Yếu tố nguy cơ loãng xươngcủa nam giới từ 60 tuổi trở lên

Bùi Thị Hồng Phê, Huỳnh Kim Chi

Lê Phi Thanh Quyên, Trần Thị Hoàng Mai

TÓM TẮT:

– Mục tiêu: 1. Mô tả các yếu tố nguy cơ gây loãng xương ở nam giới từ 60 tuổi trở lên.2. Xác định yếu tố gây loãng xương thật sự gây loãng xương. Đối tượng nghiên cứu: Gồm 115 nam giới từ 60 tuổi trở lên có loãng xương (chỉ số T-score ở cổ xương đùi ≤-2,5; ghép cặp so sánh với 92 nam giới không loãng xương (T-score >-2,5. Phương pháp: Bệnh chứng. Kết quả: Có 9 yếu tố nguy cơ gây loãng xương: Tiền sử gãy xương (OR=5,58), tuổi >70 tuổi (OR=4,58), nghề nghiệp tĩnh tại (OR=2,33), không tập thể dục thường xuyên (OR=5,21), cân nặng <50Kg (OR=4,10), BMI <18,5 (OR=5,50), uống rượu (OR=2,04), hút thuốc lá (OR=2,35), đái tháo đường (OR=8,65). Kết luận: Ở nam giới từ 60 tuổi trở lên, tiền sử gãy xương, tuổi >70, không tập thể dục thường xuyên là các yếu tố nguy cơ thật sự gây loãng xương theo phân tích hồi qui đa biến Logistic.

SUMMARY:

Objects: To describe risk factors for osteoporosis in males from the age of 60.To determine essential risk factors for osteoporosis . Subjects: 207 males from the age of 60: 115 osteoporosis men (T-score at hip ≤-2,5) compare to 92 normal males (T-score at hip >-2,5)in the same age pairs. Method: Case-contro.l Results: There were 9 risks factors for osteoporosis in men: Previous fracture history (OR=5,58), over 70 years old (OR=4,58), passive jobs (OR=2,33), weight under 50 kg (OR=4,10), BMI < 18,5 kg/m2(OR=5,50), alcohol use (OR=2,04), smoking (OR=2,35), diabete (OR=8,65), non physical activity regularly (OR=5,21). Conclusions: In men from the age of 60, previous fracture history, over 70 years old, non physical activity regularly were essential risk factors for osteoporosis according to logistic regression analysis.

I. Đặt vấn đề

Loãng xương là bệnh lý xương bị giảm khoáng chất và phá vỡ cấu trúc dẫn đến suy yếu sức mạnh của xương. Loãng xương là một “căn bệnh âm thầm” không biểu hiện triệu chứng, do đó người bệnh không biết được cho đến khi bị gãy xương [4]. Đây là nguyên nhân gây đau, tàn phế và tử vong. Khi bị gãy cổ xương đùi có 24% phụ nữ và 30% nam giới sẽ tử vong trong năm đầu tiên [12]. Trước đây, loãng xương được xem là bệnh lý của phụ nữ sau mãn kinh. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ loãng xương ở nam giới sau 50 tuổi là 20% và 30% gãy xương do loãng xương [6]. Gãy xương là một trong những nguyên nhân làm giảm tuổi thọ, khoảng 50% phụ nữ bị gãy xương chết trong vòng 7 năm ,con số này ở nam giới là 5 năm [5] Đối với bệnh nhân may mắn sống sót sau gãy xương, họ cũng bị mắc nhiều biến chứng và chất lượng cuộc sống bị giảm đáng kể. Việc đánh giá yếu tố nguy cơ loãng xương giúp các thầy thuốc có thể nhận diện được bệnh nhân có nguy cơ loãng xương và gãy xương cao giúp chẩn đoán và điều trị kiệp thời,ngoài ra cũng giúp tìm ra các giải pháp điều chỉnh các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được. Ở nước ngoài đã có nhiều nghiên cứu về các yếu tố nguy cơ loãng xương ở nam giới. Song ở Việt Nam chưa được quan tâm nhiều. Để góp phần tìm hiểu loãng xương ở nam giới tại An Giang, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với 2 mục tiêu :

  1. Mô tả một số yếu tố nguy cơ loãng xương ở nam giới từ 60 tuổi trở lên
  2. Xác định các yếu tố nguy cơ thật sự gây loãng xương theo mô hình hồi quy đa biến logistic

II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:

  1. Đối tượng nghiên cứu
  • Đối tượng các bệnh nhân nam từ 60 trở lên đến khám và đo loãng xương tại phòng khám nội khớp bệnh viện ĐKTT An Giang tháng 3-9/2017. Có 207 bệnh nhân,115 người có loãng xương( T-score<-2,5), 92 người không có loãng xương(T-score≥-2,5) tương đương về tuổi. Bệnh nhân được đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA với máy HOLOGIC
  • Tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương theo WHO 1994

Chẩn đoán T-sore (T)

Bình thường Normal T>-1

Thiếu xương Osteopenia -2,5<T<-1,5

Loãng xương Osteoporosis T≤-2,5

Loãng xương nặng Severe osteoporosis T≤-2,5 và tiền sử gãy xương

  1. Thiết kế nghiên cứu: Bệnh chứng
  2. Định nghĩa các yếu tố nguy cơ

– Nghề nghiệp

+ NN tĩnh tại gồm: giáo viên, kế toán, cán bộ hành chính, người già.

+ NN hoạt động: công nhân, nông dân, vận động viên thể thao.

– Tập thể dục thường xuyên mỗi ngày khoảng 30 phút hoặc 3 lần/ tuần mỗi lần 60 phút, luyện tập trên 5 năm đến hiện tại ( đi bộ, bóng bàn, cầu lông, chạy bộ, tập dưỡng sinh).

– Sử dụng corticoid kéo dài: sử dụng prednisolone ít nhất 5 mg/ngày kéo dàin 3 tháng.

– Hút thuốc: hút 20 điếu/ngày kéo dài 5 năm ≥ 300 gói/năm.

– Uống rượu: uống ≥ 3 đơn vị rượu/ngày trên 5 năm Một đơn vị rượu tương đương một ly bia tiêu chuẩn 285ml hoặc 30ml rượu mạnh, một ly rượu vang cỡ trung bình 120ml hay 60ml rượu khai vị.

– Tiền sử gãy xương ở tuổi trưởng thành, gãy xương tự nhiên hay sau một sang chấn.

– TS gia đình (cha mẹ, đặc biệt là mẹ có TS gãy xương tự nhiên hoặc sau chấn thương).

– Tiền sử té ngã trong 12 tháng qua: trượt chân, ngã cầu thang,…

– Phân nhóm BMI theo tiêu chuẩn WHO 1997: 6 nhóm BMI < 18,5 gầy, 18,5≤BMI≤25 bình thường, 25=BMI<30 thừa cân, 30=BMI<35 béo phì độ 1, BMI<40 béo phì độ 2, BMI≥40 béo phì độ 3.

  1. Phân tích và xử lý số liệu:

Các số liệu được trình bày tỉ lệ cho các biến nhị phân. Các biến số có phân phối chuẩn được trình bày bằng trung bình và độ lệch chuẩn. Khảo sát mối liên hệ giữa các yếu tố bằng phép kiểm Pearson, OR, độ tin cậy 95% với p<0,05 có ý nghĩa thống kê. Phân tích đa biến: Dùng mô hình hồi qui Logictis với mode Enter. Sử dụng phần mềm SPSS 20.

III. Kết quả nghiên cứu:

1. Đặc điểm mẫu nghiên cứu:

– Đối tượng nghiên cứu gồm 207 bệnh nhân nam giới từ 60 tuổi trở lên, trong đó 115 bệnh nhân loãng xương (T-score ≤-2,5) so với 92 bệnh nhân không loãng xương (T-score >-2,5) ghép cặp cùng độ tuổi.

– Tuổi trung bình 72,64±9,8 tuổi, cao nhất là 96 tuổi, thấp nhất là 60 tuổi.

– Chiều cao trung bình 162,52±6,08 cm, cao nhất là 186cm, thấp nhất là 143 cm.

– Cân nặng trung bình 58,71±10,46 kg, nặng nhất là 90 kg, nhẹ nhất là 35 kg.

– Chỉ số khối cơ thể (BMI) trung bình 22,18±3,46 kg/m2. cao nhất là 32 kg/m2, thấp nhất là 13 kg/m2.

2. Các yếu tố nguy cơ của loãng xương ở nam giới từ 60 tuổi trở lên được trình bày trong bảng 3.1.

Bảng 3.1. Các yếu tố liên quan đến loãng xương

STT Yếu tố Loãng xương P
Không

n(%)


n(%)
1 Tiền sử gãy xương 31(15,0%) 85(41,1%) 0,000
Không 61(29,5%) 30(14,5%)
2 Tuổi 68,07 ± 7,952 70,3 ± 9,719 0,000
3 Nghề nghiệp Tĩnh tại 63(30,4%) 96(46,4%) 0,011
Hoạt động 29(14,0%) 19(9,2%)
4 Tập thể dục Không 20(9,7%) 68(32,9%) 0,000
72(34,8%) 47(22,7%)
5 Cân nặng 63,62 ± 10,238 54,79 ± 8,913 0,001
6 BMI 23,69 ± 3,235 20,38 ± 3,176 0,001
7 Uống rượu 39(18,8%) 69(33,3%) 0,012
Không 53(25,6%) 46(22,2%)
8 Đái tháo đường 17(8,2%) 76(34,7%) 0,000
Không 75(36,2%) 39(18,8%)
9 Hút thuốc lá 32(15,5%) 64(30,9%) 0,003
Không 60(29,0%) 51(24,6%)
10 Chiều cao 163,68 ± 5,993 161,69± 6,03 0,247
11 Gout 18(8,7%) 14(6,8%) 0,144
Không 74(35,7%) 101(48,8%)
12 Sử dụng GC 4(1,9%) 8(3,9%) 0,425
Không 88(42,5%) 107(51,7%)
13 Tiền sử cha mẹ gãy xương 0(0%) 2(1%) 0,204
Không 92(44,4%) 113(54,6%)
14 Tiền sử té ngã 13(6,3%) 14(6,8%) 0,678
Không 79(38,2%) 101(48,8%)

3. Tỉ suất chênh của các yếu tố nguy cơ được trình bày trong bảng 3.2:

Bảng 3.2. Tỉ suất chênh của các yếu tố nguy cơ

STT Yếu tố nguy cơ OR 95% CI P
1 Tiền sử gãy xương 5,58 3,06-10,16 0,000
2 Tuổi 4,58 2,54-8,25 0,000
3 Nghề nghiệp 2,33 1,20-4,50 0,011
4 Tập thể dục 5,21 2,80-9,68 0,000
5 Cân nặng<50Kg 4,10 1,70-9,85 0,001
6 BMI<18,5Kg/m2 5,50 1,83-16,54 0,001
7 Uống rượu 2,04 1,17-3,56 0,012
8 Đái tháo đường 8,65 4,48-16,52 0,000
9 Hút thuốc lá 2,35 1,34-4,14 0,003

Nhận xét bảng 3.1 và bảng 3.2: Có 9 yếu tố nguy cơ gây loãng xương nam từ 60 tuổi trở lên: Tiền sử gãy xương, tuổi >70 tuổi, nghề nghiệp tĩnh tại, tập thể dục không thường xuyên, cân nặng <50Kg, BMI<18,5Kg/m2, uống rượu, đái tháo đường, hút thuốc lá với p<0,01 có ý nghĩa thống kê.

4. Các yếu tố nguy cơ gây loãng xương theo mô hình hồi quy đa biến Logistic:

Bảng 3.3. Các yếu tố nguy cơ gây gãy xương theo mô hình hồi quy đa biến Logistic

STT Yếu tố OR 95% CI p
1 Tiền sử gãy xương 4,77 2,46-9,24 0,000
2 Tuổi 3,20 1,65-6,23 0,001
3 Tập thể dục 3,74 1,89-7,43 0,000

Nhận xét: Kết quả thu được sau khi loại các yếu tố gây nhiễu chúng ta có được 3 yếu tố nguy cơ thật sự của loãng xương nam giới từ 60 tuổi trở lên là: tiền sử gãy xương, tuổi trên 70, không tập thể dục thường xuyên.

IV. Bàn luận:

Các yếu tố nguy cơ của loãng xương ở nam giới tuổi từ 60 tuổi trở lên:

    1. Tuổi:

Tuổi càng cao tỉ lệ loãng xương tăng gọi là loãng xương ở người già (type II) do hậu quả của giảm tạo xương, chế độ ăn thiếu canxi, giảm hấp thu canxi ở ruột, giảm tái hấp thu canxi ở thận dẫn đến cường tuyến cận giáp thứ phát tăng mất xương loãng xương [4]. Trong nghiên cứu của chúng tôi ở nhóm tuổi ≥ 70 tuổi có nguy cơ loãng xương cao hơn nhóm < 70 tuổi với OR=3,2 có ý nghĩa với mức tin cậy 95% CI 1,65-6,23, p=0,001 (bảng 3.3). Tương tự nghiên cứu của Nguyễn Văn Thạch (2016), qua nghiên cứu 424 nam giới ở nhóm tuổi ≥ 70 tuổi nguy cơ loãng xương gấp 1,69 lần so với nhóm < 70 tuổi [3].

    1. Tiền sử gãy xương:

Trong nghiên cứu của chúng tôi ở nhóm loãng xương tỉ lệ đối tượng có tiền sử bản thân gãy xương cao hơn nhóm bình thường. Người có tiền sử gãy xương có nguy cơ loãng xương cao hơn nhóm bình thường 4,77 lần có ý nghĩa với mức tin cậy 95% CI 2,46-9,24, p=0,000.(bảng 3.3). Tương tự kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Mai Hương (2012), nghiên cứu ở những đối tượng nam > 50 tuổi, người có tiền sử gãy xương có nguy cơ bị loãng xương cao gấp 3,58 lần so với người bình thường [2], Kanis JA (2005) đã nhấn mạnh tiền sử gãy xương là yếu tố nguy cơ độc lập đối với gãy xương sau này ở nhóm có tuổi cả nam và nữ giới [7].

    1. Yếu tố luyện tập:

Trong nhiều nghiên cứu, các số liệu đã chứng minh rằng thiếu vận động thể lực là yếu tố nguy cơ cho loãng xương và gãy xương [13]. Vận động cơ thể ảnh hưởng lớn tới khối lượng xương, cấu trúc bè xương và quá trình sửa chữa xương. Hoạt động thể lực ở tất cả các lứa tuổi làm tăng khối lượng xương. Ngoài ra, luyện tập sẽ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và khả năng giữ thăng bằng tốt làm giảm nguy cơ té ngã [13]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ nhóm người không tập thể dục ở nhóm loãng xương cao hơn nhóm bình thường và những người không tập thể dục có nguy cơ bị loãng xương cao gấp 3,74 lần (bảng 3.3) so với nhóm có tập thể dục (OR=3,47, 95% CI 1,89-7,43, p=0,000). Tương tự người có công việc tĩnh tại có nguy cơ loãng xương cao gấp 2,33 lần người có công việc hoạt động tay chân (OR=2,33, 95% CI 1,20-4,50, p=0,011) (bảng 3.2). Những người không vận động, đặc biệt là người nằm bất động lâu sẽ bị mất xương rất nhanh. Tác giả Lau EM và cs (2002) nghiên cứu ở 4 nước châu Á và nhận thấy nguy cơ gãy xương tăng lên ở những người đàn ông làm nghề ít chịu tải hoặc ít hoạt động từ thời trẻ [10].

    1. Hút thuốc lá:

Ảnh hưởng của hút thuốc lá đến mật độ xương do thuốc lá gây độc trực tiếp lên các tế bào tạo xương làm giảm tạo xương. Khói thuốc lá còn làm cho cơ thể giảm hấp thu canxi, tăng nồng độ cortisol và hormone giáp trạng trong máu đồng thời làm giảm hoạt động của calcitonin do đó làm tăng nguy cơ loãng xương. Ngoài ra, người hút thuốc lá thường giảm hoạt động thể lực, tăng uống rượu do vậy làm giảm mật độ xượng. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ người hút thuốc lá ở nhóm loãng xương cao hơn nhóm chứng có ý nghĩa thống kê với p=0,003. Người hút thuốc lá có nguy cơ loãng xương cao gấp 2,35 lần so với người bình thường (bảng 3.2). Tương đương nghiên cứu của Nguyễn Văn Thạch (2016), người hút thuốc lá có nguy cơ loãng xương cao 1,83 lần so với nhóm bình thường [3].

    1. Uống rượu:

Rượu được xem là yếu tố có liên quan đến mật độ xương. Tùy theo lượng rượu sử dụng mà nó có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực lên mật độ xương. Rượu cũng làm giảm sự tạo xương, làm giảm sự tăng sinh tạo cốt bào. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ có uống rượu ở nhóm loãng xương cao hơn nhóm bình thường. Những người có uống rượu có nguy cơ bị loãng xương cao gấp 2,04 lần so với người bình thường (bảng 3.2). Tác giả Kanis J và cộng sự trong 1 nghiên cứu với 730 nam giới từ 14 trung tâm của Bắc Âu kết luận rằng uống rượu là 1 yếu tố làm giảm mật độ xương [8].

    1. Đái tháo đường:

Đái tháo đường đặc trưng là tình trạng tăng đường huyết mạn tính. Khi đường huyết tăng cao, lượng đường bị đào thải ra ngoài theo nước tiểu nhiều, kéo theo lượng canxi, phospho cũng bị đào thải ra nhiều. Những khoáng chất này là thành phần chủ yếu của muối xương, nếu bị mất đi một số lượng lớn sẽ dẫn đến giảm sút mật độ xương gây loãng xương. Ngoài ra, tăng đường huyết làm tổn thương mạch máu nhỏ dẫn đến giảm dinh dưỡng xương, giảm hình thành xương. Vì vậy, ở những nơi máu được cung cấp quá ít như đoạn trên xương đùi dễ bị loãng xương nghiêm trọng gây gãy xương [1]. Nghiên cứu của chúng tôi người bị đái tháo đường có nguy cơ loãng xương 8,65 lần so với người bình thường (bảng 3.2).

    1. Chỉ số khối cơ thể (BMI) và cân nặng:

Cân nặng là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến khối lượng xương đỉnh. Trong mọi trường hợp, những người nặng cân sẽ có khối lượng xương nặng hơn và có chu chuyển xương ít nhạy cảm với PTH, vì vậy khối lượng xương được duy trì. Ở những người nhẹ cân, sự mất xương xảy ra nhanh hơn và tần xuất gãy cổ xương đùi và xẹp đốt sống cao hơn. Cân nặng là một yếu tố bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng mất xương thông qua việc tạo xương và tăng chuyển androgen của tuyến thượng thận thành estron ở mô mỡ. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ở những bệnh nhân có cân nặng < 50 kg và BMI <18,5 kg/m2 có nguy cơ loãng xương cao hơn những bệnh nhân có cân nặng ≥ 50 kg và BMI ≥18,5 kg/m2 với OR tương ứng là 4,10 và 5,50 (bảng 3.2). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với kết quả nghiên cứu của Đỗ Mạnh Hùng (2016) nghiên cứu 424 đối tượng nam < 60 kg, BMI < 18,5 kg/m2 có nguy cơ loãng xương với OR lần lượt là 1,69 và 2,04 so với nhóm bệnh nhân nam giới có cân nặng ≥ 60 kg và BMI ≥18,5 kg/m2 [3].

V. Kết luận:

    1. Các yếu tố nguy cơ loãng xương ở nam giới từ 60 tuổi trở lên là: tiền sử gãy xương, tuổi ≥ 70 tuổi, nghề nghiệp tĩnh tại, không tập thể dục thường xuyên, cân nặng < 50 kg, BMI < 18,5 kg/m2, uống rượu, hút thuốc lá, đái tháo đường.
    2. Có 3 yếu tố thật sự ảnh hưởng đến loãng xương theo phân tich hồi quy đa biến Logistic là: tiền sử gãy xương, không luyện tập thể dục thường xuyên, tuổi > 70 tuổi.

* Tài liệu tham khảo

1.Nguyễn Thị Bích Đào (2016). “Ảnh hưởng của Đái tháo đường lên cơ và xương” Kỷ yếu hội nghị khoa học thường niên về loãng xương lần thứ 10.

2.Nguyễn Thị Mai Hương (2012). “Nghiên cứu yếu tố nguy cơ loãng xương và dự báo gãy xương theo mô hình FRAX ở nam giới từ 50 tuổi trở lên”, luận văn Thạc sỹ Y học-Trường Đại học Y Hà Nội.

3.Nguyễn Văn Thạch và cộng sự (2016). “Nghiên cứu các yếu tố nguy cơ,các phương pháp điều trị và biến chứng của loãng xương”, Hội nghị khoa học thường niên về Loãng xương lần thứ 10.tr 69-77.

4. Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Đình Nguyên (2007). “Loãng xương, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa” NXB Y Học, tr 13.

5. Center TR, Nguyên TV, Schneider D, et al. Mortality after all major types of osteoporotic fracture in men and women: an observational study Lancet 1999; 353: 878-882

6. Furlow B (2006) Osteoparosis in Men Radiologic Technology. 77(3). 226-235.

7. Kanis JA.BorgstromF, De Laet C,et al.(2005).Assessment of fracture risk osteoporosis Int. 16(6).581-589.

8. Kanis JA. Johnell,Oden A, Johnass H (2008). Frax and the assessment of fracture probability in men and women from the UK .Osteoporosis Internationnal 19, pp392-356.

9. Kyoko Izumotani, Satoshi Hagiwara, Tsuyoshi Izumotani, et al (2003) Risk factor for osteoporosis in men J Bone Miner Metab. 21, 86 – 90.

10. Lau.EM (2002). Osteoporosis. A worldwide problem and the implications in Asia. Ann Acad Med Singapore.31 (1) 67-68.

11. Maghraoui A, Ghazi M, Gassim S, (2009) “Bone mineral density of spine and femur in group of health Moracan men”, Bone, 44(5), pp.965-9.

13.Neville CE, Murray L.J, Boreham CA,et al.(2002). Relationship between physical activity and bone mineral status in young aldults the Northern Ireland Young Hearts project-Bone 30(5) 792-798.

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)