Đánh giá kết quả phẫu thuật điều trị chấn thương cột sống lưng – thắt lưng bằng lối sau tại bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang

BSCKII. NGUYỄN TRIẾT HIỀN.

BSCKI. NGUYỄN TẤN ĐẠT.

TÓM TẮT

Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh của chấn thương cột sống bản lề lưng và thắt lưng.Đánh giá kết quả phẫu thuật chấn thương cột sống lưng – thắt lưng bằng lối sau.

Phương pháp: Tiến cứu mô tả cắt ngang 25 bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương cột sống lưng và được phẫu thuật bằng đường mổ lối sau tại Bệnh Viện đa khoa trung tâm An Giang từ tháng 5/2013 đến tháng 05/2017.

Kết quả: 25 bênh nhân phẩu thuật có tuổi trung bình là 34,23 ± 2,34 tuổi, nam chiếm 72%, nữ chiếm 28%. Đa số bệnh nhân ở độ tuổi lao động (26-50 tuổi) chiếm 88%. Nguyên nhân thường gặp là tai nạn lao động (19 bệnh nhân) chiếm 76%. Vị trí tổn thương thường gặp là đốt sống L1 (16 bệnh nhân) chiếm 68% .

Đánh giá kết quả cải thiện trên lâm sàng theo Frankel. Kết quả sớm khi ra viện, rất tốt 80%, tốt 16%, trung bình 4%, kém (0%) và tái khám lại sau 06 tháng rất tốt 88%, tốt 8%, trung bình 4%, kém 0%

Kết luận: Tuy số lượng phẫu thuật chưa nhiều nhưng kết quả điều trị giúp cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân và là sự phát triển các kỹ thuật của bệnh viện trong tương lai.

ABSTRACT

Objective:  Clinical and radiology features of spinal cord injury to the thoracolumbar and lumbar.Evaluating the results of surgical treatment spinal cord injury to the lumbar and waist by posterior approach

Methods:Descriptive study cross sectional of  25 patients was diagnosed spinal cord injury to the thoracolumbar and lumbar were surgical treated by posterior approach at An Giang central general hospital from 5/2013 to 5/2017

Results: 25 surgical patients have mean age 34,23 ± 2,34, male 72%,  female 28%. labours(26-50) are 88% with hard working reason. Cause: labour accident 76%. The common positions are L1 vertebrae (68%)

According to evaluation of clinical improvement with early result before coming out of hospital are very good (80%), good (16%), average (4%), bad (0%); followup examination after 6 months are very good (88%) good (8%), average (4%) and bad (0%).

Conclusion: Although the number of surgeries is small, the results of the treatment will improve the quality of life for patients and the development of future hospital techniques.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Chấn thương cột sống (CTCS) lưng – thắt lưng chiếm 70% CTCS, là một loại tổn thương nặng nề của bệnh lý chấn thương nói chung và cột sống nói riêng, do nhiều nguyên nhân gây nên, có thể để lại di chứng nặng nề và gây tàn phế suốt đời do những biến chứng tổn thương thần kinh không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Những năm gần đây, sự tiến bộ của y học (chuyên ngành phẫu thuật thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, phục hồi chức năng…) và các ngành kỹ thuật hỗ trợ (dụng cụ, trang thiết bị phẫu thuật…) đã đem lại cho bệnh nhân CTCS một triển vọng tươi sáng hơn.. Tại Việt Nam, trước đây, kỹ thuật này chỉ được thực hiện tại các bệnh viện ở thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

An Giang, trước năm 2012 tất cả các bệnh nhân bị chấn thương cột sống, bệnh lý cột sống có chỉ định phẫu thuật đều phải chuyển lên tuyến trung ương điều trị. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, bức thiết, cần nghiên cứu điều trị loại bệnh lý này, nhằm kịp thời cứu sống người bệnh, hạn chế biến chứng, di chứng có thể xảy ra do tổn thương mất vững cột sống.

Từ tháng 5/2013 Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang đã thực hiện phẫu thuật điều trị chấn thương cột sống lưng – thắt lưng bằng lối sau. Do vậy, chúng tôi tiến hành đề tài với 2 mục tiêu:

– Mô tả đặc điểm lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh của chấn thương cột sống bản lề lưng thắt lưng và thắt lưng.

– Đánh giá kết quả của phẫu thuật.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng:

– Tất cả bệnh nhân bị chấn thương cột sống lưng – thắt lưng được điều trị phẫu thuật tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang từ 5/2013 – 5/2017.

– Tiêu chuẩn loại trừ:

+ Bệnh nhân < 14 tuổi

+ Những bệnh nhân đa chấn thương, các dấu hiệu sinh tồn không đảm bảo cho cuộc phẫu thuật.

+ Bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính không cho phép phẫu thuật.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

– Tiến cứu mô tả cắt ngang.

– Thu nhập số liệu theo mẫu bệnh án gồm phần hành chính, triệu chứng lâm sàng,hình ảnh Xquang và CT.Scanner, điều trị phẫu thuật, tai biến, biến chứng, thời gian nằm viện, tình trạng xuất viện, tái khám theo dõi sau phẫu thuật.

– Xử lý số liệu theo phần mềm thống kê SPSS 18.0

2.3. Chỉ định mổ: Gãy không vững theo phân loại Denis

– Gãy cột giữa.

– Gãy cột sau.

– Hoặc gập góc > 150

2.4. Kỹ thuật mổ:

– Gây mê nội khí quản.

– Bệnh nhân nằm sấp.

– Đường mổ lối sau.

– Nắn chỉnh.

– Xác định chân cung, bắt vít cố định vững chắc.

– Mở cung sau giải phóng chèn ép tủy.

– Dùng C.arm kiểm tra trong quá trình phẫu thuật.

– Đặt ống dẫn lưu, khâu vết mổ 3 lớp.

2.5. Đánh giá kết quả:

Khi ra viện , sau 3 tháng, sau 6 tháng dựa vào kết quả chụp X quang kiểm tra sau phẫu thuật và đánh giá sự hồi phục thần kinh theo Frankel.

– Rất tốt: X quang cột sống hết di lệch, cột sống cố định vững chắc, tổn thương thần kinh hồi phục hoàn toàn.

– Tốt: X quang cột sống hết di lệch, cột sống cố định vững chắc, tổn thương thần kinh hồi phục gần hoàn toàn, có tiến bộ hơn so với trước mổ.

– Trung bình: X quang cột sống còn di lệch, cột sống cố định vững chắc, tổn thương thần kinh không cải thiện hoặc còn di chứng.

– Kém: X quang cột sống còn di lệch, cột sống cố định không vững, tổn thương thần kinh không cải thiện hoặc còn di chứng.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU .

3.1 Đặc điểm về tuổi, giới tính, nghề nghiệp và nguyên nhân .

Bảng: Tuổi, giới tính, nghề nghiệp và nguyên nhân .

Đặc điểm Mô tả
Giới tính Nam 18 (72%)
Nữ 7 (28%)
Tuổi <20 21-40 41-60 >60 Tổng
1 (4%) 16 (64%) 6 (24%) 2 (8%) 25 (100%)
Nghề nghiệp Nông dân Công nhân Viên chức Tổng
14 (56%) 9 (36%) 2 (8%) 25 (100%)
Nguyên nhân Tai nạn lao động Tai nạn giao thông Tai nạn sinh hoạt Tổng
19 (76%) 1 ( 4%) 5 (20%) 25 (100%)

Nhận xét

  • Nam/nữ: 18/7 = 2,57
  • Chấn thương cột sống lưng thắt lưng gặp chủ yếu ở lứa tuổi 21 – 40 tuổi (64%). Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 18 tuổi, lớn tuổi nhất là 65 tuổi, tuổi trung bình là 34,23 ± 2,34.
  • Người lao động chân tay có tỷ lệ chấn thương cột sống cao 92%.
  • Những người làm việc văn phòng chiếm tỷ lệ thấp (8%).
  • Đa số do tai nạn lao động (76%), tuy nhiên cũng có tỷ lệ nhỏ do tai nạn sinh hoạt (20%) rất ít gặp do tai nạn giao thông (4%).

3.2 Đặc điểm về tổn thương thần kinh theo Frankel, phân loại gãy cột sống theo Dennis, vị trí đốt sống gãy .

Bảng: Tổn thương thần kinh (theo Frankel), phân loại gãy cột sống (theo Denis) và vị trí gãy đốt sống.

Thang điểm (Frankel) A B C D E Tổng
0 (0%) 0 (0%) 2 (8%) 16 (64%) 7 (28%) 25 (100%)
Tổn thương (Denis) I II III Tổng
4 (16%) 19 (76%) 2 (8%) 25 (100%)
Vị trí đốt sống gãy D12 L1 L2 Tổng
2 (8%) 17 (68%) 6 (24%) 25 (100%)

Nhận xét:

  • Gặp nhiều nhất là tổn thương thần kinh ở loại Frankel D (64%).
  • Gặp nhiều nhất là tổn thương loại II (52%) theo phân chia của Denis.
  • Gặp nhiều nhất là gãy L1 (68%) vì đây là bản lề cột sống.

3.3. Phương pháp phẫu thuật:

– Nắn chỉnh, cố định cột sống bằng nẹp vít qua chân cung: 8 BN (32,00%)

– Nắn chỉnh, cố định cột sống bằng nẹp vít chân cung + mở cung sau giải phóng chèn ép tủy: 17 (68,00%)

– Xác định vị trí đốt sống vỡ tại bàn mổ (sau khi gây mê) bằng chụp Xquang, C.arm. Kiểm tra vị trí của vít chân cung bằng C.arm ngay trên bàn mổ, sau khi bắt vít xong.

3.4. Thời điểm phẫu thuật, thời gian phẩu thuật, biến chứng phẩu thuật và kết quả điều trị .

Bảng: Thời điểm, thời gian phẩu thuật, biến chứng phẩu thuật, kết quả điều trị.

Đặc điểm Mô tả
Thời điểm phẩu thuật (giờ) < 24h 25-48h >48h Tổng
0 (0%) 6 (24%) 19 (76%) 25 (100%)
Thời gian phẩu thuật (phút) < 90 90-120 >120 Tổng
1 (4%) 20 (80%) 4 (16%) 25 (100%)
Biến chứng sau phẩu thuật Chảy máu Nhiễm trùng vết mổ Vỡ chân cung Gãy vít
0 (0%) 1 (4%) 0 (0%) 0 (0%)
Kết quả điều trị Rất tốt Tốt Trung bình Kém Tổng
22 (88%) 2 (8%) 1 (4%) 0 (0%) 25 (100%)

Nhận xét:

  • Bệnh nhân được phẫu thuật sau hai ngày chiếm tỷ lệ cao (76%). Vì đa số bệnh nhân của chúng tôi là tổn thương thần kinh ở loại Frankel D, nên chưa cần phải can thiệp cấp cứu.
  • Thời gian mổ ngắn nhất: 80 phút; dài nhất: 180 phút; trung bình 110,15 ± 3,22 phút.
  • Tai biến và biến chứng chiếm tỷ lệ rất thấp.
  • Ngay sau ra viện, mức độ hồi phục tốt và rất tốt là 96% trong đó tỷ lệ

rất tốt 88,00%.

Tái khám sau 3 tháng:

– Rất tốt có 22 BN, tốt 2 BN và trung bình 1 BN.

Tái khám sau 6 tháng: không thay đổi so với thời điểm 3 tháng.

– Rất tốt: 22/25 BN (88%), tốt 2/25 (8%), trung bình 1/25 (4%).

4. BÀN LUẬN

Trong nghiên cứu, chấn thương cột sống lưng – thắt lưng gặp chủ yếu ở lứa tuổi 21 – 40 chiếm 64%, nam gặp nhiều hơn nữ: nam/nữ = 2,57. Theo Nguyễn Ngọc Thiện tỷ lệ này là 2,97. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 18, cao tuổi nhất là 65. Theo Võ Xuân Sơn (2007) đã phẫu thuật cho bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 12; cao tuổi nhất là 74 và lứa tuổi gặp nhiều nhất là 25 – 54 (77,7%).

Nghề nghiệp và nguyên nhân phần lớn liên quan đến lao động chân tay gặp nhiều nhất ở nông dân (56%) và công nhân công trường (36%), chủ yếu là do tai nạn lao động (76%). Theo Nguyễn Quốc Bảo TNLĐ là 85,72%.

Hình thái gãy cột sống loại lún ép Độ II theo Denis chiếm hầu hết (76%). Theo Phạm Thanh Hải (68,27%). Biểu hiện lâm sàng gặp nhiều nhất ở loại D theo Frankel (64%), theo Nguyễn Trọng Thiện (45,26%) chỉ có 2 trường hợp ở loại Frankel C; đây là loại gãy mất vững gây liệt và mất cảm giác 2 chân cần phải được mổ khẩn trương để giải phóng chèn ép tủy tạo điều kiện để thần kinh hồi phục sớm.

Đa số các tác giả trên thế giới đều cho rằng nên mổ các tổn thương gãy trật cột sống có liệt tủy trước 8 giờ kể từ khi chấn thương. Trong lô nghiên cứu không có trường hợp nào bệnh nhân được phẫu thuật trước 8 giờ do đa số bệnh nhân của chúng tôi là tổn thương thần kinh ở loại Frankel D và E (92%), nên chưa cần phải can thiệp cấp cứu. Theo Phạm Thanh Hải tỷ lệ bệnh nhân được phẫu thuật sớm trước 8 giờ là 15,27%. Như vậy bệnh nhân chấn thương cột sống cần phải được chuyển đến sớm hơn và Bệnh viện cần triển khai mổ sớm cho bệnh nhân.

Trong nghiên cứu vị trí gãy cột sống gặp nhiều nhất ở L1 (68%) cũng tương đương với nghiên cứu của Nguyễn Quốc Bảo (62,29%). Đây là vùng bản lề cột sống, nên dù nguyên nhân cơ chế nào thì khu vực bản lề này cũng dễ bị tổn thương nhất.

Phương pháp phẫu thuật: 25/25BN được cố định cột sống bên trong bằng nẹp vít qua chân cung sau khi đã nắn chỉnh các di lệch. 17/25 (68%) trường hợp có mở cung sau giải ép tủy vì có máu tụ ngoài màng tủy và lấy máu tụ ngoài màng tủy giải phóng chèn ép tủy. Theo Hồ Hữu Dũng tỷ lệ này là 46,72%.

Thời gian mổ trung bình của chúng tôi là 110,15 ± 3,22 phút so với Nguyễn Trọng Thiện ( 100,26 ± 2,17 phút) vì là bước đầu phẫu thuật chấn thương cột sống chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm.

Biến chứng nhiễm trùng vết mổ chúng tôi gặp 1 trường hợp (4%) nhưng chỉ là nhiễm trùng nông không đáng kể và vết mổ lành sau đó. Hồ Hữu Dũng đã phẫu thuật cho 30 BN không có tai biến, biến chứng xảy ra. Với những tai biến, biến chứng y văn đã thông báo như: Tổn thương rễ thần kinh, tổn thương mạch máu và các tạng trong ổ bụng, viêm tắc tĩnh mạch, tử vong trong nghiên cứu chúng tôi không gặp có lẽ do mẫu nghiên cứu của chúng tôi còn quá ít.

Thời gian nằm viện 7,13 ± 2,14 ngày, ngắn nhất là 5 ngày, dài nhất là 15 ngày. Nghiên cứu của Nguyễn Trọng Thiện thời gian nằm viện trung bình 8,15 ± 2,23 ngày.

Kết quả rất tốt là 22/25 BN (88%) cũng tương đương với một số tác giả khác:

Võ Xuân Sơn (89,72%), Nguyễn Quốc Bảo (88,89%), không có bệnh nhân nào có kết quả kém. Có thể là do mẫu nghiên cứu của chúng tôi số lượng còn ít, và chủ yếu là bệnh nhân mất vững cơ học hoặc thần kinh học đơn thuần.

5. KẾT LUẬN

– Đây là kết quả bước đầu mà Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang đã làm được, tuy số lượng chưa nhiều nhưng đã góp phần làm giảm thời gian bất động và nằm viện, giảm chi phí điều trị; đồng thời tạo thuận lợi cho sự hồi phục chức năng, sớm giúp người bệnh trở lại công việc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

– Mổ nẹp vít cột sống tại Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết, sự mong mỏi và kỳ vọng của bệnh nhân. Giải pháp là tiền đề cho sự phát triển các phẫu thuật u tủy, lao cột sống, thoát vị đĩa đệm và nội soi cột sống trong tương lai gần của tỉnh nhà.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Vũ Hùng Liên: Chấn thương cột sống – tủy sống và những vấn đề cơ bản –NXB Y học, Hà Nội, 2006.

2. Nguyễn Đắc Nghĩa: Nghiên cứu điều trị gãy cột sống ngực – thắt lưng không vững có liệt tủy bằng khung Hartshill tại Bệnh viện Xanh – Pôn Hà Nội-Luận án Tiến sĩ y học, 2004.

3. Nguyễn Phong, Võ Xuân Sơn, Trương Văn Việt: Chấn thương cột sống và tủy sống. Chuyên đề ngoại thần kinh, NXB Y học, Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, 2002.

4. Nguyễn Trọng Thiện (2009), Phẫu thuật điều trị chấn thương cột sống ngực – thắt lưng tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Kỹ yếu các công trình nghiên cứu khoa học Bệnh viện C Đà Nẵng tập IX. 124-129

5. Hồ Hữu Dũng (2008), phẫu thuật điều trị chấn thương cột sống ngực thắt lưng. Tạp chí y học TP. Hồ Chí Minh tập 12 phụ bản số 4 (2008). 51 – 57

6. Phạm Thanh Hải: Nhận xét kết quả phẫu thuật cấp cứu gãy trật cột sống ngực thắt lưng bằng lối sau tại Bệnh viện 175. Tạp chí y học thực hành Hội nghị phẫu thuật thần kinh lần thứ 12 (2009). 149 – 159.

7. Nguyễn Quốc Bảo: Nhận xét kết quả phẫu thuật cấp cứu gãy trật cột sống ngực thắt lưng bằng lối sau tại Bệnh viện 175. Tạp chí y học thực hành Hội nghị phẫu thuật thần kinh lần thứ 12 (2009). 100 – 105.

8. Antonie G. T. and Charles C.E: Traumatic Injuries of the Lower Lumbar Spine – Surhery of Spinal Trauma, Lippincott William & Wilkins 2000, p.295-316.

9. Jeffrey S.F. and Harry N.H: Fractures and Dislocations of the Thoracolumbar Junction – Surgery of Spinal Trauma, Lippincott William & Wilkins 2000, p269-294.

10. Richard G.F, Regis W.H. and Ass: Current techniques in Spinal Stabilization, McGraw-Hill 1996, p251-454.

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)