Bệnh thoái hóa khớp gối

BỆNH THOÁI HÓA KHỚP GỐI

BSCKII.Trương Văn Lâm-Trưởng khoa nội tổng hợp-

(Bệnh Viện Đa Khoa Trung Tâm An Giang)

1.Đại cương

Thoái hoá khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và huỷ hoại của sụn và xương dưới sụn. Sự mất cân bằng này có thể được bắt đầu bởi nhiều yếu tố: di truyền, phát triển, chuyển hoá và chấn thương, biểu hiện cuối cùng của thoái hóa khớp là các thay đổi hình thái, sinh hoá, phân tử và cơ sinh học của tế bào và chất cơ bản của sụn dẫn đến nhuyễn hoá, nứt loét và mất sụn khớp, xơ hoá xương dưới sụn, tạo gai xương và hốc xương dưới sụn.

Bệnh thường gặp ở nữ giới, chiếm 80% các trường hợp thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là một căn bệnh phức tạp có tác động không nhỏ tới cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Người bị thoái hóa khớp gối cũng nên lưu ý bên cạnh chế độ ăn uống cũng cần tuân thủ một số nguyên tắc để hạn chế cơn đau, kiểm soát triệu chứng của bệnh.

Thoái hóa khớp gối là căn bệnh diễn tiến âm thầm nên rất ít người phát hiện kịp thời. Dấu hiệu sớm nhất nhận biết thoái hóa khớp gối là đau mặt trước khớp gối, xuất hiện tiếng kêu lạo xạo khi gấp duỗi, nhưng nhiều người thường chủ quan bỏ qua. Đến khi bệnh tiến triển nặng sẽ gây nên các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và lao động hàng ngày của người bệnh.

Thực chất, thoái hóa khớp gối là tình trạng tổn thương sụn khớp kèm phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp do quá trình tái tạo sụn khớp không kịp để bù vào lớp sụn đã mất theo thời gian.

Hiện nay, thoái hóa khớp gối đang có xu hướng gia tăng ở những người trẻ tuổi do lối sống thụ động, ít vận động cùng chế độ dinh dưỡng không khoa học. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể gây tàn phế suốt đời khi không thể đi lại được.

2. Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối:

  • Do tuổi tác: Khi tuổi càng cao, quá trình tổng hợp của sụn càng bị suy giảm. Sau độ tuổi trưởng thành tế bào sụn cũng không có khả năng sinh sản và tự tái tạo.
  • Giới tính: Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên thường có nguy cơ mắc các bệnh viêm khớp hơn nam giới. Nguyên nhân do dây chằng trước của khớp gối yếu hơn, và thói quen đi giày cao gót gây áp lực trực tiếp lên sụn tạo cơ hội thoái hóa tiến triển nhanh.
  • Thừa cân hoặc béo phì: Việc thừa cân sẽ tạo áp lực lên hai khớp gối, sụn khớp nhanh hao mòn và hỏng dần theo thời gian.
  • Chấn thương do chơi thể thao hoặc tai nạn: Những rủi ro làm gãy xương bánh chè, đầu dưới xương đùi, giãn hoặc đứt dây chằng…đều khiến sụn bị tổn thương nghiêm trọng. Người bệnh nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến lệch trục khớp, gây thoái hóa từ từ.
  • Di truyền: Một số người bị thoái hóa khớp là do yếu tố di truyền.
  • Vận động quá sức: Lao động nặng hoặc chơi thể thao, tập luyện ở cường độ cao cũng dẫn đến thoái hóa khớp nhanh.
  • Không thường xuyên hoạt động thể dục: Lười tập thể dục có thể khiến các cơ bị lỏng lẻo, các khớp xương thiếu độ linh hoạt, cấu trúc cơ, xương, gân, dây chằng dễ bị sai lệch. Nếu thường xuyên tập luyện tăng sức mạnh cơ có thể giảm đến 30% nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối.
  • Sử dụng thuốc corticoid không đúng cách: Corticoid được sử dụng nhiều trong điều trị chống dị ứng, kháng viêm, ức chế miễn dịch nhưng nếu quá lạm dụng có thể càng làm tăng mức độ thoái hóa khớp.
  • Chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học: Việc ăn uống thiếu chất khiến túi hoạt dịch tiết ra ít chất nhờn, uống rượu bia quá nhiều khiến sụn khớp bị hủy hoại nghiêm trọng.
  • Bệnh lý khác: Nhiều bệnh khác cũng có ảnh hưởng xấu đến xương khớp và sụn như béo phì, gút, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, hội chứng rối loạn chuyển hóa, bàn chân bẹt,…

3.Dấu hiệu thoái hóa khớp gối

Bệnh nhân thoái hóa khớp gối thường bị đau mặt trước hoặc trong khớp gối

Các triệu chứng thông thường của thoái hóa khớp gối bao gồm:

  • Đau mặt trước hoặc trong khớp gối, cơn đau tăng khi vận động hoặc khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng. Lúc đầu sẽ xuất hiện các cơn đau nhức đầu gối, lâu dần cơn đau sẽ tăng và kéo dài.
  • Khớp cứng và khó cử động sau khi ở yên một chỗ lâu. Mất linh hoạt.
  • Khớp gối có thể bị sưng to…

4. Điều trị

*Nguyên tắc điều trị

– Giảm đau trong các đợt tiến triển.

– Phục hồi chức năng vận động của khớp, hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp.

– Tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc, lưu ý tương tác thuốc và các bệnh kết hợp ở người cao tuổi.

– Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

*Điều trị nội khoa

  • Thuốc giảm đau nhẹ: Paracetamol…
  • Thuốc giảm đau không steroid: Diclofenac, Aspirin…
  • Thuốc giãn cơ: Myonal 50mg,
  • Tiêm chất nhờn vào khớp gối: Giúp giảm đau, chống viêm và cải thiện chức năng vận động..
  • Thuốc làm thay đổi sụn khớp (Glucosamine sulfate: 1,5g/ngày, Thuốc ức chế Interleukin 1: Diacerein 50mg x 2 viên/ngày).

*Vật lý trị liệu

*Phẫu thuật thay khớp nhân tạo

Được chỉ định ở các thể nặng tiến triển, có giảm nhiều chức năng vận động. Thường được áp dụng ở những bệnh nhân trên 60 tuổi. Thay khớp gối một phần hay toàn bộ khớp.

*Theo dõi và quản lý

– Chống béo phì.

– Có chế độ vận động thể dục thể thao hợp lý, bảo vệ khớp tránh quá tải.

– Phát hiện điều trị chỉnh hình sớm các dị tật khớp (lệch trục khớp, khớp gối vẹo trong, vẹo ngoài..)..

*.Phòng bệnh.

  • Duy trì trọng lượng lý tưởng
  • Tập thể dục thường xuyên, ở mức độ thích hợp: tập vận động khớp, đạp xe,bơi lội…
  • Tránh các tác động lực lên khớp gối có tính chất lặp đi lặp liên lặp lại liên tục(do thói quen nghề nghiệp, thể thao..)
  • Tránh chấn thương khớp gối
  • Nghỉ ngơi và điều trị đầy đủ mỗi khi bị đau ở khớp gối.
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)