Một số điều cần biết về bệnh gút

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH GÚT

BSCKII.Trương Văn Lâm

Trưởng khoa nội tổng hợp-BVĐKTTAG

1.Đại cương

Gút là tình trạng rối loạn chuyển hóa acid uric. Bệnh nhân bị gút có thể do tăng tạo quá mức hoặc thường gặp hơn là giảm đào thải acid uric trong cơ thể hoặc phối hợp cả hai cơ chế, dẫn đến lắng đọng các tinh thể ở tổ chức (bao hoạt dịch và tổ chức quanh khớp, ống thận và nhu mô thận), thường khởi phát ở nam giới tuổi từ 40 – 60 và ở nữ giới sau mãn kinh. Tần suất xuất hiện của bệnh gút tăng đáng kể theo tuổi và tương quan với sự gia tăng của nồng độ acid uric huyết thanh

Bệnh gút là một dạng viêm khớp gây ra những cơn đau dữ dội, đột ngột, đau đỏ, sưng viêm ở một số vị trí của các khớp và thường là ở ngón chân cái.

Bệnh có thể ảnh hưởng đến một khớp nào đó tại một thời điểm, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến một hoặc thậm chí nhiều vị trí khác nhau. Một cuộc tấn công của bệnh gút có thể xảy ra một cách đột ngột, thường đánh thức bạn dậy vào ban đêm với cảm giác chân xưng, nóng ran như đang bốc cháy. Các khớp bị ảnh hưởng, người bệnh sẽ thấy có cảm giác nóng, sưng và cơn đau đó đau đến nỗi chỉ cần một tấm mềm nhẹ đặt lên vùng đau là người bệnh cũng không thể chịu được.

Các cơn đau của bệnh gút có thể đến và đi làm ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Nhưng cũng có nhiều biện pháp để kiểm soát và ngăn ngừa các cơn bùng phát này.

Trong giai đoạn đầu của bệnh, các cơn đau do gút có thể hiếm khi xảy ra, chẳng hạn như xuất hiện một lần hoặc có thể là vài lần trong 1 năm.

Bệnh gút tấn công có thể tái phát theo thời gian và các cơn đau có thể xuất hiện trong cùng một hoặc nhiều khớp khác nhau. Cuộc tấn công đầu tiên của bệnh có thể kéo dài đến 1 tuần hoặc thậm chí là lên đến vài tuần, trừ khi bệnh được điều trị.

Theo thời gian nếu bệnh gút không được điều trị, các cơn đau có thể xuất hiện thường xuyên hơn và ảnh hưởng đến nhiều các khớp xương khác. Các cơn đau cấp tính lặp đi lặp lại có thể khiến tổn thương và làm hỏng khớp.

2.Nguyên nhân gây bệnh

Ở bệnh Gút, do sự thay đổi khác thường của các phản ứng trong cơ thể dẫn đến việc acid uric được tạo ra nhiều hơn hoặc do sự lọc thải bằng đường tiểu không kịp gây ứ đọng. Khi acid uric trong máu tăng lên, chúng kết hợp và tạo nên những khối trong suốt được gọi là tinh thể urat và lắng đọng trong màng hoạt dịch khớp gây viêm, đau khớp.

Tuy nhiên, hội chứng acid uric tăng cao và bệnh Gút mặc dù có liên quan chặt chẽ với nhau nhưng lại là hai vấn đề cần phân biệt. Acid uric là một chất thải được hình thành do sự phá hủy tự nhiên chất purin trong cơ thể. Những người có thói quen ăn nhiều chất đạm, hải sản hoặc các phủ tạng động vật hoặc uống nhiều bia, rượu sẽ không chỉ làm tăng hàm lượng purin mà còn là nguồn chuyển hóa dở dang tạo ra vô số các gốc tự do, di chuyển trong máu và sẵn sàng gắn vào bất kỳ gen nào có nguy cơ biến đổi.

Mặt khác, bệnh gút thường gặp ở người bệnh có tiền sử bệnh khác như: béo phì, tiền sử gia đình, bệnh thận, huyết áp cao, hội chứng chuyển hóa và sử dụng của một số thuốc. Ngoài ra, acid uric còn có thể lắng đọng tại các cơ quan khác như: thận, tổ chức dưới da gây nên sỏi thận và hình thành các hạt tophi.

dấu hiệu bệnh gout

Yếu tố nguy cơ gây bệnh

  • Chế độ ăn quá nhiều đạm và hải sản
  • Tuổi tác và giới tính. Bệnh xuất hiện nhiều hơn ở nam giới và người lớn tuổi
  • Uống nhiều bia trong thời gian dài
  • Béo phì
  • Có người nhà từng bị gút. Nếu bạn có người thân trong gia đình mắc bệnh gút, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh này
  • Mới bị chấn thương hoặc mới phẫu thuật
  • Tăng cân quá mức
  • Tăng huyết áp
  • Chức năng thận bất thường

3. Triệu chứng bệnh gút
Các dấu hiệu và triệu chứng của căn bệnh gút hầu như luôn luôn xảy ra một cách đột ngột và thường không có những dấu hiệu báo trước, các cơn đau thường được xuất hiện vào ban đêm.

  • Các cơn đau khớp dữ dội. Bệnh gút thường ảnh hưởng đến các khớp ngón chân cái của bạn, nhưng những cơn đau này cũng có thể xảy ra ở bất kì các khớp xương nào. Các khớp bị ảnh hưởng thường gặp nhất đó là mắt cá chân, ngón chân cái, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay và các khớp ngón tay. Cơn đau đầu tiên xuất hiện có thể kéo dài 4 – 12 giờ, nếu đây là trường hợp nghiêm trọng.
  • Khó chịu sau cơn đau. Sau khi các cơn đau có dấu hiệu giảm xuống, một số những khó chịu có thể kéo dài vài ngày cho đến vài tuần. Các cuộc tấn công sau này có thể kéo dài hơn và gây ảnh hưởng đến nhiều khớp khác.
  • Xuất hiện viêm và nóng đỏ. Các khớp bị ảnh hưởng trở nên sưng, viêm và nóng đỏ.
  • Giới hạn vận động. Khi bệnh gút tiến triển, những cơn đau có thể giới hạn chuyển động của bạn.

Nếu bạn xuất hiện những cơn đau dữ dội, đột ngột trong các khớp hãy đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp để được thăm khám và điều trị từ phía bác sĩ. Bệnh gút nếu không được điều trị một cách kịp thời. Nếu xuất hiện cơn sốt, khớp bị nóng, dấu hiệu viêm hoặc có thể có dấu hiệu nhiễm trùng thì bạn phải cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

4.Điều trị và dự phòng bệnh gút

Điều trị

– Điều trị viêm khớp trong cơn gút cấp.

– Ngăn ngừa các cơn gút xảy ra bằng các loại thuốc như colchicine (có tác dụng giảm đau và kháng viêm), allopurinol(ức chế sự hình thành acid uric), các thuốc kháng viêm không steroid, các thuốc giảm đau khác.

Chế độ ăn uống – sinh hoạt

  • Thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt, giảm cân nặng, tập thể dục.
  • Kiêng thực phẩm giàu purin: thịt đỏ (trâu, bò, dê,…), phủ tạng động vật (tim, gan, thận, óc,…), các loại cá béo, trứng gia cầm, hải sản, các loại đậu hạt, thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh (măng tre, nấm, giá, bạc hà,…). Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ.
  • Có thể ăn trứng, sữa, trái cây. Không ăn quá 150mg thịt/ngày.
  • Không uống rượu bia, hạn chế đồ uống có gaz, nhiều đường, đồ uống có tính toan (nước cam, chanh, nước trái cây,…).
  • Uống nhiều nước (2,5 đến 3 lít nước/ngày), nước khoáng không ga có độ kiềm cao.
  • Điều trị các nguyên nhân gây tăng acid uric thứ phát: bệnh đa hồng cầu, thiếu máu tán huyết, viêm cầu thận mãn, suy thận, ngưng sử dụng các thuốc gây tăng acid uric (lợi tiểu, corticosteroid, …),…
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo (nếu có) : tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, bệnh mạch vành,….
  • Phòng ngừa bệnh lý loãng xương bằng calcium, vitamin D, calcitriol, Biphosphonat,…
  • Tránh các thuốc làm tăng acid uric máu, tránh các yếu tố làm khởi phát cơn gút cấp như stress, chấn thương…

Tiến triển-biến chứng

Những người mắc bệnh gút có thể phát triển bệnh nặng hơn nếu không được điều trị. Những biến chứng của bệnh gút có thể gặp phải đó là:

Bệnh gút tái phát. Có một số trường hợp người mắc bệnh gút không thấy xuất hiện dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Nhưng người khác có thể có thể gặp phải những cơn đau do gút nhiều lần trong 1 năm. Thuốc chỉ có tác dụng ngăn ngừa các cơn đau do gút nhưng bệnh gút có thế tái phát trở lại. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp, bệnh có thể gây xói mòn và phá hủy khớp của bạn.

Gút tiến triển. Ở giai đoạn này nếu bệnh gút không được điều trị thì các tinh thể Acid uric sẽ tấn công các khớp và hình thành dưới da các cục gọi la Tophi. Tophi có thể phát triển ở những ngón tay, bàn tay, bàn chân, khuỷu tay, mắt cá chân.

Sỏi thận. Tinh thể urat có thể xuất hiện ở trong đường tiết niệu của những người bệnh gút, gây ra sỏi thận. Việc sử dụng thuốc có thể giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.

Phòng ngừa

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều dưới đây:

+ Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn

+ Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn

+ Giảm cân nếu bạn đang béo phì

+ Tránh ăn nội tạng, nhất là gan, cá mòi và cá trống

+ Ngừng uống rượu

+ Giảm sử dụng các thức uống có cồn, đặc biệt là bia

+ Tập thể dục hằng ngày

+ Uống cà phê và bổ sung vitamin C (có thể có ích ở một số người)

+ Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều purine

+ Có chế độ ăn ít chất béo bão hòa và các sản phẩm chứa ít chất béo

+ Thay thế dùng đường tinh luyện bằng đường tự nhiên trong rau củ và ngũ cốc

+ Tránh ăn hải sản và thịt đỏ

+ Uống nhiều nước.

….

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)