Kết quả điều trị trĩ nội độ 3 và 4 bằng phẫu thuật longo

 

Lê Huy Cường, Hồ Nguyễn Hoàng,

Đặng Thành Tính, Trần Nguyễn Quang Trung.

TÓM TẮT:

Mục tiêu: Đánh giá kết quả điều trị trĩ độ 3 và 4 bằng phẫu thuật Longo.

Phương pháp: Đây là nghiên cứu mô tả loạt ca gồm 69 bệnh nhân trĩ nội độ 3 và 4 được phẫu thuật từ 06/5/2016 đến 05/9/2017.

Kết quả: Tỷ lệ nam/nữ là 2,8 (51 nam và 18 nữ), tuổi trung bình là 49 ± 15,1, thời gian mổ trung bình là 35 ± 5,4 phút, điểm đau trung bình ngày hậu phẫu thứ 1 là 3,4 ± 0,6 điểm và của ngày hậu phẫu thứ 2 là 2 ± 0,8 điểm, chảy máu sau mổ là 5 trường hợp (7,2%), thời gian nằm viện trung bình là 3,4 ± 1 ngày.

Kết luận: Phẫu thuật Longo an toàn, ít đau, ít biến chứng, thời gian nằm viện ngắn.

ABSTRACT

Objective: Evaluate the results of treatment 3rd and 4th degree Internal Hemorrhoids by Longo technique.

Methods: This is a cross-sectional descriptive study of 69 patients with 3rd and 4th degree Interal hemorrhoids, who underwent surgery from 06/5/2016 to 05/9/2017.

Results: Sex ratio male/female is 51/18. Age average is 49 ± 15,1. Median VAS score of the first postoperative is 3,4 ± 0,6 and the second postoperative day is 2 ± 0,8.

There were 5 cases of postoperative bleeding. The average hospital stay is 3,4 ± 1 days

Conclusion: Treatment 3rd and 4th degree Internal Hemorrhoids by Longo technique is the preferred method, low postoperative pain score, low complication rate, short hospital stay.

ĐẶT VẤN ĐỀ:

Trĩ là một bệnh được biết từ rất lâu và rất phổ biến, tần suất mắc bệnh gần 50% ở người trên 50 tuổi theo thông kê nước ngoài [1,3,9], năm 2006, một khảo sát bệnh trĩ ở người trên 50 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ này là 25,13%, bệnh thường gặp nhất ở lứa tuổi 45-65, nam mắc bệnh nhiều hơn nữ [2,3,5,6,7,8,10,12,13,14,15,16]. Hiện nay, trĩ nội có rất nhiều phương pháp điều trị, điều trị nội khoa được áp dụng cho tất cả các cấp độ trĩ, điều trị bằng dụng cụ được áp dụng khi điều trị nội khoa không hiệu quả và cho trĩ nội độ 2 và 3, điều trị ngoại khoa là điều trị sau cùng khi mà cả 2 phương pháp trên không hiệu quả và chủ yếu cho trĩ nội độ 3 và 4. Kỹ thuật cắt trĩ từng búi từ lâu đã trở thành kỹ thuật điều trị chính trong bệnh trĩ (Milligan-Morgan 1937, Parks 1956, Ferguson 1959, Nguyễn Đình Hối 1966). Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, quan niệm xem đám rối tĩnh mạch trĩ là trạng thái sinh lý bình thường, do vậy, các phương pháp can thiệp ở vùng trên đường lược là xu hướng điều trị trĩ hiện nay. Năm 1993, phẫu thuật viên người Ý Antonio Longo đã dùng dụng cụ chuyên biệt là máy bấm cắt và khâu nối niêm mạc trực tràng nhằm triệt mạch các mạch máu trĩ nằm ở lớp dưới niêm mạc trực tràng đồng thời treo các búi trĩ sa vào lòng ống hậu môn. Phương pháp này nhanh chóng được áp dụng ở tất cả các nước trên thế giới và nghiên cứu cho thấy đây là phẫu thuật ít xâm hại, bảo đảm các yêu cầu sau phẫu thuật là giảm thể tích, không còn sa búi trĩ, bảo tồn lớp đệm hậu môn, ít đau sau mổ, ít biến chứng, thời gian nằm viện ngắn. Do vậy, chúng tôi thực hiện đề tài này nhằm đánh giá kết quả phẫu thuật Longo điều trị trĩ nội độ 3 và 4, từ đó, ứng dụng phẫu thuật này điều trị bệnh trĩ tại Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang.

MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU:

  1. Mục tiêu chung:

Đánh giá kết quả sớm phẫu thuật Longo trong điều trị trĩ độ 3 và 4.

  1. Mục tiêu chuyên biệt: Đánh giá các yếu tố:
      • Thời gian mổ.
      • Tai biến trong mổ.
      • Đau hậu phẫu.
      • Thời gian nằm viện sau mổ.
      • Biến chứng hậu phẫu.
      • Chi phí nằm viện.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

  1. Tiêu chuẩn chọn bệnh:

Tất cả các bệnh nhân trên 18 tuổi có trĩ nội độ 3, độ 4 nhập viện từ 01/5/2016 đến 05/9/2017 không có hẹp hậu môn, không có biến chứng tắc mạch.

  1. Tiêu chuẩn loại trừ:

– Tất cả các trĩ triệu chứng ở bệnh nhân mang thai, suy tim, xơ gan.

– Không đút lọt dụng cụ nong hâu môn đường kính 33 mm (CAD).

– Có ung thư đại-trực tràng kèm theo.

  1. Thiết kế nghiên cứu: Mô tả loạt ca.
  2. Thời gian nghiên cứu: Từ 06/5/2016 đến 05/09/2017.
  3. Phương tiện nghiên cứu:
  • Bộ dụng cụ làm phẫu thuật Longo (theo kết quả trúng thầu của Bệnh viện).
  • Chỉ soie 0, prolène 2.0, monosyn 4.0.
  1. Chuẩn bị bệnh nhân:
  • Làm các cận lâm sàng tiền phẫu theo quy định bệnh viện (các xét nghiệm tiền phẫu, x quang tim-phổi thẳng, đo điện tim).
  • Nội soi đại-trực tràng loại trừ thương tổn ung thư.
  • Cân bằng các rối loạn của cận lâm sàng (nếu có).
  • Nhịn ăn uống ngày phẫu thuật, bệnh nhân được truyền glucose 10% trong khi chờ mổ.
  • Bơm hậu môn 2 tube Fleet trước chuyển mổ 1 giờ nhằm làm sạch lòng đại-trực tràng.
  1. Kỹ thuật phẫu thuật:
  • Bệnh nhân được gây tê tủy sống và đặt nằm tư thế sản khoa.
  • Phẫu thuật viên ngồi giữa 2 chân bệnh nhân.
  • Nong hậu môn bằng tay rồi bằng dụng cụ nong hậu môn.
  • Cố định vòng nhựa bảo vệ đường lược vào vùng tầng sinh môn.
  • Đặt dụng cụ soi hậu môn và tiến hành khâu vòng lớp niêm mạc và dưới niêm mạc trên đường lược 2-4 cm bằng chỉ prolène 2.0.
  • Đưa máy vào lòng hậu môn-trực tràng và tiến hành cắt-nối lớp niêm mạc và dưới niêm mạc trực tràng.
  • Kiểm tra đường nối, nếu có chảy máu thì khâu tăng cường bằng chỉ monosyn 4.0.
  • Rút vòng nhựa và kết thúc.
  • Cắt bỏ các búi trĩ ngoại hoặc da thừa hậu môn nếu có.

https://i2.wp.com/phauthuatnoisoi.vn/uploads/news/2011_08/longo2.png

  1. Đo lường các biến:
    1. Đánh giá các biến số về:
  • Thời gian mổ.
  • Tai biến-biến chứng sớm hậu phẫu: chảy máu, bí tiểu, trĩ tắc mạch, sa búi trĩ.
  • Mức độ đau hậu phẫu đánh giá bằng thang điểm VAS.
  • Thời gian nằm viện sau khi mổ.
  • Chi phí nằm viện.
    1. Các biến số được điền vào bộ câu hỏi lập sẳn và được phân tích thống kê mô tả bằng phần mềm SPSS 20.0.

KẾT QUẢ:

Trong thời gian từ 06/5/2016 đến 05/9/2017, chúng tôi điều trị 69 trường hợp trĩ nội độ 3 và 4 bằng phẫu thuật Longo kết quả được mô tả qua bảng sau:

Biến số N Giá trị
Tuổi 69 49 ± 15,1 (19-85)
Giới: Nam/Nữ 69 51/18 = 73,9% / 26,1%
Nghề nghiệp:

  • CNV
  • Làm ruộng
  • Làm thuê
  • Nội trợ
  • Buôn bán
  • HS-SV
  • Già
69 13 cas: 18,8%

13 cas: 18,8%

12 cas: 17,4%

11 cas: 15,9%

3 cas: 4,3%

1 cas: 1,4%

16 cas: 23,2%

Triệu chứng:

  • Chảy máu
  • Sa búi trĩ
  • Đau búi trĩ
69 49 cas: 71%

69 cas: 100%

43 cas: 62,3%

Thiếu máu:

  • Không thiếu máu
  • Thiếu máu nặng
69 58 cas: 84,1%

11 cas: 15,9%

Giai đoạn trĩ:

  • Giai đoạn 3
  • Giai đoạn 4
  • Trĩ hỗn hợp
69 40 cas: 58%

16 cas: 23,2%

13 cas: 18,8%

Số lượng búi trĩ:

  • 1 búi
  • 2 búi
  • 3 búi
  • 4 búi
69 1 cas: 1,4%

1 cas: 1,4%

27 cas: 39,2%

40 cas: 58%

ASA:

  • 1 điểm
  • 2 điểm
69 28 cas: 40,6%

41 cas: 59,4%

Thời gian mổ 69 35 ± 5,4 phút
Đau hậu phẫu:

  • Ngày 1
  • Ngày 2
69 3,4 ± 0,6 điểm

2 ± 0,8 điểm

Biến chứng sớm:

  • Không biến chứng
  • Chảy máu
69 64 cas: 92,8%

5 cas: 7,2%

Tử vong 69 0
Ngày nằm viện sau mổ 69 3,4 ± 1 ngày
Chi phí 69 15 ± 2,9 (triệu đồng)

BÀN LUẬN:

Trong nghiên cứu này, tuổi trung bình là 49 tuổi, nam chiếm 73,9% và nữ chiếm 26,1%, trong đó nghề lao động nặng nhọc và người già chiếm 59,4%, điều này phù hợp với các nghiên cứu [2,3,4,5,12,13,14,15,16], các tác giả đều cho rằng trĩ rất ít gặp ở trẻ em. Ở người lớn, tần suất bệnh tăng theo tuổi, có liên quan đến lao động nặng nhọc, gây tăng áp lực ổ bụng thường xuyên và khi càng lớn tuổi các cấu trúc mô trở lên lỏng lẻo cũng là yếu tố thuận lợi của bệnh trĩ.

Theo Nguyễn Đình Hối [1], trĩ có 3 triệu chứng chính là tiêu ra máu, sa búi trĩ và đau búi trĩ, trong đó sa búi trĩ là triệu chứng thường gặp nhất và đưa bệnh nhân đến bệnh viện, trong nghiên cứu của chúng tôi, sa búi trĩ cũng chiếm tỷ lệ cao (100% các trường hợp các bệnh nhân nhập viện), sa búi trĩ làm bệnh nhân phải dùng tay đẩy búi trĩ lên, đôi khi gây phù nề, đau đớn không thể đẩy búi trĩ lên được, bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu, trong các nghiên cứu khác cũng cho thấy sa búi trĩ là triệu chứng thường gặp nhất [3,5,13,16]. Tiêu ra máu thường rĩ rã, ít khi ồ ạt, làm người bệnh cố chịu đựng, tự hết hoặc tự mua thuốc uống và thường có dấu hiệu của thiếu máu mãn tính, trong nghiên cứu của chúng tôi có 11 trường hợp (chiếm 15,9%) thiếu máu nặng cần phải truyền máu trước mổ, đưa Hémoglobine về ngưỡng an toàn để phẫu thuật. Chỉ định điều trị triệt để bệnh trĩ hiện nay với trĩ độ 3 và 4 là phẫu thuật, trong 69 trường hợp, trĩ nội độ 3 là 40 trường hợp (58%), trĩ nội độ 4 là 16 trường hợp (23,2%) và trĩ hỗn hợp là 13 trường hợp (18,8%), 3 và 4 búi trĩ chiếm 97,2%, điều này cho thấy, đa số các trường hợp là bệnh trĩ ở giai đoạn nặng và phù hợp với nghiên cứu của chúng tôi vào năm 2014 [4]. Tất cả các trường hợp nghiên cứu có điểm ASA là 1-2, đây là điểm an toàn cho phẫu thuật. Thời gian mổ trung bình trong lô nghiên cứu là 35,3 phút, thời gian mổ được tính từ khi bắt đầu nong hậu môn, đặt CAD và kết thúc là khi rút CAD, kết thúc cuộc mổ. Thời gian mổ trung bình của Hồ Hữu Đức [2] là 37,8 phút, của Nguyễn Thế Trường [3] là 23,34 phút, của các tác giả Ấn Độ [12] là 34,9 phút, của các tác giả Ý [14] là 31 phút và của các tác giả Nepal [13] là 40-60 phút, điều này cho thấy thời gian mổ trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi là chấp nhận được. Trong quá trình phẫu thuật, nếu có chảy máu rĩ rả đường khâu bấm thì sẽ khâu tăng cường bằng chỉ đơn sợi tan chậm 4.0, chúng tôi có 9 trường hợp (13%) cần khâu tăng cường cầm máu và khi rút CAD thì tiến hành can thiệp các búi trĩ ngoại nếu có, trong lô nghiên cứu này có 14 trường hợp (20,2%) cắt búi trĩ ngoại kèm theo và điều này tuy làm kéo dài thêm thời gian mổ nhưng làm tăng mức độ hài lòng của bệnh nhân. Sau mổ chúng tôi sử dụng thang điểm VAS (Visual Analogue Scales) để đánh giá mức độ đau cho bệnh nhân, theo nhiều nghiên cứu [2,5,11,12] mức độ đau sau phẫu thuật Longo là đau nhẹ đến vừa, trong khi đau hậu phẫu của phẫu thuật trĩ kinh điển Milligan-Morgan là đau vừa đến nhiều, điều này cũng được chứng minh trong nghiên cứu của chúng tôi là điểm đau trung bình trong ngày hậu phẫu thứ 1 là 3,4 điểm và ờ ngày hậu phẫu thứ 2 là 2 điểm, đây cũng là ưu điểm của phẫu thuật Longo và làm tăng mức độ hài lòng của người bệnh.

Biến chứng sau phẫu thuật Longo bao gồm chảy máu, bí tiểu, phù nề vùng hậu môn, trĩ ngoại thuyên tắc, cảm giác mót rặn, hẹp hậu môn, áp xe vùng chậu, trĩ tái phát…Trong nghiên cứu của chúng tôi có 5 trường hợp (7,2%) có máu dính phân khi đi cầu trong thời gian hậu phẫu, chúng tôi sử dụng thuốc cầm máu bệnh ổn xuất viện mà không phải mổ lại, theo nghiên cứu của Hồ Hữu Đức [2] có 6 bệnh nhân (4,2%) chảy máu sau mổ, trong đó 3 bệnh nhân cần phải mổ lại cầm máu và 21 bệnh nhân bí tiểu sau mổ (14,5%), còn các tác giả Ấn Độ [12] có tỷ lệ chảy máu sau mổ là 11,2% và bí tiểu sau mổ là 15,09%, các tác giả Đức [15] có 14/1144 trường hợp (1,2%) chảy máu sau mổ cần phải mổ lại để cầm máu, các biến chứng khác không có trong lô nghiên cứu của chúng tôi. Thời gian nằm viện sau phẫu thuật trung bình là 3,4 ngày cũng tương đồng với các tác giả khác [2,3,12,14,15]. Chi phí trung bình cho một bệnh nhân là 15 triệu đồng, chi phí này rẻ hơn so với nhiều Bệnh viện khác và nhất là khi bệnh nhân có Bảo hiểm y tế.

KẾT LUẬN:

Phẫu thuật Longo điều trị trĩ nội độ 3 và 4 là phẫu thuật an toàn, hiệu quả, ít biến chứng, thời gian nằm viện ngắn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Đình Hối. Bệnh trĩ. Hậu môn trực tràng học. Nhà xuất bản y học 2002: 73-104.
  2. Hồ Hữu Đức, Nguyễn Lương Bằng, Lê Tiến Dũng, Trần Văn Quảng, Lê Văn Quang. Kết quả phẫu thuật Longo điều trị trĩ trên bệnh nhân lớn tuổi. Y Học TP.Hồ Chí Minh 2012: 299-302.
  3. Nguyễn Thế Trường. Kết quả điều trị trĩ bằng phẫu thuật Longo tại Bệnh viện Hữu Nghị 2008-2012. Tạp Chí nghiên cứu y học 2013: 68-77.
  4. Lê Huy Cường, Nguyễn Văn Ngãi, Nguyễn Thành Phúc, Phạm Hòa Lợi. Kết quả điều trị trĩ nội độ 3 và 4 bằng phẫu thuật Hussein cải biên. Kỷ yếu hội nghị khoa học Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang 2014: 48-57.
  5. F.Pigot, MD Quang, A. Castinel, F. Juguet, D. Bouchard, F.A.Allaert, J. Bockle. Vécu de la douleur postopératoire et résultats à long terme après chirurgie hémorroidaire par anopexie. Annales de chirurgie 2006;131: 262-267.
  6. J.L. Faucheron. La maladie hémorroidaire. Corpus médical-Faculté de médecine de Grenoble. 2005: 1-7.
  7. Vogin G.D. Stapled hemorrhoidectomy may become new gold standard. Arch Surg 137 (2002): 337 – 340.
  8. L. Siproudhis. Nouveautés thérapeutiques en proctologie. Gastroenterol Clin Biol 2001; 25: B101-B109.
  9. M. Papillon, J.P. Arnaud, B. Descottes, J.F. Gravié. X. Huten, N. De Manzini. Le traitement de la maladie hémorroidaire par la technique de Longo. Résultats préliminaires d’une étude prospective portant sur 94 cas. Annales de Chirugie 1999; 124: 666-669.
  10. JF Gravié. Anopexie circulaire dans le traitement des hémorroides: Technique de Longo. Encyclopédie Médico-Chirurgicale 2000; Fa-40-685.
  11. Pasquale Giordano, Gianpiero Gravante, Roberto Sorge, Laurent Ovens, Piero Nastro. Long-term outcome of stapled hemorrhoidopexy vs conventional hemorrhoidectomy. Arch Surg 2009; 144: 266-272.
  12. Kasibhatla Lakshmi Narasimha Rao, Samir Ranjan Nayak, Satveer Singh, Dillip Kumar Soren, Ganni Bhaskara Rao. Stapled Hemorrhoidopexy Versus Classical Hemorrhoidectomy – A Prospective Comparative Study with 3 Years Follow-up. Int J Cur Res Rev 2017; 9(15): 26-31.
  13. Shrestha S, Pradhan G.B.N, Shrestha R, Poudel P, Bhattachan C.L. Stapled Haemorrhoidectomy in the operative treatment of grade III and IV haemorrhoids. Nepal Med Coll J 2014; 16(1): 72-74.
  14. Alessandra Panarese, Daniele Pironi, Maurizio Vendettuoli, Stefano Pontone, Stefano Arcieri, Andrea Conversi, Anna Maria Romani, Angelo Filippini. Stapled and conventional Milligan–Morgan haemorrhoidectomy: different solutions for different targets. Int J Colorectal Dis (2012) 27:483–487.
  15. Arndt Voigtsberger, Lucia Popovicova, Gunter Bauer, Knut Werner, Tina Weitschat-Benser, Sven Petersen. Stapled hemorrhoidopexy: functional results, recurrence rate and prognostic factors in a single center analysis. Int J Colorectal 2015: 1-4.
  16. A. Ommer, Jakob Hinrichs, Horst Mollenberg, Babji Marla, Martin Karl Walz. Long-term Results After Stapled Hemorrhoidopexy: A Prospective Study With
    a 6-Year Follow-up. Dis Colon Rectum 2011; 54: 601– 608.
TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)