Phát biểu của BS Khương Trọng Sửu, nguyên P. Giám đốc BV An giang
Xã hội loài người đã và đang không ngừng phát triển. Nhiều ngành nghề mới lần lượt xuất hiện nhưng đã từ rất lâu rồi theo truyền thống, chỉ có vài ngành nghề đặc biệt được vinh danh, trong đó có ngành Y. Ngành Y được vinh danh không chỉ vì có chức năng cao quý chăm sóc bảo vệ sức khỏe và sinh mạng con người mà còn được vinh danh một phần cũng bởi truyền thống của những cá nhân con người ngành y lúc nào cũng thể hiện được cái tâm niệm làm tròn thiên chức cao quý đó.
Mấy hôm trước trên diễn đàn mailgroup của BVĐKTT AG, các BS của BV có bàn về “Lời thề Hippocrate”. Thật ra sinh viên các trường Y tại VN có lời tuyên thệ riêng nhưng cũng với nội dung hết lòng vì người bệnh và sự tiến bộ của y học. Sự việc các BS của BV bàn về các lời thề khi tốt nghiệp của các sinh viên y khoa trong Ngày Thầy Thuốc là một điều hay, cũng phù hợp với chủ đề mà Giám Đốc BV đã có nhã ý mời tôi phát biểu hôm nay, đó là “Ý nghĩa của Ngày Thầy Thuốc VN”. Chỉ tiếc là tuy có chủ đề hay nhưng số BS của BV tham gia bàn bạc không nhiều và diễn đàn không mở cửa cho các bác sĩ của các đơn vị khác tham gia!
Trong một xã hội có văn hóa, người ta chọn một ngày kỷ niệm cho một ngành nghề nhằm mục đích vinh danh ngành nghề đó. Đất nước ta có truyền thống văn hóa lâu đời. Những con người làm ngành Y- ngành Giáo được mọi người trân trọng gọi là Thầy vì người dân thật sự vinh danh các Thầy Thuốc các Thầy Giáo. Họ không phải chỉ vinh danh các Thầy Thuốc Thầy Giáo chỉ một ngày trong năm là ngày 27 tháng 2 hay ngày 20 tháng 11…mà thật sự họ vinh danh các Thầy suốt đời, .đương nhiên với điều kiện là các Thầy phải tôn trọng đạo đức nghề nghiệp. Từ đó có một hệ lụy mà các Thầy phải lưu ý. Đó là đối với cái chân tình kính trọng của người dân cho đi tới mình như thế, thì mình phải đáp trả lại như thế nào cho tương xứng.
Các Thầy Thuốc có đọc lời tuyên thệ một lần khi tốt nghiệp nhưng không phải họ chỉ cần đọc một lần. Người Thầy Thuốc phải thật sự tâm niệm và hành xử nghiêm chỉnh lời tuyên thệ ấy suốt đời.
Tôi nghĩ không cần phải nói nhiều hơn vì mọi người trong hội trường hôm nay đều là Thầy Thuốc.
Tuy nhiên trong một xã hội phát triển đa dạng và phức tạp như hiện nay, cá nhân những Thầy Thuốc tốt không thể đáp ứng tốt được yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của người dân nếu các Thầy Thuốc không có đủ hổ trợ cần thiết và đầy đủ của ngành, của cả hệ thống tổ chức, và của toàn xã hội.
Tuần rồi khi được hân hạnh tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong điều thứ 41 có câu: “Công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế…”, tôi có đề nghị thêm vài từ: “… bình đẳng trong việc được cung cấp và sử dụng các dịch vụ y tế…”. Có được cung cấp bình đẳng thì mới có cơ hội sử dụng bình đẳng được!
Thực tế hiện nay nhiều địa phương thuộc vùng sâu vùng xa vùng biên giới còn bị thiệt thòi rất nhiều trong việc được cung cấp các tiện nghi sinh hoạt cần thiết không phải chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn trong các lĩnh vực văn hóa, giao thông, giáo dục… Khỏi phải nói ai cũng biết mọi người dân đều phải đóng thuế ngang nhau, thí dụ phí bảo trì đường bộ sắp tới, người nông dân cũng sẽ phải đóng phí ngang mức với người thành thị nhưng người dân những vùng xa vẫn còn phải đi lại khó khăn vất vả rất nhiều trên đường sá nông thôn so với dân thành phố trên các đại lộ tiện nghi. Trăm công nghìn việc đổ về xã nhưng những phương tiện y học hiện đại và những thầy thuốc giỏi đa số được bố trí ở các tuyến trên … đưa đến tình trạng người bệnh dầu có nghèo vẫn “sính” đi chẩn đoán điều trị ở các thành phố lớn… Hiện tượng này cũng góp phần tạo tình trạng quá tải cho các tuyến trên mà ngành y tế đang phải đau đầu tìm cách giải quyết.
Tuy nói vậy về trách nhiệm chung của ngành y tế và của toàn xã hội, nhưng tôi nghĩ tự cá nhân từng Thầy Thuốc lúc nào cũng vẫn phải hết lòng với thiên chức nghề nghiệp của mình.
Tới đây tôi xin phép được ngưng không nói lý thuyết trong cái ý nghĩa về ngày Thầy Thuốc hôm nay. Tôi xin được kể tiếp vài câu chuyện về “cái tình” bởi vì trong Ngày Thầy Thuốc hôm nay ta cần nói chuyện với nhau bằng “cái tình”!.
Tháng rồi trên báo Tuổi Trẻ có đăng chuyện thằng Thúng là chuyện một đứa bé độ năm – sáu tuổi có khối u ổ bụng rất to (nên được gọi là thằng Thúng) nhưng nhà rất nghèo không có tiền đi bệnh viện. May thời, nó được những người hảo tâm góp tiền giúp đở, được các nhân viên y tế bệnh viện Tây Ninh thương tình đích thân đưa đi thành phố HCM hội chẩn, nhưng các BV thành phố ngần ngại không dám mổ vì chẩn đoán là “Khối U Quái”. Tuy sau đó được Trung tâm MEDIC chụp CT miễn phí và chẩn đoán là “Thai Trong Thai” nhưng các BV thành phố vẫn không muốn mổ vì ngại thằng bé suy kiệt không đủ sức chịu đựng cuộc mổ khó khăn phức tạp. Chẳng đặng đừng, BV Tây Ninh đành phải thành lập một ê-kíp Nội-Ngoại-Nhi-Gây mê- Hồi sức để lên phương án phẫu thuật và cuối cùng lấy được khối u thành công, vào năm 1995… Chẩn đoán sau mổ là “Thai Trong Thai” nặng hơn ba ký cộng thêm trong bụng thằng Thúng có mười bảy ký nước… Quá trình trước, trong và sau mỗ quả thật rất khó khăn phức tạp nhưng ê-kíp chuyên môn của BV Tây Ninh cũng đã dự trù trước nên đã ứng phó kịp thời và hữu hiệu.
Hôm nay, Thằng Thúng ngày xưa hiện đang là một thanh niên khỏe mạnh, làm nhân viên y tế tỉnh Tây Ninh để phục vụ lại người dân tỉnh Tây Ninh, và vừa mới lấy vợ là một nữ hộ sinh…
Sau bài báo, trên mạng có nhiều người bàn tán và ngợi khen nhân viên bệnh viện Tây Ninh và các nhà hảo tâm; trong đó có một bài viết mà tôi lưu ý.
Bài viết này của một bác sĩ (chắc là đã già) khi vị này cùng các đồng môn xưa đi du xuân bãi biển Ba Động tỉnh Trà Vinh năm 2010.
Ông ấy viết:
“… Những câu chuyện tương tự với chuyện thằng Thúng được giải phẩu tại BV Tây Ninh, được sống sót và trưởng thành nhờ nhiệt tình của nhân viên bệnh viện, nhờ lòng hảo tâm và từ thiện của nhiều người … cũng là chuyện đã từng xảy ra tại nhiều BV tỉnh khác trong hoàn cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn và trong lúc những con người sống trong nghèo khổ còn thương yêu nhau cảm thông nhau bằng cái tình người thật sự.
Bản thân tôi cũng trải qua những năm tháng khó khăn tại một bệnh viện nghèo tỉnh khác, có những nhân viên y tế và những nông dân tuy cũng rất nghèo nhưng sẵn lòng làm việc từ thiện công đức nên tôi cũng chứng kiến được nhiều trường hợp tương tự.
Cũng nên biết thêm là trong giai đoạn đó các bạn cùng lớp chúng ta đã được bổ nhiệm đến hệ thống y tế các tỉnh, không phải chỉ có các bác sĩ lâm sàng về các bệnh viện tỉnh mà còn các bác sĩ khác về một số đơn vị khác. Tôi đặc biệt lưu ý các bạn làm y tế dự phòng, làm các chương trình, các phong trào y tế. Do đó tôi không cần nhắc thêm kỷ niệm nào có liên quan đến các tuyền điều trị vì một chuyện thằng Thúng của BV Tây Ninh cũng đã đủ ý. Tôi chỉ muốn nhắc đến kỷ niệm có liên quan đến các bạn làm y tế dự phòng; và tôi nhớ đến BS Đức, BS Thanh… ở Trà Vinh, BS Bé, BS Chí … ở An Giang.
Hôm lớp chúng ta đi Trà Vinh, trên đường ra bãi biển Ba Động, xe chạy trên con đường mới được xây dựng trên vùng đất sình lầy ngập mặn chỉ có vài loại cây ô rô, cóc kèn, đước, mắm …mới sống được. Bên cạnh vùng sình lầy này, con đường cũng đi qua một vùng mà ngày xưa chỉ toàn là những đụn cát khô cằn chỉ có vài cây dương xơ xác. Vậy mà tại vùng đất này trong thời đó những người nghèo khổ vẫn bám lấy sống trong tình trạng thiếu nước,thiếu điện, thiếu lương thực, thiếu y tế, thiếu giáo dục, thiếu các sinh hoạt giải trí… và phải thường xuyên đối đầu với dịch bệnh, với tình trạng suy dinh dưỡng…Trên vùng đất đó hồi ba mươi năm trước, các bạn BS Đức, BS Thanh… đã đi bộ đến từng nhà trong nhiều năm liền để làm công tác phòng chống sốt rét và các phong trào y tế khác. Đi bộ vì hai bạn không có xe để đi, mà có đi xe đạp thì cũng chỉ có thể dắt xe chất túi đồ nghề chống dịch chứ không thể ngồi lên đạp được trên vùng đất đó. Dân cư thưa thớt chỉ lác đác vài mái nhà trên từng giồng đất cao hay dưới từng bóng cây bên đụn cát. Do đó hai bạn mỗi ngày phải đi hàng chục cây số mà cũng chỉ làm việc được với vài gia đình. Thỉnh thoảng, buổi chiều, người dân đáp lại ân tình bằng cách mời các cậu bác sĩ trẻ nhậu cá lóc nướng vừa mới bắt được.. Vậy mà vui. Cũng nhờ cái tình nghĩa và tình thương yêu nhau đó mà cái công việc nhọc nhằn ấy vẫn tiếp tục được trong nhiều năm liền để sau đó các thế hệ đàn em tiếp nối.
Ngày nay khi ngồi trên xe theo đoàn du lịch của lớp, quan sát sinh hoạt hai bên đường, tôi biết đời sống của người dân đã khá hơn nhiều dầu vẫn còn thua kém khá xa đời sống tại các tỉnh lớn… Được cái là bệnh sốt rét gần như đã không còn…
Tôi liên tưởng đến các bạn BS Bé, BS Chí… tại An Giang, cũng gầy nhom đen thui, quảy túi xách chống dịch đi bộ trên con đường cát nóng ngập tới cổ chân để tới các ấp thuộc các xã Ô Lâm, Tà Đảnh, Lê Trì, Ba Chúc … vùng biên giới Campuchia, nơi người Việt với người Khmer sống cũng trong điều kiện khô cằn, thiếu điện, thiếu nước, thiếu nhiều thứ nhưng thừa bệnh tật. Ở đấy con người sống chung với trâu bò, hôi hám, nhiều muỗi nhưng thiếu mùng….
Và ngày nay về cơ bản bệnh sốt rét tại tỉnh An Giang cũng đã được khống chế.
Ngoài các bạn BS Đức, BS Thanh, Bé, Chí…tôi còn biết nhiều bạn khác cùng thời với chúng ta vào lúc ấy cũng đã đi trong vùng Rừng Sát, Rừng Đước, vùng Năm Căn, U Minh, Đồng Tháp Mười…để làm công việc như vậy …cũng trong những hoàn cảnh như vậy.
Và ngày nay điều kiện y tế của người dân tại tất cả những vùng này đều đã được cải thiện.Trong công lao của ngành y tế nói chung có phần đóng góp không nhỏ của các bạn bác sĩ nói trên của chúng ta.
Một thế hệ các thầy thuốc ngày ấy rất đáng được người dân tri ân!
Riêng tại BV An Giang, tuy gần đây có một số tai tiếng đã được thanh tra làm rõ và tình trạng quá tải vượt mức đã là nguyên nhân sâu xa của nhiều nỗi bất bình của người bệnh và thân nhân… nhưng sau gần ba mươi lăm năm làm việc bắt đầu từ ngày nhận công tác từ năm 1977, tôi biết tại BV chúng ta có nhiều chuyện giống câu chuyện thằng Thúng cả về chuyên môn lẫn về tình người. Tôi biết ngoài số lượng các bằng khen, danh hiệu… không phải ít, có nhiều gương hy sinh thầm lặng của nhiều nhân viên BV cũng rất đáng được người dân tri ân.
Tôi rất cám ơn vị bác sĩ già về ý nghĩa của bài viết nên tôi chọn bài viết này và chuyện thằng Thúng để đọc trong buổi lễ hôm nay. Tuy nhiên, như triết gia Heidegger đã từng nhận xét: “ Những cuộc lễ kỷ niệm ngày càng trở nên nghèo nàn hơn trong tư tưởng …”. Mới nghe qua ai cũng cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng quả thật là hiện nay, khi cuộc sống đã lần lần mang tính phù phiếm hơn, nặng về vật chất và chủ nghĩa cá nhân hơn… con người cũng đã lần lần trở nên “hình thức” hơn – nhưng cũng “vô cảm” hơn. Nhiều buổi lễ kỷ niệm gần đây chỉ còn tổ chức “cho có hình thức”… tuy cũng có biểu ngữ, có bông hoa, có đồng phục, có văn nghệ, có diễn văn… nhưng nhiều người dự lễ như đi chơi, trong đầu mọi người chẳng còn có mấy ai thật sự nghiêm túc chiêm nghiệm về những vấn đề liên quan đến chủ đề của buổi lễ.
Tôi không muốn chúng ta đi theo vết xe đó nên những lời tôi phát biểu hôm nay có mang tính gợi ý để mọi người có cơ hội chiệm nghiệm về ý nghĩa thật sự của Ngày Thầy Thuốc VN.
Để dứt lời; khi kể những chuyện này trong Ngày Thầy Thuốc năm nay, tôi xin được phép thay mặt người dân nói lời tri ân đến tất cả các thầy thuốc; cũng thay mặt người dân tôi mong ngành y tế tỉnh ta cố gắng cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế có chất lượng đến tận những người bệnh ở nơi xa xôi nhất và tôi mong các thầy thuốc chúng ta lúc nào cũng hết lòng chăm sóc người bệnh với tất cả tấm lòng, với cái thứ tình được mọi người gọi bằng một từ cao quý, đó là “tình người”.