Sử dụng thuốc ức chế bơm proton và nguy cơ bệnh thận mạn

Proton Pump Inhibitor Use and the Risk of Chronic Kidney Disease

Benjamin Lazarus, Yuan Chen, Francis P Wilson, Yingying Sang, Alex R Chang, Josef Coresh, Morgan E Grams

JAMA Internal Medicine 2016, 176 (2): 238-46

Tầm quan trọng: Thuốc ức chế bơm proton (PPIs) là một trong những thuốc được sử dụng rộng rãi và có liên quan với viêm thận kẽ cấp. Mối liên hệ giữa sử dụng PPI và bệnh thận mạn (CKD) chưa biết nhiều.

Mục tiêu: Xác định mối liên hệ giữa sử dụng PPI và bệnh thận mạn trong nghiên cứu đoàn hệ dựa trên dân số.

Thiết kế, địa điểm và đối tượng: Tổng số 10,482 người tham gia trong nghiên cứu Nguy Cơ Xơ Vữa Động Mạch trong Cộng Đồng với độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) tối thiểu là 60mL/min/1,73m2 được theo dõi từ cơ sở khám bệnh giữa 01/01/1996 và 30/01/1999 tới 31/12/2011. Phân tích  dữ liệu từ 05/2015 đến 10/2015. Kết quả được lặp lại trong nghiên cứu đoàn hệ 248,751 bệnh nhân với eGFR tối thiểu là 60mL/min/1,73m2 từ hệ thống y tế Geisinger.

Nhóm phơi nhiễm: Các ca sử dụng PPI tự báo cáo trong nghiên cứu Nguy Cơ Xơ Vữa Động Mạch ở Cộng Đồng hoặc trong nghiên cứu đoàn hệ lặp lại ở bệnh nhân ngoại trú được kê đơn PPI từ hệ thống y tế Geisinger. Sử dụng kháng thụ thể H2 histamin được coi như nhóm đối chứng âm tính và so sánh chủ động.

Kết cục chính và đo lường: Tỷ lệ mắc mới bệnh thận mạn được định nghĩa bằng sử dụng mã chẩn đoán lúc ra viện hoặc tử vong trong nghiên cứu Nguy Cơ Xơ Vữa Động Mạch ở Cộng Đồng và  bệnh nhân ngoại trú có độ lọc cầu thận ước tính ổn định thấp hơn 60mL/min/1,73m2 trong nghiên cứu đoàn hệ lặp lại  từ hệ thống y tế Geisinger.

Kết quả: Trong 10,482 người tham gia trong nghiên cứu Nguy Cơ Xơ Vữa Động Mạch ở Cộng Đồng, tuổi trung bình 63,0 ± 5,6, nam 43,9%. So với nhóm không dùng, nhóm dùng PPI thường là da trắng, béo phì và đang điều trị tăng huyết áp. Sử dụng PPI có liên hệ tới mắc bệnh thận mạn trong phân tích chưa hiệu chỉnh (HR = 1,45, KTC 95%: 1,11 – 1,90), trong phân tích có hiệu chỉnh theo nhân khẩu, kinh tế xã hội và biến số lâm sàng (HR = 1,50 KTC 95%: 1,14 – 1,96), và trong phân tích với mô hình sử dụng PPI như một biến phụ thuộc thời gian (HR hiệu chỉnh 1,35, KTC 95%: 1,17 – 1,55). Mối liên hệ này vẫn tồn tại khi so sánh trực tiếp nhóm dùng PPI với nhóm dùng ức chế thụ thể H2 (HR hiệu chỉnh 1,39, KTC 95%: 1,01 – 1,91) và trong phân tích ghép cặp điểm xu hướng với nhóm không dùng PPI (HR = 1,76, KTC 95%: 1,13 – 2,74). Trong đoàn hệ lặp lại của hệ thống y tế Geisinger, sử dụng PPI có mối liên hệ với bệnh thận mạn trong mọi phân tích, bao gồm thiết kế nghiên cứu bệnh nhân mới sử dụng phụ thuộc thời gian (HR hiệu chỉnh 1,24, KTC 95%: 1,20 – 1,28). Sử dụng PPI 2 lần mỗi ngày (HR hiệu chỉnh 1,46, KTC 95% 1,28 – 1,67) kết hợp với một nguy cơ cao hơn sử dụng 1 lần mỗi ngày (HR hiệu chỉnh 1,15, KTC 95% 1,09 – 1,21).

Kết luận: Sử dụng PPI có liên hệ với nguy cơ mắc mới bệnh thận mạn cao hơn. Các nghiên cứu trong tương lai cần xác định liệu giới hạn sử dụng PPI có thể giảm mắc mới bệnh thận mạn hay không.

Ths.Bs Huỳnh Trinh Trí, Khoa nội thận

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)