Vai trò của mri trong nhồi máu lỗ khuyết

Khoa thần kinh bệnh viện ĐKTT An giang

TÓM TẮT

MỤC TIÊU: Ghi nhận và khảo sát đặc điểm lâm sàng hình ảnh học của nhồi máu lỗ khuyết trên MRI .

PHƯƠNG PHÁP: Nghiên cứu mô tả hàng loạt ca.

KẾT QUẢ: 17 bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán nhồi máu lỗ khuyết, chúng tôi ghi nhận: yếu vận động đơn thuần nửa người (35.3%), khiếm khuyết vận động và cảm giác phối hợp (23.5%) là hai hội chứng lâm sàng thường gặp. MRI có giá trị cao trong chẩn đoán nhồi máu lỗ khuyết (70% phù hợp giữa hội chứng lâm sàng và hình ảnh học).

KẾT LUẬN: Nhồi máu lỗ khuyết là thể bệnh đặc biệt của đột quỵ thiếu máu não cấp với các hội chứng lâm sàng thường gặp là yếu nửa người vận động đơn thuần, khiếm khuyết vận động cảm giác. MRI có vai trò quan trọng trong chẩn đoán.

ABSTRACT: CLINICAL IMAGES OF LACUNAR INFARCTION.

OBJECTIVES: To record and describe the clinical images of lacunar infarction.

METHODS: Series cases study.

RESULTS: We have 17 patients admitted and diagnosed lacunar infarction. We regconize that: pure motor stroke (35.3%), atexic hemiparesis (23.5%) are the most frequent clinical syndromes, and clinical manifestations have a correlation with the location of infarct. MRI has key role in diagnosing lacunar stroke (70% patients have clinical manifestations that are appropriate to images).

CONCLUSION: Lacunar infarction is a special clinical type of stroke with pure motor stroke and atexic hemiparesis as the common clinical syndromes. MRI is important to diagnose this disease.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Tai biến mạch máu não hay đột quị não là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 sau ung thư và tim mạch[2]. Xã hội hiện nay đang ngày càng quan tâm nhiều đến tai biến mạch máu não (TBMMN). Đây là một bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh thần kinh mà còn được đặc biệt quan tâm do tỷ lệ tử vong cao và các hậu quả nặng nề, chi phí điều trị cũng như phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị TBMMN đã và đang là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong các loại tai biến mạch máu não, nhồi máu não chiếm 80%. Trong các loại nhồi máu não thì nhồi máu não lỗ khuyết chiếm từ 15-25% các trường hợp. Nhồi máu lỗ khuyết (NMLK) có bệnh cảnh lâm sàng không rầm rộ, là thể lâm sàng quan trọng của nhóm bệnh lý mạch máu nhỏ, nó được hình thành là do tắc các nhánh động mạch xuyên của não. NMLK là những ổ nhồi máu nhỏ thường có vị trí ở bao trong, hạch nền, đồi thị, cầu não[1]. Về lâu dài, NMLK thường gây ra đột quỵ tái phát và là nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ trong thời gian sau. Trên thế giới, từ 1965 đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về NMNLK và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể từ khi có các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại. Vì thế, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm khảo sát các đặc điểm lâm sàng hình ảnh học của nhồi máu lỗ khuyết.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu: 17 bệnh nhân được chúng tôi chẩn đoán là nhồi máu não lỗ khuyết điều trị tại khoa Nội Thần kinh bệnh viện ĐKTTAG từ tháng 8 năm 2017 đến tháng 9 năm 2017.

Phương pháp nghiên cứu: mô tả hàng loạt ca.

Tất cả các bệnh nhân khi nhập viện được khám và đánh giá các khiếm khuyết thần kinh theo 5 hội chứng lỗ khuyết cổ điển của Fisher và cộng sự. Bệnh nhân được chụp MRI sọ não.

Mục tiêu nghiên cứu: Ghi nhận và khảo sát đặc điểm lâm sàng hình ảnh học của nhồi máu lỗ khuyết trên MRI .

Kết quả nghiên cứu: Được trình bày bằng các bảng, tính tỉ lệ %.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Đặc điểm chung: Trong nghiên cứu của chúng tôi, số bệnh nhân Nam là 04, số bệnh nhân Nữ là 13, tuổi trung bình 63±13.

Bảng 1. Phân bố triệu chứng theo hội chứng lâm sàng

Phân bố bệnh nhân theo hội chứng lâm sàng thần kinh Số trường hợp %
Yếu vận động đơn thuần nửa người 6 35.3
Mất cảm giác đơn thuần nửa người 4 23.5
Khiếm khuyết vận động và cảm giác phối hợp 3 17.6
Yếu nửa người thất đều 2 11.8
Hội chứng loạn vận ngôn bàn tay vụng về 2 11.8

Bảng 2. Diễn biến lâm sàng

Diễn biến lâm sàng Số trường hợp %
Đột ngột 10 58.8
Từ từ 5 2.9
Không 2 1.2

Bảng 3. Vị trí thương trên MRI

Vị trí tổn thương trên MRI Số trường hợp %
Thùy trán 9 52.9
Thùy đỉnh 2 1.2
Thùy thái dương 3 1.7
Thùy chẩm 2 1.2
Cuống não 1 0.5
Cầu não 1 0.5
Hành não 2 1.2
Tiểu não 2 1.2
Bao trong 7 4.1
Bao ngoài 1 0.5
Đồi thị 3 1.7
Hạch nền 7 4.1
Cạnh não thất 2 1.2
Trung tâm bán bầu dục 1 0.5

BÀN LUẬN:

Kết quả về tuổi của bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận cũng tương tự như các tác giả khác, tương tự kết quả của Arboix[3] là 60,5 tuổi, độ lệch chuẩn: 9,4 tuổi (thấp nhất: 29 tuổi, cao nhất: 79 tuổi) và xấp xỉ với kết quả của Kauls và cộng sự[6] (tuổi trung bình: 56,9 tuổi, thấp nhất: 18 tuổi, cao nhất: 84 tuổi). Kết quả 17 bệnh nhân của chúng tôi cũng phù hợp ghi nhận của Sacco và cộng sự[9] : từ 55 tuổi trở lên, cứ tăng 10 tuổi nguy cơ đột quỵ tăng lên gấp đôi.

Yếu nửa người vận động đơn thuần (YNNVĐĐT) là hội chứng thường gặp nhất trong số những bệnh nhân của chúng tôi (35.3%). Số liệu này thấp hơn so với ghi nhận của Mohr[7] (60%) và Donnan[4] (60%), nghiên cứu của Arboix[3] (55%), nghiên cứu của Kauls và cộng sự (45%).

Khiếm khuyết vận động cảm giác nửa người được quan sát thấy ở 23.5% các bệnh nhân của chúng tôi và nó là hội chứng lỗ khuyết phổ biến đứng hàng thứ 2 sau YNNVĐĐT. Số liệu này của chúng tôi cao hơn so với tác giả Arboix[3] (15%) và Kauls[6] (18%). Trong số các bệnh nhân của chúng tôi bị hội chứng này thì triệu chứng yếu vận động có vẻ nặng hơn các bệnh nhân bị yếu vận động nửa người đơn thuần. Điều này cũng phù hợp với quan sát của Bamford và cộng sự. 17 bệnh nhân của chúng tôi đều được tiến hành chụp CT Scan sọ não, nhưng không có sự phù hợp giữa lâm sàng và CT. Chúng tôi chỉ định chụp MRI, tất cả đều hiện diện lỗ khuyết trên hình ảnh MRI nhưng chỉ có 10 trường hợp (70%) là có sự phù hợp giữa hội chứng lâm sàng và hình ảnh học. Như vậy, MRI có độ nhạy cao hơn so với CT scan. Tỉ lệ dương tính của MRI trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn so với tỉ lệ của Hommel[5] và cộng sự (89%) có thể do khác nhau trong kỹ thuật chụp, cũng có thể bệnh nhân của chúng tôi được chụp MRI khi đã qua giai đoạn cấp (giai đoạn phù). Mặt khác theo tác giả Pullicino[8], khi những lỗ khuyết có đường kính quá nhỏ (<10mm) thì cũng không thấy được tổn thương trên phim T2 của MRI. Tuy nhiên kết quả của chúng tôi tương tự với ghi nhận của Arboix[3] (78%). Như vậy tỉ lệ dương tính trên MRI của chúng tôi cũng khá cao, nó giúp chẩn đoán xác định các trường hợp NMLK ở thân não và hố sau.

KẾT LUẬN:

Nhồi máu lỗ khuyết là thể bệnh đặc biệt của đột quỵ thiếu máu não cấp với các hội chứng lâm sàng thường gặp là yếu nửa người vận động đơn thuần, khiếm khuyết vận động cảm giác. Nghiên cứu ghi nhận có mối liên quan giữa lâm sàng và vị trí tổn thương có hội chứng lỗ khuyết. MRI có vai trò quan trọng trong chẩn đoán xác định nhồi máu lỗ khuyết vì thế cần tạo điều kiện cho bệnh nhân sớm được thực hiện xét nghiệm hình ảnh cao cấp này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Huy Ngọc (2012) “Nghiên cứu đặc điêm lâm sàng, cận lâm sàng và một số yếu tố nghuy cơ ở bệnh nhân nhồi máu não tại bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ 2012: Luận án Tiến sỹ Y học Học Viện Quân Y”.

2. Arboix, Adrià, Antoni Rivas, García-Eroles, Luisde Marcos, Lourdes, Massons, Joan Oliveres, Montserrat (2005) “Cerebral infarction in diabetes: clinical pattern, stroke subtypes, and predictors of in-hospital mortality”. BMC neurology, 5 (1), 9.

3. Donnan G A, You R, Thrift A & McNeil J J (1993) ” Smoking as a risk factor for stroke, Cerebrovascular Diseases 3, 129 – 138″.

4. Hommel M, Moulin T (2005) “Stroke services, stroke networks: is there an ideal model?”. Journal of Neurology, Neurosurgery &amp; Psychiatry, 76 (6), 760-761.

5. Kaul Subhash, Alladi Suvarna, Bak Thomas H, Shailaja Mekala, Amulya Rajan, Jaydip Ray Chaudhuri, Eneida Mioshi, Rajesh Krovvidi, Bapiraju Surampudi, Vasanta Duggirala (2015) “Impact of Bilingualism on Cognitive Outcome After Stroke”. Stroke,

6. Mohr J P et al “Magnetic Resonance Versus Computed Tomographic Imaging in Acute Stroke. Stroke, 1995. 26(5): p. 807-812”.

7. Pullicino P M, Halperin J L, Thompson J L P (2000) “Stroke in patients with heart failure and reduced left ventricular ejection fraction”. Neurology, 54 (2), 288.

8. Sacco R L et al “An Updated Definition of Stroke for the 21st Century: A Statement for Healthcare Professionals From the American Heart Association/American Stroke Association. Stroke, 2013. 44(7): p. 2064-2089”.

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)