Đánh giá tình trạng mô nha chu các răng kế cận sau phẫu thuật răng khôn hàm dưới mọc lệch

Bùi Thanh Nghị, Mai Ngọc Hiếu, Nguyễn T.K. Phương Trinh, Lâm Thị Ngọc

Khoa Răng Hàm Mặt, BV An Giang

TÓM TẮT

Mục tiêu: Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá sự thay đổi của mô nha chu các răng kế cận với răng khôn hàm dưới mọc lệch tại thời điểm 1 và 3 tháng sau phẫu thuật.

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu lâm sàng tiến cứu được thực hiện trên mẫu thuận tiện gồm 34 bệnh nhân được phẫu thuật nhổ răng khôn hàm dưới mọc lệch. Việc đánh giá lâm sàng tình trạng mô nha chu dựa theo các chỉ số mảng bám, chỉ số nướu, chỉ số chảy máu khi thăm khám và độ sâu túi khi thăm dò, được thực hiện tại thời điểm trước phẫu thuật, 1 và 3 tháng sau phẫu thuật.

Kết quả và kết luận: Kết quả cho thấy sự giảm có ý nghĩa thống kê các chỉ số mảng bám, chỉ số nướu, chỉ số chảy máu, độ sâu túi tại các thời điểm nghiên cứu. Từ đó cho phép kết luận việc phẫu thuật răng khôn hàm dưới mọc lệch có tác động tích cực đến tình trạng nha chu các răng kế cận.

THE PERIODONTAL STATUS OF ADJACENT MOLARS AFTER SURGICAL EXTRACTION OF ASYMPTOMATIC IMPACTED LOWER THIRD MOLARS

ABSTRACT

Objective: The aim of this study was to investigate the effect of mandibular third-molar removal on periodontal health of adjacent molars at 1 and 3 months after surgical.

Material and method: This clinical retrospective study was conducted on 34 patients presenting an asymptomatic impacted lower third molars. Plaque index, gingival index, probing depth, bleeding on probing have been described for periodontal status of adjacent molars at preoperative. 1and 3 months after the surgery removing impacted lower third molars, all patients were reexamined to evaluate changes in periodontal tissues.

Results: The results showed that all the clinical parameters decreased significantly during the follow up period.

Conclusion: The surgical removal of asymptomatic impacted lower third molars may provide some benefit improving the periodontal health of adjacent molars.

I.ĐẶT VẤN ĐỀ

Răng số 8 thường mọc ở lứa tuổi 18 – 31 tuổi, đây là lứa tuổi trưởng thành nên răng số 8 còn được gọi là răng khôn. Do là răng xuất hiện cuối cùng nên răng khôn thường không còn nhiều khoảng trống trên cung hàm để phát triển, từ đó dễ đẫn đến tình trạng răng khôn mọc lệch hoặc ngầm, điều này thường thấy ở các răng khôn hàm dưới. Răng khôn mọc lệch có thể gây ra các biến chứng như: sâu răng, viêm mô nha chu, viêm quanh thân răng, tiêu chân răng kế cận hoặc nặng hơn có thể dẫn đến viêm mô tế bào, u và nang xương hàm dưới gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

So với răng khôn hàm trên, răng khôn hàm dưới thường được chỉ định nhổ theo phương pháp phẫu thuật, đây là hình thức can thiệp chiếm tỷ lệ cao trong chuyên khoa phẫu thuật miệng. Việc nhổ phẫu thuật răng khôn hàm dưới đôi khi xâm lấn đáng kể vào mô xương và mô mềm xung quanh, do đó cũng gây ảnh hưởng đến tình trạng mô nha chu các răng kế cận. Một vài nghiên cứu đã kết luận rằng có sự giảm chiều cao xương ổ, mất bám dính và tăng độ sâu túi ở mặt xa răng cối lớn thứ hai sau phẫu thật nhổ răng khôn hàm dưới kế cận.

Tuy nhiên một số tác giả lại kết luận nhổ sớm răng khôn hàm dưới mọc lệch cải thiện đáng kể tình trạng mô nha chu ở mặt xa răng cối lớn thứ hai, đồng thời tác động tích cực đến tình trạng sức khỏe răng miệng nói chung. Vì còn nhiều bàn cãi xung quanh vấn đề có hay không sự cải thiện tình trạng mô nha chu sau phẫu thuật răng khôn hàm dưới mọc lệch, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá sự thay đổi mô nha chu tại các răng thuộc sextant kế cận với răng khôn hàm dưới mọc lệch tại thời điểm 1 và 3 tháng sau phẫu thuật.

Mục tiêu tổng quát:

Đánh giá tình trạng mô nha chu các răng thuộc kế cận sau phẫu thuật nhổ răng khôn hàm dưới mọc lệch

Mục tiêu cụ thể:

Đánh giá tình trạng mảng bám theo chỉ số mảng bám PlI

Đánh giá tình trạng viêm nướu, chảy máu nướu theo chỉ số GI và BOP

Đánh giá độ sâu túi nướu răng kế cận theo chỉ số PD

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.Mẫu nghiên cứu

Mẫu nghiên cứu gồm các bệnh nhân được chọn theo kỹ thuật chọn mẫu thuận tiện có chỉ định và nhu cầu phẫu thuật nhổ răng khôn hàm dưới mọc lệch, đến khám và điều trị tại khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Đa Khoa Trung Tâm An Giang trong khoảng thời gian từ tháng 03/2017 – 06/2017.

1.1Tiêu chí chọn mẫu

Bệnh nhân trên 18 tuổi có răng khôn hàm dưới mọc lệc và chưa có tai biến tại chỗ do răng khôn. Bệnh nhân có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh nội khoa, không sử dụng bất kì loại thuốc nào ảnh hưởng đến sự chảy máu và lành thương sau phẫu thuật.

1.2Tiêu chí loại trừ

Bệnh nhân không hợp tác trong việc tuân thủ các quy định về tái khám sau phẫu thuật. Bệnh nhân có bệnh nha chu đang điều trị trong thời gian nghiên cứu hay có tình trạng nhiễm trùng cấp tại vị trí răng khôn. Bệnh nhân có các bệnh lý toàn thân ảnh hưởng đến chỉ định phẫu thuật hay có tiền sử dị ứng với thuốc tê.

2.Phương pháp nghiên cứu

2.1Thiết kế nghiên cứu:Thử nghiệm lâm sàng có đối chứng

2.2 Phương pháp chọn mẫu: chọn mẫu thuận tiện

2.3 Cỡ mẫu: Tất cả các bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa RHM, bệnh viện ĐKTT An Giang thỏa mãn các tiêu chí nêu trên. Qua nghiên cứu, chúng tôi khảo sát được trên 28 bệnh nhân thỏa mản các tiêu chí chọn mẫu.

2.4 Phương tiện nghiên cứu:

Dụng cụ: bộ đồ khám, bộ dụng cụ phẫu thuật, trâm thăm dò UNC – 15

Vật liệu: thuốc tê Lidocaine 2% với thuốc co mạch Epinephrin nồng độ 1:10000, chỉ Silk 3.0

3.Các bước thực hiện

3.1 Chuẩn bị trước nghiên cứu

Bệnh nhân được giải thích và thông báo đầy đủ về mục đích, cách thức tiến hành nghiên cứu và kí tên vào phiếu đồng ý tham gia nghiên cứu.

Nghiên cứu viên được tập huấn cách ghi nhận các chỉ số: PlI, GI, BOP, PD. Tất cả các bệnh nhân đều được thăm khám và ghi nhận các chỉ số bởi cùng một nghiên cứu viên.

 

3.2 Trước phẫu thuật

Bệnh nhân được chụp phim toàn cảnh hoặc chếch nghiêng, xét nghiệm tiền phẫu, đánh giá các chỉ số nha chu tại các răng kế cận răng khôn cần phẫu thuật, bao gồm:

Chỉ số PlI của Loe và Silness với 4 mức độ: (0) không hiện diện mảng bám, (1) mắt thường không thấy mảng bám nhưng thấy được khi dùng đầu cây thăm dò túi nha chu cạo trên bề mặt răng từ khe nướu, (2) mảng bám thấy được bằng măt thường, (3) mảng bám vụn thức ăn tích tụ nhiều. Đánh gía tại các vị trí của răng: gần ngoài, giữa ngoài, xa ngoài và mặt trong từ răng cối lớn thứ nhất đến răng cối lớn thứ hai. Tổng điểm của bốn vị trí được chia trung bình để có điểm số mỗi răng.

Chỉ số nướu GI của Loe và Silness với 4 mức độ: (0) nướu khỏe mạnh, (1) nướu viêm nhẹ, thay đổi về màu sắc, hơi phù nề, không chảy máu khi thăm dò, (2) nướu viêm trung bình, đỏ phù nề, chảy máu khi thăm dò, (3) nướu viêm nặng, nướu đỏ phù nề nhiều, lở loét chảy máu tự phát. Đánh giá tại các vị trí: gai nướu gần ngoài, nướu mặt giữa ngoài, gai nướu xa ngoài, và nướu mặt trong từ răng cối lớn thứ nhất đến răng cối lớn thứ hai. Tổng điểm của bốn vị trí được chia trung bình để có điểm số cho mỗi răng.

Chỉ số chảy máu khi thăm dò BOP: xác định có hay không có chảy máu khi thăm khám đúng cách, đánh giá tại những vị trí gai nướu, nướu viền mặt ngoài và mặt trong từ răng cối lớn thứ nhất đến răng cối lớn thứ hai. Phần trăm vị trí chảy máu khi thăm khám (%BOP) được tính theo công thức sau

 

Chỉ số độ sâu túi PD: đo khoảng cách từ bờ nướu đến đáy túi tại 4 vị trí trên răng cối lớn thứ hai kế cận răng khôn: xa ngoài, xa trong, giữa ngoài, giữa trong và được tính bằng milimet.

3.3 Trong phẫu thuật

Tất cả các bệnh nhân đều được phẫu thuật bởi cùng một phẫu thuật viên theo kỹ thuật phẫu thuật cơ bản đang được sử dụng tại khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Đa Khoa Trung Tâm An Giang.

Tất cả bệnh nhân đều dùng toa thuốc giống nhau gồm: Amoxicilline 500mg – 15 viên, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên; Paracetamol 500mg – 9 viên, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên.

 

3.4 Sau phẫu thuật

Bệnh nhân được cắt chỉ vào ngày thứ bảy sau phẫu thuật và được hẹn quay lại tái khám sau 1 tháng và 3 tháng để ghi nhận lại các chỉ số nghiên cứu.

 

4. Xử lý và phân tích số liệu

Số liệu thu thập được phân tích và xử lý bằng phần mềm SPSS 16.0 sử dụng phép kiểm t bắt cặp so sánh các chỉ số trước và sau phẫu thuật.

Tất cả các kiểm định trên được dùng với độ tin cậy 95% và được kết luận có sự khác biệt có ý nghĩa khi p<0.05, sự khác biệt không có ý nghĩa khi p>0,05.

 

III. KẾT QUẢ

Bảng 1: Phân bố tuổi của mẫu nghiên cứu

n Tuổi trung bình
Nam 18 22 ± 2,34
Nữ 16 21 ± 2,25
Tổng 34 21,56 ± 2,03

Bảng 2: So sánh các chỉ số mảng bám ở các răng thuộc sextant kế cận trước và sau PT

Trước PT

(TB±ĐLC)

P1 Sau PT 1 tháng

(TB±ĐLC)

P2 Sau PT 3 tháng

(TB±ĐLC)

P3
Răng 6 0,75±0,71 NS 0,68±0,65 * 0,48±0,52 *
Răng 7 1,23±0,76 * 0,81±0,68 * 0,68±0,51 *

Chỉ số mảng bám ở các răng kế cận răng khôn mọc lệch giảm sau phẫu thuật so với trước phẫu thuật, trong đó giảm rõ rệt ở R7 và xuất hiện sớm ở thời điểm 1 tháng sau phẫu thuật.

Bảng 3: So sánh các chỉ số nướu ở các răng thuộc sextant kế cận trước và sau PT

Trước PT

(TB±ĐLC)

P1 Sau PT 1 tháng

(TB±ĐLC)

P2 Sau PT 3 tháng

(TB±ĐLC)

P3
Răng 6 0,96±0,78 NS 0,86±0,76 * 0,65±0,66 *
Răng 7 1,34±0,85 * 1,04±0,78 * 0,74±0,73 *

Chỉ số nướu giảm sau phẫu thuật răng khôn mọc lệch, giảm rõ và giảm nhiều ở răng số 7 kế cận.

Bảng 4: So sánh độ sâu túi ở răng 7 trước và sau PT

Vị trí Trước PT

(TB±ĐLC)

P1 Sau PT 1 tháng

(TB±ĐLC)

P2 Sau PT 3 tháng

(TB±ĐLC)

P3
Xa ngoài 4,23±1,81 NS 4,05±1,77 NS 3,54±1,72 *
Xa trong 4,05±1,68 NS 3,67±1,53 NS 3,57±1,64 NS
Giữa ngoài 3,01±1,12 NS 2,26±1,81 NS 2,23±1,41 NS
Giữa trong 2,23±0,81 NS 2,13±0,72 NS 2,05±0,81 NS

Độ sâu túi ở răng cối lớn thứ hai chỉ cải thiện có ý nghĩa tại vị trí xa ngoài, sự cải thiện này chỉ xuất hiện ở thời điểm sau phẫu thuật 3 tháng.

Bảng 5: So sánh %BOP của toàn sextant trước và sau PT

Trước PT

(TB±ĐLC)

P1 Sau PT 1 tháng

(TB±ĐLC)

P2 Sau PT 3 tháng

(TB±ĐLC)

P3
Sextant 25,54±23,56 NS 23,67±21,42 18,14±12,65 *

Chỉ số chảy máu khi thăm dò: phần trăm vị trí chảy máu khi thăm dò đều giảm sau phẫu thuật, nhưng chỉ có ý nghĩa thống kê tại thời điểm sau phẫu thuật 3 tháng.

P1 : Phép kiểm t bắt cặp, so sánh giữa trước PT và sau PT 1 tháng

P2 : Phép kiểm t bắt cặp, so sánh giữa sau PT 1 tháng và 3 tháng

P3 : Phép kiểm t bắt cặp, so sánh giữa trước PT và sau PT 3 tháng

NS: Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê

* : Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với P<0,05

III. BÀN LUẬN

Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự cải thiện chỉ số mảng bám, chỉ số viêm nướu, chỉ số chảy máu khi thăm dò ở các bệnh nhân sau phẫu thuật nhổ răng khôn mọc lệch. Sự thay đổi rõ rệt nhất ở thời điểm 3 tháng sau phẫu thuật và thường xuất hiện nhiều ở răng cối lớn thứ hai hơn là răng cối lớn thứ nhất. Răng khôn mọc lệch có trục răng thay đổi dễ gây tích tụ và nhồi nhét thức ăn giữa răng này và răng cối lớn kế cận, điều này làm ảnh hưởng tâm lý của người bệnh. Bệnh nhân sẽ hạn chế ăn nhai ở bên vùng hàm có răng khôn lệch cùng với đó là việc kiểm soát vệ sinh răng miệng của bệnh nhân bị ảnh hưởng đáng kể. Sau phẫu thuật nhổ răng khôn, các ngyên nhân này được loại bỏ nên có sự cải thiện đáng kể chỉ số mảng bám. Ngoài ra việc tái khám theo hẹn từ khi bắt đầu điều trị đến sau phẫu thuật cũng phần nào tác động thuận lợi về tâm lý của bệnh nhân, giúp họ quan tâm hơn đến vấn đề răng miệng của mình từ đó tăng cường ý thức vệ sinh răng miệng. Sự thay đổi chỉ số mảng bám diễn ra rõ rệt và xuất hiện sớm ở răng cối lớn thứ hai nhiều hơn so với răng cối lớn thứ nhất có thể giải thích do đây là răng nằm sát răng khôn, là răng chịu tác động bất lợi trực tiếp từ sự mọc lệch của răng khôn, đây cũng là răng nằm gần như cuối cùng trên cung hàm nên dễ tích tụ thức ăn, mảng bám và khó chải rữa. Chính vì vậy, khi răng khôn được nhổ và bệnh nhân tăng cường vệ sinh răng miệng thì sự cải thiện ở răng này là rõ rệt và xảy ra sớm so với răng khác.

Viêm nướu là biểu hiện sớm của viêm nha chu, nguyên nhân trực tiếp là do sự tích tụ mảng bám. Chỉ số mảng bám và tình trạng viêm nướu có liên quan chặt chẽ đến nhau(2). Do đó, khi chỉ số mảng bám trên các răng cối lớn được cải thiện theo chiều hướng tích cực sẽ giúp cải thiện chỉ số viêm nướu cùng với đó cũng làm giảm các chỉ số chảy máu nướu khi thăm khám. Kết quả về việc cải thiện chỉ số mảng bám và tình trạng nướu sau phẫu thuật răng khôn mọc lệch trong nghiên cứu phù hợp với các kết quả của một số nghiên cứu khác. Nguyễn Tôn Việt và cộng sự (2012)(10) khi nghiên cứu ảnh hưởng của việc nhổ răng khôn mọc lệch lên các răng kế cận đã kết luận việc nhổ răng khôn giúp cải thiện chỉ số mảng bám và chỉ số nướu. Nghiên cứu của Martin (2013)(9) và Petsos (2016)(11) cũng cho rằng việc nhổ răng khôn mọc lệch có tác động làm giảm chỉ số PlI và GI trên các răng kế cận. Tuy nhiên, nghiên cứu của Majid (2012)(8) lại cho thấy chỉ số GI gia tăng sau phẫu thuật răng khôn mọc lệch, nhưng sự gia tăng này không có ý nghĩa thống kê.

Khi so sánh sự thay đổi về độ sâu túi tại vị trí răng cối lớn thứ hai trước và sau phẫu thuật, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi diễn ra chủ yếu là ở phía xa nơi tiếp giáp giữa răng khôn và răng cối lớn thứ hai. Nhìn chung là có sự cải thiện độ sâu túi sau can thiệp nhổ răng khôn so với trước khi nhổ răng. Sự cải thiện rõ và có ý nghĩa thống kê là ở phía xa ngoài của răng cối lớn thứ hai, điều này có thể do chiều hướng tác động và trục của răng khôn lệch. Coleman (2011)(4) cũng đã kết luận trong nghiên cứu của mình là việc nhổ răng khôn mọc lệch không làm tổn thương mô nha chu răng cối lớn thứ hai mà trong một số trường hợp còn giúp cải thiện độ sâu túi ở những răng này. Nghiên cứu của Nguyễn Tôn Việt (2012), Martin (2013) và Petsos (2016) cũng đưa ra kết luận tương tự.

Việc nhổ răng khôn mọc lệch khi gây biến chứng làm tổn thương mô nha chu răng cối lớn thứ hai kế cận từ lâu đã được xem là một chỉ định rõ ràng. Tuy nhiên, lại có nhiều ý kiến trái ngược về chỉ định nhổ răng khôn mọc lệch chưa có biến chứng do quan ngại trong quá trình phẫu thuật, việc rạch nướu tạo vạt, mở xương sẽ ảnh hưởng xấu đến mô nha chu răng cối lớn thứ hai. Bên cạnh đó một số nghiên cứu của Majid (2012), Mettes (2012), Ghaeminia (2016)(5) cho rằng không có bằng chứng đáng tin cậy về việc răng khôn mọc lệch làm gia tăng các bệnh về răng miệng. Tuy nhiên, các tác giả này cũng cho rằng về lâu dài răng khôn mọc lệch là một yếu tố thuận lợi cho việc phát sinh các bệnh lý răng miệng nếu bệnh nhân không giữ vệ sinh răng miệng tốt. Nghiên cứu của Golden BA (2015)(6) theo dõi sự tiến triển tự nhiên sau 6 năm của răng khôn mọc lệch chưa gây biến chứng thì cho thấy có sự gia tăng bệnh lý nha chu tại răng này và răng cối lớn thứ hai kế cận biểu hiện bằng sự gia tăng độ sâu túi so với thời điểm bắt đầu theo dõi.

IV. Kết luận

Qua nghiên cứu chúng tôi cho rằng, việc phẫu thuật răng khôn hàm dưới mọc lệch có tác động tích cực đến tình trạng nha chu các răng kế cận. Điều này khuyến khích nhổ dự phòng các răng khôn mọc lệch dù chưa gây biến chứng tại chỗ nhằm tránh gây ảnh hưởng bất lợi đến tình trạng nha chu các răng kế cận cũng như tình trạng sức khỏe răng miệng nói chung.

V. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Barbato L, Kalemaj Z, Buti J, Baccini M, La Marca M, Duvina M, Tonelli P (2016). “Effect of Surgical Intervention for Removal of Mandibular Third Molar on Periodontal Healing of Adjacent Mandibular Second Molar: A Systematic Review and Bayesian Network Meta-Analysis”, J Periodontol 87(3): 291-302.
  2. Chaves ESWood RCJones AANewbold DAManwell MAKornman KS (1993). “Relationship of “bleeding on probing” and “gingival index bleeding” as clinical parameters of gingival inflammation”, J Clin Periodontol 20(2): 139-43.
  3. Chou YH, Ho PS, Ho KY, Wang WC, Hu KF (2017). “Association between the eruption of the third molar and caries and periodontitis distal to the second molars in elderly patients”, Kaohsiung J Med Sci 33(5): 246-251.
  4. Coleman M, McCornick A, Laskin DN (2011). “The incidence of periodontal defects distal to the maxillary second molar after impacted third molar extraction”. American Association of Oral and Maxillofacial Surgeon 69: 319-321.
  5. Ghaeminia HPerry JNienhuijs METoedtling VTummers MHoppenreijs TJVan der Sanden WJMettes TG (2016), “Surgical removal versus retention for the management of asymptomatic disease-free impacted wisdom teeth”, Cochrane Database Syst Rev (8):CD003879
  6. Golden BA, Baldwin C, Sherwood C, Abdelbaky O, Phillips C, Offenbacher S, White RP (2015). “Monitoring for periodontal inflammatory disease in the third molar region”, J Oral Maxillofac Surg 73(4):595-9
  7. Lê Đức Lánh (2012). “Phẫu thuật miệng”, Tập 2, Nhà xuất bản Y Học.
  8. Majid EshghpourReza ShahakbariAmirhossein Nejat (2012), “Periodontal Problems Following Surgical Extraction of Impacted”, Journal of Dental Materials and Techniques, Volume 2, Number 2, 2013, pp. 59-62(4)
  9. Martin R, Louvrier A, Weber E, Chatelain B, Meyer C (2014), “Consequences of impacted wisdom teeth extraction on the periodontal environment of second molars”, J Stomatol Oral Maxillofac Surg 118(2):78-83
  10. Nguyễn Tôn Việt, Nguyễn Thị Bích Lý (2013), “Tình trạng mô nha chu sau phẫu thuật răng khôn hàm dưới mọc lệch ở sextant kế cận”, Y Học TP. Hồ Chí Minh 17(2): 124-130
  11. Petsos H, Korte J, Eickholz P, Hoffmann T, Borchard R (2016). “Surgical removal of third molars and periodontal tissues of adjacent second molars”, J Clin Periodontol 43(5):453-60
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)