Đặc điểm viêm phổi bệnh viện do acinetobacter tại khoa hồi sức tích cực bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang

Phạm Ngọc Kiếu, Nguyễn Huỳnh Bích Phượng, Nguyễn Trung Bình

TÓM TẮT

Giới thiệu: Viêm phổi bệnh viện (VPBV) do Acinetobacter spp là một thách thức lớn cho các nhà lâm sàng trong nước và trên thế giới, hậu quả của nó dẫn đến thời gian nằm viện kéo dài, tăng chi phí điều trị và tăng tỷ lệ tử vong.

Phương pháp: nghiên cứu hồi cứu cắt ngang mô tả. Đối tượng gồm tất cả bệnh nhân được điều trị tại khoa Hồi Sức tích cực BVĐKTT An Giang từ tháng 01/2017 đến tháng 08/2017 được chẩn đoán là VPBV, có kết quả cấy bệnh phẩm dương tính với Acinetobacter và được làm kháng sinh đồ.

Kết quả: 84 bệnh nhân được chọn tại khoa Hồi sức, mẫu bệnh phẩm bao gồm: đàm 67 mẫu (79,8%),máu 17 mẫu (20,2%). Acinetobacter spp phân lập được chiếm tỷ lệ 16%, đề kháng với hầu hết kháng sinh hiện có trên 60%, Colistin là kháng sinh duy nhất còn nhạy 100%. Các yếu tố như tuổi trên 60, Creatinine tăng, điểm APACHE II cao, PaO2/FiO2 thấp và thời gian thở máy kéo dài là những yếu tố nguy cơ có giá trị tiên đoán độ nặng và tử vong.

Kết luận: VPBV do Acinetobacter baumanii tại khoa Hồi sức BV An Giang chiếm tỷ lệ 16% , là vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh với tỷ lệ cao (betalactam > 60%, carbapenem 45,2%, quinolone 84,5%). Riêng Colistin còn nhạy 100%. Tỷ lệ tử vong trong viêm phổi bệnh viện do Acinetobacter là 60,7%.

ABSTRACT

HOSPITAL ACQUIRED PNEUMONIA CHARACTERICTIS DUE TO ACINETOBACTER AT ICU DEPARTMENT AN GIANG HOSPITAL

Bacground: Hospital acquired pneumonia (HAP) due to Acinetobacter baumannii is the great challenge for clinicians in Vietnam as well as in the world. The results of HAP will lead to prolong the length of hospital stay, increase cost of treatment and increase case fatality.

Methods: A cross sectional, descriptive, retrospective study was carried out at ICU department from 01/2017 to 08/2017 on hospitalized patients who discharged with diagnosis of HAP due to A.baumannii confirmed by positive culture to evaluate the patterns of infection and the antimicrobial resistances.

Results: 84 patients was included at the department ICU of An Giang hospital, the specimens were isolated including 67 samples (79,8%) of sputum, 17 samples (20,2%) of blood cultures. Isolated strains 16% of Acinetobacter spp was highly resistant to available antimicrobials (betalactam over 60%, carbapenem 45,2%, quinolone >84%), but are still 100% susceptible with colistin. Risk factors related to severity and mortality consisted of age > 60 years old, Creatinine increased, high APACHE II score, low PaO2/FiO2 and long ventilation time.

Conclusion: HAP due to A. baumannii 16% at the ICU Department is MDR.

(betalactam > 60%, carbapenem 45,2%, quinolone 84,5%).Colistin 100% susceptible. Mortality 60.7%.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Viêm phổi bệnh viện (VPBV) là một trong những nguyên nhân gây tỉ lệ tử vong cao. VPBV là biến chứng nhiễm khuẩn nặng, tác động xấu đến kết quả điều trị, gia tăng dòng vi khuẩn (VK) đề kháng kháng sinh (KS). VPBV đặc biệt là viêm phổi có liên quan đến thở máy là biến chứng thường gặp ở các bệnh nhân tại khoa săn sóc tích cực, làm kéo dài thời gian nằm viện cũng như làm tăng nguy cơ tử vong trên các bệnh nhân nặng. Tại Việt Nam, năm 2017 trong báo cáo của Truờng Đại học Y Hà Nội tỷ lệ viêm phổi bệnh viện do nhiễm Acinetobacter spp. 25,7% [10], riêng ở bệnh viện Bạch Mai là 42% [9], ở Chợ Rẫy là 67% [15]. Acinetobacter baumannii đề kháng cao với tất cả các kháng sinh thường dùng trong điều trị với tỷ lệ đề kháng trên 60% ngoại trừ kháng sinh Colistin có tỷ lệ đề kháng thấp hơn.

Tại Hoa Kỳ viêm phổi bệnh viện do Acinetobacter baumannii năm 1997 là 8,1%, năm 2007 là 51,25% [17]. Tỉ lệ tử vong từ 47 – 65%, là nguyên nhân làm tăng số ngày nằm viện từ 10 đến 15 ngày và tăng chi phí hơn 50.000 USD /bệnh nhân

Việc sử dụng kháng sinh phải phù hợp với tình hình vi khuẩn hiện tại của từng địa phương. Nhằm nâng cao khả năng điều trị thành công viêm phổi bệnh viện nên chúng tôi thực hiện “Đặc điểm viêm phổi bệnh viện do Acinetobacter spp tại khoa Hồi sức BVĐKTT An Giang”. Nhằm mục tiêu:

  • Nghiên cứu các đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của viêm phổi do Acinetobacter.
  • Xác định các yếu tố nguy cơ của VPBV do Acinetobacter .
  • Xác định tỉ lệ đề kháng kháng sinh của Acinetobacter tại khoa Hồi sức tích cực BVĐKTTAG.

ĐỐI TƯỢNG – PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

  1. Đối tượng NC

Tiêu chuẩn chọn bệnh:

Tất cả BN vào điều trị tại khoa HSTC, BVĐKTT An Giang từ tháng 01/2017 – 08/2017. Sau khi nằm viện hơn 48 giờ và có các dấu hiệu được chẩn đoán VPBV theo tiêu chuẩn NNISS CDC 2008 bao gồm các biểu hiện sau: sốt hơn 380C,Tăng tiết đàm mủ hay thay đổi tính chất đàm. Bạch cầu < 4.000 hoặc >12.000 tế bào/mm3, X-Quang phổi có thâm nhiễm mới hay tiến triển. Phân lập được vi khuẩn trong đàm, dịch hút qua nội khí quản và máu .

Tiêu chuẩn loại trừ: BN được chẩn đoán viêm phổi mắc phải trong cộng đồng, nhiễm HIV/AIDS, lao phổi đang điều trị.

  1. Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế NC: Nghiên cứu hồi cứu cắt ngang mô tả.

Xử lý số liệu: Các biến định lượng được thống kê bằng giá trị trung bình, độ lệch chuẩn sử dụng Two-tailed Student’s t test, Các biến phân loại được đánh giá bằng cách sử dụng Chi-square test, nếu các giá trị nhỏ sẽ được hiệu chỉnh bằng Fisher’s exact test, khi giá trị p < 0,05 được xem là có ý nghĩa thống kê với khoảng tin cậy 95%. Phần mềm thống kê SPSS 22 được sử dụng.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

  1. Đặc điểm chung cuả đối tượng nghiên cứu

Từ 01/2017 – 08/2017, có 84 BN đủ tiêu chẩn viêm phổi bệnh viện đưa vào nghiên cứu. Tuổi trung bình là 67,17 tỷ lệ nam cao nữ là 1,15 lần, các bệnh nền góp phần tăng tỷ lệ tử vong là bệnh thận mạn tính, đái tháo đường, nhiễm khuẩn huyết, tai biến mạch máu não, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và bệnh gan mật. Mẫu cấy dương tính phần lớn tử đàm và dịch hút khí quản (79,8%), còn lại là máu (20,2%). Tỷ lệ Acinetobacter dương tính là 16%, trong đó A. baumannii 96%. Hầu hết đều có sốt, suy hô hấp, bạch cầu tăng và giảm oxy trong máu nặng.

Bảng 1: Đặc điểm chung cuả nhóm nghiên cứu

Biến số n=84 Tỷ lệ (%)
Tuổi (TB±SD) 67,17 ± 18.1
Nam /Nữ 45/39 1,15
Bệnh nền Suy thận mạn

Đái tháo đường

Sốc nhiễm trùng

TBMMN

COPD

Gan mật

21

18

17

11

9

8

25

21,4

20,2

13,1

10,7

9,8

Bệnh phẩm Cấy đàm

Cấy máu

67

17

79,8

20.2

Tử vong 51/84 60,7

Nhận xét: Tất cả đều có bệnh nền, đứng đầu là suy thận mạn kế đến là đái tháo đường, sốc nhiễm trùng. Cấy đàm chiếm tỷ lệ cao 79,8%, cấy máu 20,2%. Tỷ lệ tử vong 60,7%.

  1. Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng

Bảng 2: Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng

Biến số Trung bình ± SD
Điểm APACHE II 24,12 ± 4,8
Điểm SOFA 7,93 ± 2,0
Nhiệt độ 38,2 ± 0,6
Glasgow 11,9 ± 2,6
Nhịp thở 28,4 ± 2,2
Bạch cầu 17.847 ± 5.804
CRP 84,3 ± 70
Thời gian thở máy (ngày) 7,58 ± 6,94
Thời gian nằm viện (ngày) 15,4 ± 7,0

Nhận xét: Tất cả các chỉ số tiên lượng độ nặng và tử vong đều ở mức khá cao.

  1. Đặc điểm các yếu tố nguy cơ

Bảng 3: Đặc điểm các yếu tố nguy cơ giữa hai nhóm

Biến số Nhóm sống

n=33

Nhóm tử vong

n=51

p
Tuổi 66 ± 17 67,9 ± 15,6 0,6
Glasgow 12,2± 2,8 11,6 ± 2,5 0,3
Creatinin 167 ±11 279 ± 198 0,02
PaO2/FiO2 188 ± 69 148 ±18 0,003
Điểm APACHE II 22,3 ± 4,9 25,2 ± 4,4 0,01
Đặt lại NKQ 44 40 0,29
Hút thuốc 43 41 0,3
Thời gian thở máy 5,5 ± 3,09 9,84 ± 6,8 0,00
Thời gian nằm viện (ngày) 14,5 ± 6,2 16,27 ± 8,1 0,2

Nhận xét: Các yếu tố nguy cơ như Creatinin tăng, PaO2/FiO2 giảm, Điểm APACHE II cao, Thời gian thở máy dài, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm sống và nhóm tử vong.

3-Mức độ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn

Biểu đồ 1: Mức độ đề kháng kháng sinh của vi khuẩn

 

7- Sử dụng kháng sinh ban đầu so với kháng sinh đồ

Bảng 3. Sử dụng kháng sinh ban đầu so với kháng sinh đồ

Nhóm Sống Tử vong
Phù hợp 29% 27,4%
Phù hợp 50% 15% 13,7%
Không phù hợp 66% 59%
Tổng 100% 100%

Nhận xét: Sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm so với kết quả kháng sinh đồ phù hợp với tỷ lệ rất thấp 29% cho nhóm sống và 27,4% cho nhóm tử vong.

BÀN LUẬN

Qua 84 trường hợp viêm phổi bệnh viện có cấy bệnh phẩm dương tính, chúng tôi nhận thấy:

Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của viêm phổi do Acinetobacter spp cũng giống như các viêm phổi do tác nhân khác phần lớn đều có sốt, giảm trí giác, khó thở ho khạc đàm, bạch cầu tăng, CRP tăng.

Trong tổng số 524 mẫu cấy dương tính, có 84 mẫu Acinetobacter spp chiếm tỷ lệ 16%. Kết quả này tương đồng với hầu hết các nghiên cứu trong nước: Trần Văn Ngọc là 10,3% [1], Nguyễn Thị Ngọc Bé (17,2%) [2]. BV Nguyễn Tri Phương 55,6% [5], BV Chợ Rẫy 61% [14], BV Bạch Mai 40% [9], BV Nhân dân Gia Định 69,3% [8]. Nguyên nhân có thể do thực trạng vi khuẩn tại địa phương, hoặc do điều kiện thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, trên 84 mẫu cấy dương tính với Acinetobacter spp. thì có 80 mẫu là Acinetobacter baumannii và chiếm tỷ lệ cao nhất là 96%, trong khi các Acinetobacter khác chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp 4% (4/84). Do đó kết quả khảo sát các đặc tính liên quan với các Acinetobacter khác này sẽ không có ý nghĩa thống kê, do cỡ mẫu quá thấp (4 ca). Vì vậy chúng tôi chỉ phân tích các kết quả về sau có liên quan với Acinetobacter baumannii. Điều này cũng phù hợp với nghiên cứu của Bùi Nghĩa Thịnh và cộng sự (2010), “Khảo sát tình hình đề kháng kháng sinh của vi khuẩn tại khoa hồi sức tích cực và chống độc bệnh viện Cấp Cứu Trưng Vương”[13], tác giả cũng chỉ báo cáo về tỷ lệ nhiễm Acinetobacter baumannii và tính đề kháng kháng sinh của chúng mà không đề cập đến các Acinetobacter khác.

Vi khuẩn đề kháng kháng sinh ngày càng tăng là thực trạng không thể tránh khỏi dưới áp lực chọn lọc của kháng sinh trong thời đại ngày nay. Trong nghiên cứu của chúng tôi, vi khuẩn Acinetobacter baumannii đã kháng với hầu hết các kháng sinh nhóm β-lactam với tỷ lệ đề kháng đều trên 60%, kể cả Imipenem 45,2%. Kết quả này ít hơn nhiều so với tác giả Nguyễn Văn Thuận nghiên cứu tại Chợ Rẫy 2014 tỷ lệ kháng với Cephalosporin thế hệ 3 là 92%, Carbapenem 85% [15], nghiên cứu của tác giả Hà Tấn Đức vi khuẩn kháng Cephalosporin thế hệ 3 là 82%, Carbapenem 65% [6]. BV Nguyễn Tri Phương 85% [5], tác giả Nguyễn Đạt Anh 50% [9], Lê Bảo Huy 88,6% [4].

Đối với các kháng sinh họ Aminoglycoside, Acinetobacter baumannii cũng đề kháng với tỷ lệ khá cao, trong đó kháng Gentamicin 61,9%, Amikacin 38,8%. Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Văn Thuận 38% [15], nghiên cứu của Bùi Nghĩa Thịnh 39,8 [13] tại bệnh viên Cấp Cứu Trưng Vương.

Trong nghiên cứu chúng tôi tỷ lệ đề kháng của Acinetobacter baumannii với kháng sinh nhóm Fluoroquinolone mà cụ thể là Levofloxacine 84,5%, tương đồng với nghiên cứu của Vũ Huỳnh Nga 98,2% [14]; Bùi Nghĩa Thịnh 87,5% [13], và nghiên cứu của Nguyễn Phú Hương Lan là 83% [12].

Điều đáng chú ý là Acinetobacter baumannii chưa đề kháng với kháng sinh nhóm polymyxin mà cụ thể là Colistin, nghiên cứu của chúng tôi chỉ có 0%, tác giả Nguyễn Phú Hương Lan là 0% [12]. Nguyễn Văn Thuận 0% [15]; Vũ Huỳnh Nga Bệnh viện Chợ Rẫy là 0,52% [14].

Tỷ lệ tử vong VPBV trong nghiên cứu của chúng tôi là 60,7%. Tác giả Emine Alp tỷ lệ tử vong VPBV 65%[18]. BV Nguyễn Tri Phương 65%[5], Lê Bảo Huy 61%[4] .

Sử dụng KS ban đầu so với kháng sinh đồ, trong nhóm tử vong sử dụng đúng chỉ đạt 27,4%, đúng phân nữa 13,7% còn lại 59% sử dụng sai hoàn toàn với kháng sinh đồ. Còn trong nhóm sống lần lượt là 29%, 15% và 66% cho thấy tầm quan trọng của viêc cấy bệnh phẩm làm kháng sinh đồ sớm để xác định nguyên nhân từ đó đưa ra loại kháng sinh thích hợp đạt hiệu quả tốt, rút ngắn được ngày điều trị.

KẾT LUẬN

Qua khảo sát 84 bệnh nhân viêm phổi bệnh viện do Acinetobacter spp tại khoa Hồi sức bệnh viên ĐKTT An Giang từ 01/2017 đến 08/2017, chúng tôi có kết luận sau:

Các đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng tương tự như viêm phổi nặng do các tác nhân khác.

Các yếu tố nguy cơ giúp tiên lượng độ nặng và tỷ lệ tử vong gồm: creatinin tăng, PaO2/FiO2 thấp, Điểm APACHE II cao, Thời gian thở máy dài.

Tỷ lệ nhiễm Acinetobacter spp là 16%. Đề kháng cao với hầu hết các kháng sinh họ β-lactam > 60%, Aminoglycoside 38,3%, Fluoroquinolone 84,5%. Đặc biệt carbapenem >45%. Tuy nhiên còn nhạy 100% với Colistin.

Tỷ lệ tử vong trong viêm phổi bệnh viện do Acinetobacter là 60,7%.

KIẾN NGHỊ

  • Xác định chẩn đoán sớm (cấy bệnh phẩm làm kháng sinh đồ), sử dụng KS đúng và đủ liều, ưu tiên phối hợp với Colistin.
  • Sử dụng kháng sinh ban đầu theo kinh nghiệm nên dựa vào tình hình nhiễm khuẩn và đề kháng KS của địa phương.
  • Tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng ngừa NKBV theo khuyến cáo của CDC.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1-Trần Văn Ngọc (2010) Sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn gây viêm phổi bệnh viện và phương pháp điều trị thích hợp trong giai đoạn hiện nay. Y Học TP Hồ Chí Minh 2010;12 (phụ bản số1, chuyên đề nội khoa) tr 6-12.

2-Nguyễn Thị Ngọc Bé (2004) Khảo sát tác nhân gây viêm phổi bệnh viện; luận văn thạc sỹ y học, Đại học Y dược TPHồ Chí Minh.

3-Vương Thị Nguyên Thảo, (2010). Khảo sát tình hình viêm phổi bệnh viện tại khoa săn sóc đặc biệt BV Chợ Rẫy; luận văn thạc sỹ y học, Đại học Y dược TP HCM.

4-Lê Bảo Huy, Lê Đức Thắng. (2012) Đặc điểm vi khuẩn gây bệnh và tình hình khángkháng sinh ở bệnh nhân lớn tuổi viêm phổi liên quan thở máy tại khoa hồi sức cấp cứu. Y Học TP. Hồ Chí Minh Tập 16 Phụ bản của Số 1 2012.

5- Hà Tấn Đức. (2011) Sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn gây viêm phổi bệnh viện, viêm phổi thở máy và viêm phổi liên quan chăm sóc ý tế tại khoa HSTC BVĐK Trung ương Cần Thơ.

6- Ngô Thanh Bình, Nguyễn Văn Khôi. (2013) Phân tích các yếu tố nguy cơ gây viêm phổi bệnh việntại khoa hồi sức tích cực, bệnh viện Khánh Hòa. Y Học TP. Hồ Chí Minh Tập 17 Phụ bản của Số 1.

7- Trần Minh Giang, Trần Văn Ngọc. (2010) Viêm phổi thở máy và đề kháng kháng sinh tại khoa săn sóc đặc biệt Bệnh viện nhân dân Gia Định.

8-Trần Hữu Thông, Nguyễn Đạt Anh. (2012) Căn nguyên gây viêm phổi liên quan thở máytại khoa cấp cứu và hồi sức tích cực BV Bạch mai. TCNCYH 80 (3) – 2012.

9- Nguyễn Hoài Anh, Ngô Quý Châu. Đặc điễm lâm sàng và vi khuẩn ở bệnh nhân viêm phổi bệnh viện. TCNCYH 73 (2) – 2011.

10.Nguyễn Phú Hương Lan và cộng sự (2012). Khảo sát mức độ đề kháng kháng sinh

của Acinetobacter và Pseudomonas phân lập tại bệnh viện Nhiệt Đới năm 2010. Thời sự y học 3/2012: 9-12.

11.Bùi Nghĩa Thịnh, Phạm Anh Tuấn và cộng sự (2010), “Khảo sát tình hình đề kháng kháng sinh của vi khuẩn tại khoa hồi sức tích cực và chống độc bệnh viện Cấp Cứu Trưng Vương từ 1/1/2010 đến 30/6/2010”. Báo cáo hội nghị khoa học bệnh viện Cấp Cứu Trưng Vương 2010.

12.Vũ Quỳnh Nga. Đặc điểm nhiễm khuẩn Acinetobacter baumannii ở bệnh nhân viêm phổi thở máy tại khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện chợ rẫy. 2012. Y Hoc TP. Ho Chi Minh Vol. 17

13.Nguyễn Văn Thuận, Lê Quốc Hùng. Nhiễm khuẩn bệnh viện do acinetobacter baumannii tại khoa bệnh nhiệt đới. Bệnh viện chợ rẫy năm 2012. Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Vol. 18 – Supplement of No 3 – 2014: 66-69

14.Ayan M, Durmaz R, Aktas E, Durmaz B. Bacteriological, clinical and epidemiological characteristics of hospital acquired Acinetobacter aumannii infection in a teaching hospital. J Hosp Infect. 2013;54:39–45

15.American Thoracic Society, Infectious Diseases Society of America: Guidelines for the management of adults with hospital-acquired, ventilator-associated, and healthcare-associated pneumonia. Am J RespirCrit Care Med 2005, 171:388–416.

16.Emine Alp, Muhammet Güven. Incidence, risk factors and mortality of nosocomial pneumonia inIntensive Care Units: A prospective study. Annals of Clinical Microbiology and Antimicrobials 2004, 3:17 doi:10.1186/1476-0711-3-17.

TỔNG ĐÀI ĐẶT LỊCH KHÁM BỆNH

1900585888 (bấm phím 1)