Dinh dưỡng cho bệnh nhân xơ gan

Để quá trình điều trị xơ gan đạt hiệu quả hơn, bệnh nhân cần lưu ý chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường chức năng gan. Một người bị bệnh gan có thể không nhận đủ năng lượng từ thức ăn, dẫn tới suy dinh dưỡng, giảm cân, teo cơ nhưng tình trạng này có thể điều chỉnh được với chế độ ăn uống phù hợp.

Đối với bệnh nhân xơ gan, tổng lượng calo 25-40 kcal/kg/ngày tuỳ theo tình trạng hoạt động thể lực. Với những tình trạng xơ gan ổn định không có tăng nhu cầu chuyển hoá, việc cung cấp quá nhiều calo có thể kèm theo tăng gánh nặng cho gan, tích đọng mỡ đặc biệt ở các bệnh nhân hồi sức. Thông thường bệnh nhân xơ gan nên đạt ở mức 25-30 kcal/kg ngày là phù hợp cho mức độ hoạt động hằng ngày.

Chất đạm (protein).

Thành phần đáng lưu tâm nhất trong chế độ ăn ở bệnh nhân xơ gan . Khi đưa vào bệnh nhân quá nhiều đạm sẽ làm tăng gánh nặng cho gan suy, tăng sản sinh amoniac và nguy cơ gây bệnh não gan và hôn mê gan. Bệnh nhân sẽ mệt nhiều hơn nếu ăn chế độ giàu protein. Đạm động vật có chứa nhiều methionine, tryptophane sẽ bị chuyển hoá trong lòng ruột sinh ra các chất chuyển hoá độc cho hệ thần kinh (mecarptan, oxyphenol..). Sử dụng các loại đạm thực vật có chứa nhiều arginine giúp làm giảm amoniac máu nhờ làm tăng tổng hợp ure.

Tuy vậy, nếu hạn chế ăn đạm sẽ làm tăng hiện tượng giáng hoá cơ, tăng tiêu huỷ cơ và teo cơ ở bệnh nhân xơ gan. Nghiên cứu cho thấy nếu ăn hạn chế đạm không làm giảm nguy cơ bệnh não gan so với chế độ đạm 1,2 gram/kg/ngày (mức cao).

Sử dụng acid amin chuỗi nhánh BCAA (leucine, isoleucine, và valine) rất tốt cho bệnh nhân xơ gan nhờ tác dụng lên hoạt động của serotonin não, ức chế con đường tiêu huỷ protein gây teo cơ. Acid amin chuỗi nhánh với liều 12-14 gram/ngày giúp bệnh nhân ăn ngon miệng hơn và chống suy mòn cho bệnh nhân xơ gan, giảm tỉ lệ tử vong 35% so với bệnh nhân ăn chế độ thông thường. Đây là cơ sở để một số sản phẩm gọi là ”đạm gan” ra đời.

Vậy thì nên hạn chế đạm hay tăng cường lượng đạm, theo quan điểm của chúng tôi, khi bệnh nhân ổn đinh nên ăn chế độ ăn nhiều đạm từ 1,2 gram/kg/ngày. Nếu bệnh nhân ở giai đoạn mất bù nên sử dụng protein < 0,8 gram/kg/ngày. Ưu tiên sử dụng BCAA.

Chất béo (lipid).

Lượng mỡ nhiều sẽ gây tích luỹ ở gan và làm tăng tiến triển xơ gan. Nên tránh các loại mỡ xấu: saturated fats, transfat và polyunsaturated fats omega 6.

Đường (Glucid).

Tăng cường chất bột, đường dễ hấp thu như gạo, khoai củ, đường glucose, mật ong, các loại quả ngọt. Tránh các loại bánh kẹo nhiều bơ sữa béo, mứt, nước ngọt.

Bổ xung các chất chống oxy hoá và vitamin nhóm B.

Những bệnh nhân xơ gan có suy giảm đáng kể nồng độ các men chống oxy hoá và nồng độ các dưỡng chất chống oxy hoá như vitamin E, kẽm, carotenoids. Về lý thuyết các chất này rất quan trọng vì có thể bảo vệ tế bào gan khỏi bị tổn thương. Acid folic cũng rất thiếu ở bệnh nhân xơ gan. Chính vì vậy việc bổ sung các vitamine và khoáng chất rất quan trọng trong dinh dưỡng điều trị xơ gan.

Chế độ ăn nhiều rau.

Người bị xơ gan nên ăn càng nhiều rau càng tốt. Trong rau có nhiều chất xơ đóng vai trò không thể thiếu để giảm nồng độ amoniac máu theo 2 cơ chế. Một là, kích thích vi khuẩn trong đại tràng tiêu thụ nitrogen. Hai là, kích thích đào thải nitrogen qua ruột nhờ tăng đào thải phân. Trong rau còn có rất nhiều acid amin thực vật như arginin giúp tăng chuyển hoá ure.

Ăn nhạt.

Đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát nước và dịch cổ chướng. Một số nghiên cứu chứng minh ăn nhạt làm cải thiện tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân xơ gan. Tiêu chí là ăn không quá 2 gram muối /ngày và có thể kết hợp thêm thuốc lợi tiểu để thải muối làm tăng hiệu quả điều trị. Ngoài ra nên ăn bằng đường ruột sẽ tốt hơn dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch cho bệnh nhân xơ gan.

Nước uống.

Hầu hết người xơ gan không cần hạn chế uống nước, trừ khi lượng natri của cơ thể ở mức dưới 125mmol/L. Thường bác sĩ sẽ yêu cầu hạn chế uống nước hàng ngày khi xơ gan tiến triển. Kể cả khi hạn chế nước, lượng nước tối thiểu hàng ngày bạn uống vẫn phải đạt 800- 1000ml

Bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ.

Một bữa ăn nhẹ gồm glucid và đạm trước khi đi ngủ giúp làm giảm hiện tượng teo cơ rất hiệu quả. Phòng tránh hiện tượng tích tụ chất béo và tiêu huỷ khối cơ về đêm. Tổng hợp 15 nghiên cứu về vai trò bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ giúp cải thiện cân bằng nitrogen và giảm tích tụ mỡ. Nên khuyên bệnh nhân ăn các bữa nhỏ kèm theo một bữa bedtime. Nên tránh ngừng thời gian dài mà không được ăn vì khả năng chịu đói của bệnh nhân xơ gan rất kém. Những bệnh nhân cần phải nhịn ăn trong thời gian dài cho thủ thuật, thăm dò chức năng, phẫu thuật nên cân nhắc bổ dung truyền đường Glucose.

Tóm lại chế độ dinh dưỡng cho người bệnh xơ gan rất quan trọng, người nhà và bệnh nhân cần lưu ý giữ cho mình chế độ ăn khoa học, giúp cho bệnh nhân xơ gan nhanh chóng phục hồi và kết quả điều trị xơ gan tốt hơn.

BS CKI NGUYỄN TẤN THÀNH

KHOA NỘI TIÊU HÓA HUYẾT HỌC

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)