Bản tin sự cố y khoa 6 tháng đầu năm 2023

Sự cố y khoa là điều khó tránh khỏi trong môi trường nhiều rủi ro như bệnh viện và trong nhiều trường hợp nằm ngoài tầm kiểm soát. Việc khắc phục và làm giảm thiểu sai sót, sự cố y khoa là một công việc khó khăn, lâu dài nên đòi hỏi cần có sự tham gia của toàn bộ hệ thống y tế, kể cả sự tham gia của người bệnh và cộng đồng trên toàn xã hội.

Theo WHO sự cố y khoa không mong muốn là tổn thương làm cho người bệnh mất khả năng tạm thời hoặc vĩnh viễn, kéo dài ngày nằm viện hoặc chết. Nguyên nhân do công tác quản lý khám chữa bệnh hơn là do biến chứng bệnh của người bệnh.

Ở nước ta, sự cố y khoa xảy ra sẽ gây sự quan tâm theo dõi của toàn xã hội đối với ngành y tế. Áp lực mà các bệnh viện và người hành nghề đang phải đối mặt là một số người nhà người bệnh và nhóm người có toan tính lợi dụng sự cố y khoa để gây rối loạn trật tự xã hội, lợi dụng gây áp lực bồi thường tài chính gây ảnh hưởng tới uy tín, sức khỏe, tính mạng người hành nghề! Trong thực tế, khi có sự cố y khoa không mong muốn xảy ra không chỉ có người bệnh, gia đình người bệnh trở thành nạn nhân mà các cán bộ y tế liên quan trực tiếp tới sự cố y khoa cũng là nạn nhân.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội ban hành Luật số 15/2023/QH Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ 2 thông qua ngày 09 tháng 01 năm 2023 sẽ có hiệu lực ngày 01/01/2024 cũng đề cập đến việc phòng ngừa sự cố y khoa được thực hiện trên cơ sở nhận diện, báo cáo, phân tích tìm nguyên nhân, đưa ra các khuyến cáo, giải pháp phòng ngừa, tránh tái diễn sự cố y khoa để nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, an toàn cho người bệnh. Các khuyến cáo, giải pháp phòng ngừa sự cố y khoa được công bố công khai trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Việc phòng ngừa sự cố y khoa là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở và người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tại Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang trong 6 tháng đầu năm 2023 phân tích báo cáo sự cố y khoa được áp dụng theo thông tư 43/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 26 tháng 12 năm 2018 đã xảy ra 8 sự cố y khoa. Đa số các sự cố y khoa là các sự cố suýt xảy ra hoặc xảy ra nhưng không ảnh hưởng đến người bệnh. Cụ thể, nếu phân loại sự cố y khoa theo nhóm sẽ có các trường hợp như sau:

– Phân loại theo mức độ tổn thương: có 2 sự cố đã xảy ra tác động trực tiếp đến người bệnh nhưng chưa gây nguy hại.

– Phân loại theo nhóm sự cố: có 2 trường hợp tai nạn đối với người bệnh; 2 trường hợp do hạ tầng cơ sở; 2 trường hợp do sai sót về hồ sơ, tài liệu, thủ tục hành chính.

– Phân loại theo nhóm nguyên nhân gây ra sự cố: có 1 trường hợp do nhân viên; 4 trường hợp do người bệnh; 2 trường hợp do môi trường làm việc và 1 trường hợp do yếu tố bên ngoài.

Tất cả các sự cố đó đều được phân tích tìm nguyên nhân gốc rễ và đưa ra giải pháp, khuyến cáo phòng ngừa các sự cố trên để tránh lặp lại có hệ thống. Bên cạnh đó, hàng năm Bệnh viện ĐKTT An Giang đã lập kế hoạch và tổ chức tập huấn cho tất cả nhân viên y tế về phòng ngừa sự cố y khoa. Được sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện, việc báo cáo sự cố y khoa được Ban Giám đốc bệnh viện khuyến khích báo cáo sự cố y khoa tự nguyện sẽ được cộng điểm thưởng theo bảng kiểm được ban hành.

Có thể thấy sự cố y khoa không còn là vấn đề mới, nhưng việc báo cáo sự cố y khoa là công việc không hề dễ dàng đối với nhân viên y tế. Do đó mỗi nhân viên y tế phải luôn nhận thức được sự cần thiết của phòng ngừa, tránh tái diễn sự cố y khoa; nắm rõ các quy định, quy trình, hướng dẫn về báo cáo sự cố y khoa. Cần phải xây dựng một văn hóa mới về nhìn nhận và xử lý sai sót, sự cố y khoa, sao cho mỗi cán bộ viên chức khi phát hiện sai sót, sự cố thì tự giác báo cáo để xử lý các trường hợp một cách chủ động và kịp thời, giảm thiểu rủi ro thấp nhất cho người bệnh.

DS TRẦN THỊ TỐ NỮ

Phòng Quản lý chất lượng và Chỉ đạo tuyến

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)