn cho việc quyết định biện pháp xử trí cần thiết. Sau đó, nhóm điều phối thuốc sử dụng trên người được phê duyệt theo quy trình không tập trung và thừa nhận lẫn nhau (CMDh) thuộc EMA cũng nhấn mạnh thêm, hiện chưa xác định được các biện pháp thực hành giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ trên bệnh nhân. Từ đó, ngày 19/2/2018, Liên minh Châu Âu (EU) đã đồng ý và ban hành quyết định ngừng cấp phép lưu hành các thuốc chứa paracetamol giải phóng biến đổi.

Trên cơ sở đó, ngày 24/01/2019, Cục Quản lý dược đã có công văn số 888/QLD-ĐK về việc đăng ký, nhập khẩu đơn hàng thuốc chứa hoạt chất paracetamol dạng giải phóng biến đổi. Để đảm bảo mục tiêu sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả, Cục Quản lý Dược thông báo:

1. Ngừng tiếp nhận và xét duyệt đối với đơn hàng nhập khẩu thuốc thành phẩm chưa có giấy đăng ký lưu hành, hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, duy trì hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc chứa paracetamol dạng giải phóng biến đổi.

2. Đối với các thuốc chứa paracetamol dạng giải phóng biến đồi đã được sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam trong thời hạn số đăng ký còn hiệu lực thì cơ sở đăng ký, sản xuất, phân phối có trách nhiệm phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh giám sát chặt chẽ việc sử dụng các thuốc này cho đến hết hạn dùng của thuốc.

Trước đó, Cục Quản lý Dược cũng đã có công văn 4430/QLD-ĐK, trong đó, yêu cầu tạm thời ngừng tiếp nhận và xét duyệt đơn hàng nhập khẩu thuốc thành phẩm chưa có số đăng ký, hồ sơ đăng ký mới, hồ sơ gia hạn; ngừng xem xét duy trì hiệu lực số đăng ký đối với các thuốc chứa paracetamol dạng giải phóng biến đổi kể cả các đơn hàng nhập khẩu các thuốc chưa có số đăng ký, các hồ sơ đăng ký đã nộp tại Cục Quản lý Dược trước ngày ký ban hành công văn này.

Tổng hợp tin: Nguyễn Nga, Nguyễn Mai Hoa

ĐÌNH CHỈ LƯU HÀNH THUỐC CLOROCID TW3

Căn cứ công văn số 846/SYT-NVD ngày 03 tháng 4 năm 2020 của Sở Y tế An Giang về việc đình chỉ lưu hành thuốc.

Stt Tên thuốc Hoạt chất Số đăng ký Nhà sản xuất
1 Clorocid TW3 Cloramphenicol 250mg V D-25305-16 CTCPDP TW3
Tổng cộng: 01 khoản
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)