Bài truyển thông giáo dục sức khỏe chăm sóc bàn chân đái tháo đường

Bàn chân đái tháo đường (ĐTĐ) là một vết thương phức tạp, mạn tính có liên quan đến tỉ lệ tử vong của người bệnh ĐTĐ.

Theo ước tính của Liên đoàn ĐTĐ thế giới, cứ mỗi 20 giây có 1 bệnh nhân ĐTĐ bị cắt cụt chi. Ở Việt Nam, biến chứng bàn chân do ĐTĐ cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến cho người bệnh phải nhập viện và đoạn chi.

Trong bài viết trước, chúng tôi đã hướng dẫn cô bác tự chăm sóc bàn chân ĐTĐ như: tự khám bàn chân mỗi ngày, rửa sạch chân, giữ ấm bàn chân, cách chăm sóc vết chai bàn chân, cách cắt móng chân như thế nào.

Trong bài viết này chúng tôi sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách mang vớ và giày.

Khi mua vớ bà con cần chú ý:

  • Nên mua loại vớ mềm, vừa vặn với bàn chân không quá bó, vớ làm bằng sợi tự nhiên như: bông sợi, len.
  • Khi mang giày cô bác cần chú ý nên dùng miếng lót hỗ trợ đều lực và giảm sang chấn bàn chân.
  • Hạn chế mang giày cao gót.
  • Có nhiều hơn 2 đôi giày thay đổi mỗi ngày, không nên mang giày bị ẩm ướt.
  • Khi mang giày nên chú ý kiểm tra có dị vật gì bên trong giày như kim, gai nhọn…
  • Cô bác không được đi chân đất, kể cả trong nhà.
  • Không được mang giày chặt làm trầy xước bàn hoặc ngón chân.
  • Không nên mang giày lâu hơn một giờ (nếu cần mang lâu nên cởi giày ra, để chân ra ngoài một lúc rồi mang lại).

Khi chọn giày, cô bác nên lưu ý các vấn đề sau:

  • Lựa mua giày vào buổi chiều tối vì đó là thời điểm bàn chân to nhất trong ngày.
  • Dễ mang ngay từ lúc mới mua, tránh mang rộng hay chật hơn chân mình.
  • Chọn giày phải kín ngón và gót chân.
  • Chọn giày bằng da là phù hợp và bên trong mềm mại, không bị gồ lên.
  • Tốt nhất là một đôi giày được đặt làm riêng cho mình.

Điều quan trọng là những bệnh nhân bị ĐTĐ không được mang dép xỏ ngón (dép lê) vì rất dễ bị chấn thương, trầy xước các ngón chân…

Ngoài tất cả các vấn đề trên bênh nhân ĐTĐ cần chú ý tập vận động cho bàn chân, lưu ý cô bác nên kê chân cao khi ngồi, tránh ngồi xổm, xếp bằng hay bắt chéo chân lâu, tất cả các tư thế trên đều có ảnh hưởng đến bàn chân.

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý về hô hấp, mạch máu chi dưới như hẹp tắc, xơ vữa các mạch máu 2 chân. Do đó bệnh nhân ĐTĐ không nên hút thuốc lá và nếu bệnh nhân nào đã lỡ hút thuốc lá nên nhanh chóng ngưng thuốc để bảo vệ mạch máu cho chính mình.

Tất cả các anh chị, cô bác bị ĐTĐ cũng như những ai quan tâm đến bệnh ĐTĐ nên chú ý chăm sóc, giữ gìn bàn chân.

Ngoài các biện pháp kể trên, cô bác nên chú ý đến việc điều trị để ổn định đường huyết tốt, ổn định đường huyết  cũng là một biện pháp phòng ngừa các biến chứng mạn tính do ĐTĐ như suy thận mạn, mù mắt, tai biến mạch máu não, bệnh lý tim mạch, thần kinh…

Một khi bàn chân có bất kỳ vấn đề gì như trầy xước, nhiễm trùng phải nhanh chóng đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết bệnh viện khám để được chăm sóc y tế kịp thời.

Chúc cô bác có một đôi chân khỏe mạnh, một cơ thể cường tráng mặc dù bị ĐTĐ.

Ths.Bs Phạm Ngọc Hoa Trưởng khoa Nội tiết BVĐKTTAG

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)