Dị vật đường tiêu hóa

Dị vật đường tiêu hóa là một cấp cứu trong đời sống sinh hoạt. Tai nạn sinh hoạt này có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong. Mắc dị vật đường tiêu hóa được xem là tình trạng cấp cứu thường gặp trên lâm sàng, đặc biệt là mắc dị vật ở thực quản. Những tình trạng dị vật đường tiêu hóa vào bên trong thực quản của bệnh nhân có thể là hóc đồ ăn, hóc xương cá,… Những tình trạng này cần được xử lý kịp thời để không gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

Dị vật có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của đường tiêu hóa từ miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng và hậu môn nhưng ở đoạn thực quản và ruột non là hay gặp nhất. Dị vật thường là các xương động vật (xương gà, vịt, cá, chim…), các dị vật trong đời sống sinh hoạt (tăm tre, đinh, đồng xu…) hay các khối thức ăn dạng cơ gân. Biến chứng khi bị dị vật đường tiêu hóa trên rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, gây thủng nội tạng chảy máu, áp xe tại chỗ, nhiễm trùng máu thậm chí gây tử vong.

Một số nguyên nhân dẫn đến dị vật đường tiêu hóa hay gặp trên thực tế lâm sàng đó là:

  • Ăn quá nhanh và uống quá nhanh, nuốt vội vàng nên những khối thức ăn có dị vật bên trong không được nhận biết và bệnh nhân nuốt chúng vào đường tiêu hóa
  • Thói quen vừa ăn vừa trò chuyện
  • Thói quen nhai không kỹ và không cẩn thận
  • Bệnh nhân lớn tuổi không thể cắn và xé thức ăn do răng yếu nên có xu hướng nuốt khối thức ăn có xương hoặc dị vật vào thực quản mà không nhai
  • Thói quen vội uống thuốc chưa bỏ vỏ chứa cạnh sắc nhọn
  • Thói quen dùng tăm tre sau khi ăn và ngậm tăm tre.Dùng và ngậm tăm tre sau khi ăn dễ dẫn đến hóc dị vật
  • Một số bệnh lý khác cũng gây ra dị vật đường tiêu hóa như hẹp thực quản, co thắt thực quản, sẹo loét thực quản, hẹp tâm vị, hẹp môn vị hẹp hành tá tràng…
  • Những bệnh lý gây chèn ép thực quản như u trung thất
  • Người sử dụng răng giả
  • Những người từng phẫu thuật dạ dày và tá tràng
  • Trẻ em có thói quen ngậm đồ chơi

Chẩn đoán dị vật đường tiêu hóa bằng cách nào?

– Khi nghi ngờ người bệnh có dị vật đường tiêu hóa, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử ăn uống và triệu chứng xâm nhập khi hóc, nuốt dị vật.

– Chụp X quang có thể thấy hình ảnh dị vật ở những dị vật cản quang hoặc hình ảnh gián tiếp là viêm phổi, tràn dịch màng phổi trong dị vật thực quản đã có biến chứng, có hơi trong ổ bụng trong dị vật ruột non hoặc đại trực tràng có biến chứng thủng.

– Siêu âm có thể thấy khối áp xe hoặc chụp CT Scan có thể thấy được hình ảnh dị vật.

– Nội soi dạ dày tá tràng là phương pháp sử dụng để chẩn đoán xác định và điều trị can thiệp qua nội soi (gắp dị vật thực quản hoặc dạ dày).

– Xét nghiệm máu thấy có hội chứng nhiễm trùng, bạch cầu máu tăng.

Phương pháp điều trị dị vật đường tiêu hóa hiện nay

– Đối với dị vật đường tiêu hóa ở thực quản, dạ dày thì điều trị bằng phương pháp gắp dị vật qua nội soi là phương pháp an toàn và triệt để nhất: Người bệnh sẽ được khám lâm sàng, chụp X-quang xác định, làm các xét nghiệm tiền mê. Tiến hành gắp dị vật qua nội soi gây mê đường tiêu hóa đảm bảo an toàn, không đau và tránh co thắt thực quản, kích thích, nôn khi soi.

– Tuy nhiên, ở giai đoạn muộn, khi dị vật đã gây biến chứng viêm, áp xe trung thất thì việc điều trị hết sức khó khăn, đòi hỏi bác sĩ điều trị phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm điều trị và tay nghề cao. Các trường hợp này cần được điều trị tại các trung tâm lớn nhiều kinh nghiệm vì quá trình phẫu thuật phức tạp, cần nhiều kinh nghiệm lúc phẫu thuật cũng như hồi sức.

– Đối với dị vật ruột non hoặc đại trực tràng thì phải phẫu thuật. Tùy theo giai đoạn sớm hay muộn, tùy theo kinh  nghiệm phẫu thuật viên cũng như tùy theo điều kiện của cơ sở y tế mà bệnh nhân được phẫu thuật nội soi hay mổ mở, có cắt ruột hay không cũng như bệnh nhân có mang hậu môn nhân tạo hay không.

Phòng ngừa dị vật đường tiêu hóa

Trong khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa cười đùa, mất tập trung.

  • Tránh thức ăn dai, gân, da, thức ăn có lẫn xương
  • Tránh cho trẻ nhỏ chơi những vật có kích thước nhỏ, dễ bỏ vào miệng
  • Cần cắt nhỏ nấu kỹ thức ăn cho người cao tuổi, trẻ nhỏ
  • Lưu ý các loại thịt, cá có lẫn xương mà chưa được lọc kỹ
  • Bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn xong
  • Bóc bỏ vỏ thuốc khỏi vỉ trước khi dùng
  • Khi có tiệc rượu hết sức cẩn thận trong quá trình ăn uống

Khi nghi ngờ đã nuốt dị vật hoặc cảm thấy các triệu chứng khó chịu đã được mô tả ở trên, người bệnh cần đến khám tại các cơ sở Y tế có chuyên khoa Tiêu hóa để được điều trị can thiệp ngay. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà, không chữa theo mẹo dân gian, không cố nuốt thêm thức ăn với mục đích làm dị vật “trôi” xuống vì điều này có thể làm tổn thương thêm đường tiêu hóa và khiến bệnh thêm phức tạp.

C:\Users\Noi Soi\Desktop\TAM.jpg

Dị vật là tăm tre đâm thủng đại tràng

C:\Users\Noi Soi\Desktop\TQ.jpg

Dị vật thực quản là viên thuốc còn vỏ

Bác sĩ Huỳnh Tuyền Khanh,

Khoa Nội Tiêu hóa huyết học

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)