Dự phòng loét do stress trong thiên niên kỷ mới: một tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp

Marik PEVasu THirani APachinburavan M, Stress ulcer prophylaxis in the new millennium: a systematic review and meta-analysis, Crit Care Med. 2010 Nov;38(11):2222-8. 

Division of Pulmonary and Critical Care Medicine, Eastern Virginia Medical School, Norfolk, VA, USA. marikpe@evms.edu

Đặt vấn đề: Những nghiên cứu quan sát gần đây cho thấy chảy máu từ nguyên nhân loét do stress rất hiếm gặp ở bệnh nhân tại khoa chăm sóc tích cực (ICU). Hơn nữa, nguy cơ chảy máu có thể không thay đổi khi sử dụng thuốc chống tiết acid. Nuôi ăn bằng ống sớm qua đường ruột (bắt đầu trong vòng 48 giờ nhập ICU) có thể giải thích việc không cần dùng thuốc dự phòng. Hơn nữa, dự phòng loét do stress  làm tăng nguy cơ viêm phổi bệnh viện mắc phải và nhiễm Clostridia difficile.

Mục tiêu: Một đánh giá có hệ thống y văn để xác định lợi ích và nguy cơ của dự phòng loét do stress và ảnh hưởng của dinh dưỡng qua đường ruột.

Dữ liệu: Medline, Embase, Cochrane Register of Controlled Trials và tổng quan các trích dẫn và các bài báo có lien quan. 

Lựa chọn nghiên cứu: Các nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng đánh giá sự liên quan giữa dự phòng loét do stress và xuất huyết tiêu hóa. Chúng tôi chỉ chọn những nghiên cứu so sánh giữa dùng thuốc kháng thụ thể H-2 với giả dược.

Trích xuất dữ liệu: Dữ liệu được tóm tắt gồm:  thiết kế nghiên cứu, cỡ mẫu, địa điểm, số bệnh nhân, các thốc kháng thụ thể  H-2 và liều lượng sử dụng, tỷ lệ  xuất huyết tiêu hóa ý nghĩa lâm sàng, viêm phổi bệnh viện mắc phải, tử vong, và nuôi ăn qua đường ruột.

Tổng hợp dữ liệu: 17 nghiên cứu (gồm 1836 bệnh nhân) đạt tiêu chí chọn vào. Bệnh nhân được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng qua đường ruột ở 3 nghiên cứu. Nhìn chung, dự phòng loét do stress với kháng thụ thể H-2 làm giảm nguy cơ xuất huyết tiêu hóa (tỷ suất chênh 0,47; KTC 95%, 0,29-0,76; p <0,002, I = 44%), tuy nhiên, hiệu quả điều trị đã được ghi nhận chỉ trong nhóm bệnh nhân không được nuôi ăn qua đường ruột. Trong những bệnh nhân được cho ăn qua đường ruột, dự phòng loét do stress không làm thay đổi nguy cơ xuất huyết tiêu hóa (tỷ suất chênh 1,26; KTC 95% 0,43-3,7). Nhìn chung kháng thụ thể H-2 không làm tăng nguy cơ viêm phổi bệnh viện mắc phải (tỷ suất chênh 1,53; KTC 95% 89-2,61; p = 0,12; I = 41%), tuy nhiên, biến chứng này tăng lên trong nhóm các bệnh nhân được cho ăn qua đường ruột (tỷ suất chênh 2,81; KTC 95% 1,20-6,56; p = 0,02; I = 0%). Nhìn chung, dự phòng loét do stress không ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong bệnh viện (tỷ suất chênh 1,03; KTC 95%, 0,78-1,37; p = 0,82). Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong bệnh viện cao hơn trong những nghiên cứu (n = 2), trong đó bệnh nhân được cho ăn qua đường ruột và sử dụng kháng thụ thể H-2  (tỷ suất chênh 1,89; KTC 95% 1,04-3,44; p = 0,04, I = 0%). Phân tích độ nhạy và  hồi quy tổng hợp không chứng minh được mối quan hệ giữa hiệu quả điều trị bằng kháng thụ thể H-2  và xuất huyết tiêu hóa theo thang điểm chất lượng Jadad  và cũng không theo năm của nghiên cứu.

Kết luận: Các kết quả phân tích tổng hợp này cho thấy rằng, ở những bệnh nhân được nuôi ăn qua đường ruột, dự phòng loét do stress là không cần thiết, hơn nữa việc điều trị này có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi và tử vong. Tuy nhiên, vì không có nghiên cứu lâm sàng tiến cứu kiểm tra ảnh hưởng của nuôi ăn qua đường ruột đối với nguy cơ dự phòng loét do sterss, những phát hiện của chúng tôi cần được xem xét thăm dò và diễn giải thận trọng.

Người dịch: BS Trung, khoa ICU, Bệnh viện An Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)